Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiêu buôn xe gian để bao 'chân dài' của Công môtô

Công môtô và Huệ móc nối với 6 cán bộ tạo dựng hồ sơ 85 môtô phân khối lớn biến thành xe không rõ nguồn gốc, vô chủ để được mua đấu giá và bán cho người khác sử dụng.

Ngày 25/7, cơ quan tố tụng đã quyết định thay đổi từ tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, sang tội danh Đưa hối lộ đối với bị can Huỳnh Văn Xuân (tức Công mô tô), giám đốc công ty TNHH dịch vụ Thành Công Sài Gòn (TP.HCM) và Vũ Thị Huệ (trú đường Lê Thanh Nghị, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) trong vụ án "biến" 85 môtô phân khối lớn do nước ngoài sản xuất thành xe vô chủ.

Nhiều người kéo đến cửa hàng của Công môtô để đòi nợ.

Cơ quan công an cũng điều tra tội Nhận hối lộ đối với Trần Quốc Huy, đội trưởng đội quản lý thị trường (QLTT) số 3 -  chi cục QLTT Hải Dương.

Ngoài ra, truy tố vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với Ngô Văn Tới (đội phó đội QLTT số 2); Phạm Đình Quang (đội phó đội QLTT số 3), Phạm Đăng Duyên (đội phó đội QLTT số 5, chi cục QLTT Hải Dương), Bùi Mạnh Hùng (nguyên phó phòng tài chính - kế hoạch, trưởng phòng kinh tế - hạ tầng huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Văn Thắng (đội trưởng đội quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuộc chi cục thuế huyện Ninh Giang, Hải Dương).

Vụ án được phát hiện cuối tháng 8/2013 khi cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện Xuân và Huệ móc nối với 6 cán bộ trên tạo dựng hồ sơ 85 môtô phân khối lớn biến thành xe không rõ nguồn gốc, vô chủ. Sau đó, Xuân mua đấu giá và bán cho người khác sử dụng.

Ban đầu cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố các bị can về tội danh Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng quá trình điều tra đã xác định rõ hành vi của từng bị can nên quyết định thay đổi tội danh.

Trước khi bị bắt, Công luôn nổi bật với những chân dài và siêu xe.

Trong 2 năm 2007 - 2008, công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Công Sài Gòn chuyên mua bán môtô phân khối lớn. Thời gian đó, Xuân đã tìm gặp Nguyễn Thị Huệ và được người phụ nữ này đồng ý đứng ra làm thủ tục, hợp đồng hợp thức hóa 85 môtô phân khối lớn do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc mà Xuân đã mua thu gom trên thị trường (xe gian, xe lậu) để bán cho khách hàng thu lợi nhuận cao.

Sau khi bàn bạc thống nhất với Xuân, Huệ đã trực tiếp móc nối với Trần Quốc Huy thỏa thuận về giá cả hợp thức hóa mỗi xe. Để tránh bị phát hiện, Huệ yêu cầu Xuân gửi một số môtô cũ nát đến Hải Dương để cùng Huy dàn dựng một số vụ bắt xe trên đường vận chuyển.

Theo kế hoạch, mỗi khi cần hợp thức hóa 1 lô môtô theo yêu cầu của Xuân, Huệ sẽ chở một số xe máy cũ nát đi trên địa bàn huyện Ninh Giang rồi báo cho Huy. Người này sẽ tổ chức bắt giữ xe, tiến hành lập biên bản thu giữ, sau đó tổ chức bán đấu giá cho Xuân để hợp thức hóa gấy tờ. Để thực hiện trót lọt, Xuân đã đưa hàng trăm triệu đồng cho Huệ để đưa cho Huy.

'Công mô tô' bị bắt: Vay tiền, quỵt nợ để... chơi ngông

Huỳnh Văn Xuân (Công mô tô) được mọi người nhắc đến như "ông vua" trong làng siêu xe motor, tuy nhiên ít ai biết rằng người này vay tiền, quỵt nợ để...chơi sang.

Trong 2 năm này, đội QLTT số 3 Hải Dương đã lập hồ sơ xử lý 34 vụ việc, tịch thu 85 môtô không rõ nguồn gốc, phạt cảnh cáo 8 trường hợp, phạt tiền 26 trường hợp 13,5 triệu đồng, đồng thời ra quyết định tịch thu 85 môtô nói trên.

Toàn bộ số xe này được đội QLTT số 3 bạn giao cho phòng tài chính - kế hoạch huyện Ninh Giang làm thủ tục định giá và bán đấu giá tài sản.

Tất cả các xe tịch thu đều có giá 2 - 5 triệu đồng/xe, tổng số tiền thu được từ bán đấu giá là hơn 291 triệu đồng. 85 chiếc môtô phân khối lớn được Huỳnh Văn Xuân trưng bày chào bán tại salon trên đường Trần Phú, quận 5, TP.HCM với giá từ 6000 - 21.000USD/chiếc tùy theo dung tích xilanh.

Giá trị 85 chiếc xe này vào khoảng 20 tỷ đồng, trong đó 83 chiếc được bán cho khách hàng ở TP.HCM, 2 chiếc bán ở ngoại tỉnh.

V.Đức

Bạn có thể quan tâm