Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến thuật lội ngược dòng, giành học bổng hàng tỷ đồng du học Mỹ

Với chiến thuật lội ngược dòng phù hợp, bạn trẻ ứng tuyển vào đại học Mỹ hoàn toàn có thể khắc phục điểm "chết" trong hồ sơ để có thể trúng tuyển và nhận học bổng hàng tỷ đồng.

Tại buổi tọa đàm “Chiến thuật lội ngược dòng vào đại học Mỹ - Khi hồ sơ có nhiều điểm chết”, ông Trần Đắc Minh Trung - thạc sĩ giáo dục tại ĐH Harvard -thông tin khi ứng tuyển vào đại học Mỹ, mỗi hồ sơ được xem xét đa chiều, với nhiều tiêu chí nhằm đánh giá ứng viên một cách toàn diện.

Ngoài ra, mỗi cán bộ tuyển sinh phải đọc khoảng 500-700 bộ hồ sơ trong một mùa tuyển sinh kéo dài từ hai đến ba tháng. Do đó, ý tưởng của ứng viên, dù xuất sắc đến đâu, cũng có sự nhàm chán nhất định. Vì thế, ứng viên cần tạo điểm nhấn, làm lợi thế cho hồ sơ của mình.

'Cô gái vàng Vật lý' nhận học bổng của trường hàng đầu thế giới

Đinh Thị Hương Thảo, chủ nhân 2 huy chương vàng Vật lý quốc tế, vừa nhận học bổng toàn phần trị giá hơn 72.000 USD/năm của Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ.

Lội ngược dòng khi hồ sơ có điểm ‘chết’

Thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung đánh giá khoảng 30%-50% sức nặng của hồ sơ ứng tuyển nằm ở bài luận. Nó ảnh hưởng lớn tới việc ứng viên có trúng tuyển và được nhận học bổng hay không.

Thông thường, khoảng 20% sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ được trao học bổng. Quá trình cạnh tranh không hề đơn giản. Trong khi đó, hầu hết hồ sơ đều có điểm “chết”, yêu cần ứng viên có chiến thuật lội ngược dòng hợp lý.

ung tuyen vao dai hoc My anh 1
Thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung chia sẻ chiến thuật lội ngược dòng khi hồ sơ du học có điểm "chết". Ảnh: Nguyễn Sương.

Cán bộ tuyển sinh không chỉ đánh giá GPA (điểm trung bình chung học tập). cao hay thấp, mà còn chú ý xu hướng tăng giảm, mức trung bình của trường. GPA thấp so với mặt bằng chung hoặc giảm dần là dấu hiệu nguy hiểm.

Bên cạnh đó, các trường ở Mỹ coi trọng khả năng cống hiến cho xã hội nên sẽ chú trọng phần hoạt động xã hội của ứng viên, thường là làm từ thiện, dạy học cho trẻ em nghèo hoặc tham dự mô hình Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, điểm chuẩn hóa cũng là căn cứ để đánh giá ứng viên.

Chuyên gia này cũng tóm gọn hai xu hướng phổ biến khi làm hồ sơ. Thứ nhất, học sinh phát triển toàn diện, tốt mọi mặt nên viết hồ sơ theo hướng an toàn, chứng tỏ bản thân là con người toàn diện.

Thứ hai, nếu ứng viên có một hoặc nhiều điểm yếu nhưng có một điểm rất mạnh, họ cần đầu tư làm nổi bật thế mạnh ấy. Đặc biệt, người Mỹ quan tâm khả năng cống hiến. Ứng viên nên đề cập việc mình muốn cống hiến như thế nào trong bài luận.

Không những thế, học sinh, sinh viên phải giải thích rõ những điều bản thân đã làm được để giám khảo hiểu.

Ông Trung dẫn chứng hai trường hợp: Một bạn tham gia thuyết trình bài nghiên cứu của mình tại hội nghị do Harvard tổ chức nhưng chỉ nêu mà không giải thích. Trong khi đó, ứng viên khác chỉ thuyết trình tại hội nghị cấp quốc gia ở Ấn Độ nhưng ghi rõ quá trình chuẩn bị, hợp tác với người khác để hoàn thiện bài thuyết trình.

Đương nhiên, người ghi rõ được đánh giá cao hơn. Cán bộ tuyển sinh nhận định bạn ở trường hợp thứ nhất được trao cơ hội lớn nhưng không tận dụng được nên khó có thể nắm bắt tốt cơ hội trong tương lai.

Nhìn chung, nguyên tắc chính trong chiến thuật lội ngược dòng khi hồ sơ du học có điểm “chết” là ứng viên phải thông qua bài luận để làm nổi bật thế mạnh của bản thân.

Ví dụ, nếu GPA cao, hoạt động nhiều, giành một số giải thưởng, kỹ năng trả lời phỏng vấn tốt nhưng điểm bài thi chuẩn hóa SAT không cao, ứng viên nên thông qua bài luận, kể lại câu chuyện của bản thân, cách quan sát và thay đổi thế giới, đồng thời đưa thêm nhiều nhân vật phụ vào bài.

Ngoài ra, ứng viên nên chủ động trong vòng phỏng vấn và sẵn sàng đặt câu hỏi ngược lại cho giám khảo.

Trong trường hợp GPA, SAT cao, chọn chuyên ngành tốt nhưng ít hoạt động xã hội, kỹ năng trả lời phỏng vấn kém, ứng viên có thể khắc phục bằng cách đưa sự kiện điểm nhấn trong cuộc sống vào bài luận. Đó có thể là những trắc trở bạn gặp phải, cách vượt qua. Mục tiêu chính là cho họ thấy bạn muốn thay đổi bản thân.

Lội ngược dòng, giành học bổng hàng tỷ đồng

Nguyễn Tùng Nam (học bổng 4,8 tỷ đồng của ĐH Colgate, Mỹ) và Đinh Thị Hương Thảo (học bổng 6,3 tỷ đồng từ Viện Công nghệ Massachusetts - MIT) cũng có chiến thuật lội ngược dòng giúp họ thành công.

Nam học trung học tại Singapore, chuẩn bị hồ sơ từ hai năm trước. Nam sinh lên lộ trình chi tiết cho việc thi SAT, TOEFL. Tuy nhiên, cậu không đạt kế hoạch.

ung tuyen vao dai hoc My anh 2
Nguyễn Tùng Nam (thứ hai từ phải sang) chia sẻ quá trình ứng tuyển vào đại học Mỹ.  Ảnh: Nguyễn Sương.

Ngoài ra, Nam thi SAT theo kiểu cũ và không hài lòng với điểm số nên quyết định thi lại. Không may, điểm thi lần hai lại thấp hơn lần đầu.

Thời điểm đó, cậu rất thất vọng. Tuy nhiên, thay vì than phiền, Nam tìm hướng đi khác. Chàng trai giải thích nếu cố thi tiếp lần thứ ba, thứ tư, điểm có thể cao nhưng các trường sẽ tự hỏi xem đây là lần thi thứ mấy.

Giả sử ứng viên đạt 1.500 điểm nhưng lại thi đến 4 lần, dù thành tích khá ấn tượng, trường vẫn đánh giá không cao vì ứng viên đầu tư quá nhiều thời gian vào thứ không thể hiện toàn bộ con người họ. Vì lý do đó, Nam chuyển qua thi ACT.

Một điểm “chết” khác trong quá trình ứng tuyển mà Nguyễn Tùng Nam gặp phải là cậu nộp GPA dự kiến với điểm số khá cao. Tuy nhiên, sau khi thi, điểm thực tế lại không như mong đợi. 9X đã lội ngược dòng bằng cách viết bài luận và thư giải thích cho việc điểm thấp hơn dự kiến này.

“Điều quan trọng là việc ứng tuyển không kết thúc khi bạn ấn nút nộp hồ sơ. Vì các bạn chỉ nộp điểm học kỳ I lớp 12, khi nhận điểm của học kỳ II, trường sẽ đánh giá thái độ học tập, xem việc đã nộp hồ sơ ảnh hưởng như thế nào đến học tập. Do đó, chúng ta phải kiên trì đến bước cuối cùng”, Nam nhắn nhủ.

Cô gái “vàng” của Vật lý Việt Nam Đinh Thị Hương Thảo lại gặp khó khăn khác. Bất lợi lớn nhất là Thảo chuẩn bị hồ sơ trong thời gian khá ngắn, chỉ 5 tháng. Do đó, em không kịp nộp hồ sơ sớm, cũng như không có cơ hội cải thiện điểm thi SAT.

Nữ sinh chia sẻ điểm SAT chỉ đạt 1.470, không cao so với những người ứng tuyển vào MIT. Thêm vào đó, các hoạt động xã hội Thảo tham gia không tập trung hay theo định hướng chung. Để khắc phục những điểm “chết” này, Hương Thảo tập trung vào thế mạnh của bản thân.

Cụ thể, em nói về hai lần thi thi Olympic Vật lý quốc tế và mình đã trưởng thành như thế nào qua các kỳ thi. Bài luận của em cũng thể hiện bản thân một cách toàn diện thông qua đam mê, sở thích và gia đình.

Ngoài ra, hồ sơ ứng tuyển MIT còn yêu cầu 5 bài luận phụ về các khía cạnh khác trong cuộc sống. Đây cũng cơ hội để Thảo lội ngược dòng.

Chủ nhân suất học bổng 6,3 tỷ đồng đã đưa nhưng khó khăn mình gặp phải khi thi Olympic quốc tế do yếu tiếng Anh, quá trình kết bạn với những người chung niềm đam mê Vật lý, cũng như việc gia đình em bán phở và bản thân tập nấu phở vào bài luận.

Nhờ đó, Hương Thảo chinh phục thành công MIT - ngôi trường danh tiếng và tuyển sinh khắt khe bậc nhất thế giới.

Thạc sĩ ĐH Harvard nói về làm hồ sơ du học Thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung nói về chiến thuật chọn trường và làm hồ sơ ứng tuyển vào đại học Mỹ.

Nữ sinh giành học bổng 6,5 tỷ đồng từ trường hàng đầu thế giới

Tỉnh Lào Cai vừa tổ chức lễ tuyên dương nữ sinh xuất sắc giành học bổng trị giá 6,5 tỷ đồng từ ĐH Stanford (Mỹ) - một trong những ngôi trường danh tiếng trên thế giới.



Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm