Tăng cân khi mang thai vẫn là nỗi băn khoăn của đa số các bà mẹ. Tăng ít kg mẹ sợ con không đủ lớn, tăng nhiều sẽ tiềm ẩn các bệnh nguy hiểm như tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao,... Chị Vân Anh (Thanh Hóa) chỉ tăng 10 kg trong thai kỳ nhưng em bé nặng 3,9 kg. Mẹ 9X chia sẻ với Zing.vn về chế độ dinh dưỡng khi mang thai để dưỡng chất tập trung vào con nhiều hơn mẹ.
Giai đoạn 1 (3 tháng đầu)
Ở những tháng đầu thai kỳ, các bà mẹ không cần nhiều năng lượng. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải đảm bảo đủ chất đạm và những vi chất thiết yếu, đặc biệt là axit folic, sắt, kẽm… Trong đó, axit folic cần đảm bảo đủ dự phòng dị tật ống thần kinh và phân chia hình thành tổ chức tế bào thai nhi. Mẹ nên bổ sung trứng, sữa, ngũ cốc nguyên cám và các loại rau xanh có màu đậm như rau bina, rau muống, súp lơ xanh…
Chị Vân Anh ở những tháng cuối thai kì vẫn thon gọn và xinh đẹp. Ảnh: NVCC. |
Giai đoạn 2 (3 tháng giữa)
Từ tháng thứ 3-6, bé hình thành đủ các bộ phận trong cơ thể. Đây là thời gian để phát triển hệ thần kinh và các cơ quan xúc giác, thị giác, thính giác.
Để tốt cho con, mẹ nên ăn nhiều thức ăn có canxi và sắt. Mẹ vẫn uống thuốc bổ hoặc vitamin tổng hợp để phát triển thai nhi, ăn thực phẩm đa dạng nhưng hạn chế tinh bột và đồ ngọt. Các mẹ uống sữa bầu nên hạn chế loại quá ngọt khiến tăng cân nhanh. Chị Vân Anh chỉ uống sữa tươi không đường trong quá trình mang thai. Ngoài ra, chị còn bổ sung thêm tổ yến từ tháng thứ 5 của thai kỳ.
Giai đoạn 3 (3 tháng cuối)
Từ tháng thứ 6-9, thai nhi phát triển về da thịt. Giai đoạn này, bé sẽ tăng cân nhiều nhất, các mẹ hãy bắt đầu ăn nhiều tinh bột và uống sữa. Mẹ có thể ăn 2 bát cơm/ngày và uống 2-3 ly sữa. Ngoài ra, mẹ nên uống nhiều nước, ăn hoa quả sẽ hạn chế nguy cơ bị phù chân tay và biến dạng mặt. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn nhiều trứng vịt lộn và lươn có nhiều chất để giúp bé có thể phát triển chỉ số cân nặng.
Bé Ben (5 tháng tuổi) 8,5kg rất bụ bẫm và khỏe mạnh. Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên chú ý một số nguyên tắc ăn uống:
- Chia nhỏ thành 5-6 bữa/ngày để cơ thể tiêu hóa và hấp thụ tốt hơn, khắc phục tình trạng nghén trong những tháng đầu và kiểm soát cân nặng trong những tháng tiếp theo.
- Trong mỗi khẩu phần ăn của mình, mẹ nên chia các nhóm dinh dưỡng theo tỉ lệ 25% protein, 25% tinh bột, 50% rau củ. Rau xanh, hoa quả giúp bổ sung vitamin, chất xơ và còn giúp mẹ bầu tránh được tình trạng táo bón, đầy bụng, khó tiêu.
- Hạn chế các loại đồ ăn nhanh vì chúng chỉ khiến bạn tăng cân mà không hề bổ sung dinh dưỡng cho con phát triển.
- Uống đủ 3 lít chất lỏng (sữa, nước lọc, nước trái cây, canh) và không nên uống nước ngọt, nước có ga hay bia rượu.
- Đi bộ đều đặn mỗi ngày 30 phút, đồng thời những lúc rảnh rỗi nên tập các bài tập thể dục dành riêng cho bà bầu.
- Bổ sung thêm các loại vitamin tổng hợp chứa đầy đủ dưỡng chất thiết yếu từ giai đoạn trước và khi mang thai giúp đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của mẹ mà không cần phải cố gắng ăn quá nhiều.