Chiêu câu khách rẻ tiền của gameshow Trung Quốc
Hàng chục cuộc thi ca hát, tìm kiếm tài năng trên truyền hình đang nở rộ khiến các nhà đài phải dùng đến những chiêu trò để thu hút người xem.
Đến hè 2013 đã xuất hiện gần 22 cuộc thi ca hát, tìm kiếm tài năng trên truyền hình ở Trung Quốc. Những sân chơi này mọc lên như nấm, từ phiên bản format quốc tế cho đến tự sản xuất như Happy Boys (Khoái lạc nam sinh), The Voice (Trung Quốc hảo thanh âm), X-Factor (Trung Quốc tối cường âm), Chinese Idol (Mộng chi thanh), Đại địa phi ca hay Duets (Tối mỹ hòa thanh)…
Các chương trình phong phú đa dạng, thí sinh cũng muôn màu muôn vẻ, trở thành một bữa đại tiệc truyền hình thịnh soạn khiến người xem "choáng váng" và sốc trước cơn khát kiếm tìm tài năng của các nhà đài. Điều này không khỏi dẫn đến sự nhàm chán và dấy lên nhiều dư luận trong xã hội.
Thiếu thí sinh, các chương trình toàn gặp người quen
Hiện tượng các thí sinh chạy đua không chỉ ở một cuộc thi mà tại nhiều cuộc thi là điều không phải hiếm gặp. Khán giả cũng trở nên quen thuộc với những thí sinh này. Đặc biệt, những thí sinh "người quen" đều là gương mặt nổi bật tại một cuộc thi nào đó, thuộc hàng quán quân, top 3, top 5 của những cuộc thi ca hát, không phải là những thí sinh không có giải và chạy show đi thi để mong tìm cơ hội nổi tiếng.
Có thể bắt gặp anh chàng Kỳ Hán - top 10 cuộc thi Happy Boys năm 2010 khu vực Trường Sa năm nay tiếp tục góp mặt tại cuộc thi Asian Wave của đài vệ tinh Đông Phương, thí sinh A Cát Thái của Chinese Idol tại chương trình Đại địa phi ca. Góp mặt dày đặc ở một loạt các cuộc thi là nam ca sĩ Yamano (Lý Sơn Sơn) top 4 cuộc thi như Giấc mơ Trung Quốc, Nguyên tác tứ tiến tam, The Voice; hay á quân X-Factor Hoàng Tịch Bồi, quán quân Giấc mơ Trung Quốc 2006 Hùng Nhữ Lâm đều tiếp tục góp mặt ở X-Factor 2013, quán quân Meter Bonwe Good Boy Trần Địch góp mặt trong I Am Chinese Star…
Không chỉ những thí sinh thành danh trở thành "người quen" tại các cuộc thi ca hát, các ca sĩ đã có tên tuổi cũng không phải ngoại lệ tại các chương trình vốn có câu định vị là "tìm kiếm tài năng". Có thể ví dụ trường hợp ca sĩ trẻ Alan đang nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà cả tại thị trường sân khấu nhạc Nhật Bản hay trường hợp nữ ca sĩ 8X Lý Gia Vy đều góp mặt tại chương trình X-Factor năm nay.
Thành viên mới, tay hát chính Lưu Văn Kiệt từ nhóm nhạc nam nổi tiếng Tín Nhạc Đoàn cũng không nằm ngoại lệ. Hay như nam ca sĩ Trương Nhan Phó, top 10 cuộc thi Happy Boys và từng là ca sĩ hát chính của chính của nhóm nhạc Xíc Tử. Tại sân khấu cuộc thi Chinese Idol năm nay còn xuất hiện nữ ca sĩ Tôn Tự Hựu (Dennis Sun) đến từ Đài Loan, quán quân cuộc thi Million Stars. Ngoài ra, còn có nữ ca sĩ trẻ Ái Mộng Manh (Amoa) đến từ Trung Quốc đại lục, từng phát hành album cũng bon chen không kém các thí sinh trẻ khác.
Nhà đài dáo dác tìm thí sinh
Theo chia sẻ của đạo diễn một cuộc thi ca hát, hiện nay làm chương trình ca hát trên truyền hình, việc tìm thí sinh là chuyện đau đầu nhất mà đội ngũ sản xuất phải nghĩ đến. Thậm chí còn phải thành lập đội tìm kiếm khi rót vào đó hàng đống tiền.
Trong khi đó, theo anh Z, đạo diễn lâu năm và có kinh nghiệm trong sản xuất các chương trình cuộc tìm kiếm tài năng trên truyền hình, nhận định: "Ngày nay những chương trình văn nghệ tổng hợp, tìm kiếm tài năng ngày càng nhiều, khán giả và dư luận ngày một hiểu biết và 'to mồm'. Chỉ cần có chuyện gì là lập tức trở thành sự kiện bình luận và gây sự chú ý. Vì vậy, tại mỗi cuộc thi đều không thể tránh khỏi có scandal này nọ".
Ngoài ra, anh Z còn chia sẻ: "Ba năm trước, các thí sinh nô nức tìm đến cuộc thi, giờ ngược lại, nhà đài đỏ mắt tìm thí sinh. Không những thế còn phải lao tâm khổ tứ, bỏ công sức, tiền bạc để đi tìm kiếm khắp nơi".
Về việc những ca sĩ chuyên nghiệp nhưng chưa mấy nổi tiếng liệu có phù hợp với tiêu chuẩn của các cuộc thi ca hát hay không. Anh Z phản bác: "Mọi người nghĩ họ đến chỉ để thi thôi sao? Đúng là có sự cạnh tranh, có đào thải. Để có được những thí sinh ở top 10 lại phải nhờ đến công tìm kiếm của chúng tôi. Qua mỗi vòng của nhà đài lại phát hiện ra những gương mặt xuất sắc, những thí sinh giỏi sẽ chỉ còn lại vài người. Thí sinh này coi như những hạt giống tốt có thể giúp sinh lời cho nhà chương trình, cho dù phải mất một thời gian không phải ngắn".
Nhận xét về việc tìm được thí sinh cho chương trình cũng không phải là nỗi lo chung của anh Z nói trên. Đạo diễn chương trình Happy Boys 2013 Mã Hạo cũng thừa nhận, trước mỗi lần khởi động cho cuộc thi, vấn đề tìm thí sinh có chất lượng tham gia cuộc thi là một vấn đề khiến anh hết sức lo ngại. Cùng chung ý kiến, giám đốc truyền thông chương trình The Voice Trung Quốc năm nay là ông Lục Vỹ nhận định, việc tìm HLV, sự cạnh tranh, bản quyền, kinh phí đều không phải là những vấn đề đáng lo ngại, yếu tố khiến ban tổ chức The Voice quan tâm và đau đầu nhất vẫn là nguồn thí sinh.
Yếu tố cần có: Scandal và khai thác chuyện cá nhân
Việc các thí sinh đăng ký ngày càng ít, hơn nữa những cuộc thi ca hát phù hợp với yêu cầu của chương trình còn ít hơn. Như vậy những chương trình kiếm tìm tài năng, giọng ca xuất sắc cần những thí sinh như thế nào?
Biết hát chỉ là một yêu cầu cơ bản nhất mỗi thí phải có. Bên cạnh đó, theo anh Mã Hạo, cuộc thi Happy Boys không chỉ đơn thuần lấy âm nhạc làm tiêu chuẩn hàng đầu. Đối với anh Z lại cho hay, cho dù là bất kỳ cuộc thi nào, chương trình truyền hình thực tế nào, dù chương trình có mục tiêu tìm giọng hát hay, thần tượng đẹp thế nào đi chăng nữa, trong quá trình tìm kiếm thí sinh, một điều kiện, tiêu chuẩn bất di bất dịch và không thể thiếu được, đó là tính tạo scandal của thí sinh.
Năm 2012, khán giả vẫn chưa thể quên những thí sinh gây bão dư luận tại các cuộc thi ca hát trên truyền hình. Trong số đó có cô gái Từ Hải Tinh đến từ cuộc thi The Voice mùa đầu tiên, Thảo Mạo Ca từ Chinese Idol hay anh chàng nông dân Chu Chi Văn biệt danh "anh áo bông" đến từ tỉnh Sơn Đông cũng nổi danh trong cuộc thi I Am Super Star…
Vậy những thí sinh này có điều gì gây sự chú ý và thu hút người xem? Nguyên nhân là họ có hoàn cảnh đặc biệt, có câu chuyện gây xúc động, gây cười… Họ tạo được dư luận mặc dù không hề liên quan gì đến cuộc thi ca hát đang tham dự.
Theo anh Z, các cuộc thi ca hát thường đặc biệt chú ý đến những yếu tố có thể khai thác được từ thí sinh như, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, bị xa lánh ruồng rẫy, mắc bệnh hiểm nghèo… Tóm lại là những thí sinh có hoàn cảnh, câu chuyện đang trở thành những vấn đề nóng trong xã hội sẽ được coi như những nhân tố đặc biệt thu hút khán giả.
Thí sinh không có chuyện, nhà đài giúp "nặn" ra chuyện
Nếu thí sinh đến tham dự chương trình nhưng thực sự không có câu chuyện gì đặc sắc về bản thân, trái lại họ có giọng hát có thể lay động người nghe, có thể kết hợp với "sách lược" mà chương trình đề ra. Những thí sinh này tất yếu sẽ được ban tổ chức "chấm" cho vào “tầm ngắm” để làm tăng tính thu hút của chương trình.
Anh Z tiết lộ: "Nếu thí sinh không có chuyện sẽ có người giúp thí sinh 'nặn' ra chuyện. Ban tổ chức có một đội ngũ chuyên nghiệp với tên gọi là nhóm Biên kịch chương trình truyền hình. Những người này có nhiệm vụ chuyên giúp các thí sinh bịa ra câu chuyện của riêng mình thật hấp dẫn, sống động, họ chính là những người có nhiệm vụ viết kịch bản cho các chương trình truyền hình. Họ đồng thời là những người hiểu hơn ai hết về đối tượng khán giả của chương trình, về tính chất cuộc thi và chính họ thiết kế ra những tình tiết, câu chuyện cho chương trình. Họ là những người có thể góp gió thành bão, giúp một người đi đường bình thường trở thành ngôi sao".
Là người thân, bạn bè của ngôi sao
Ngoài việc biết kể chuyện để "lấy nước mắt", "giành tình cảm" khán giả, biết phối kết hợp với câu chuyện của đội ngũ chuyên gia biên kịch. Một loại thí sinh khác được đặc biệt chú ý tại các cuộc thi ca hát, đó là những học trò, người thân hay bạn bè của các ngôi sao, người nổi tiếng, thậm chí từng có quan hệ với chính giám khảo, HLV của chương trình. Những loại thí sinh như vậy thực sự là những yếu tố thực sự thu hút người xem.
Trong chương trình The Voice 2012 với trường hợp thí sinh Lâm Lệ, cô từng là bạn học cũ và bạn cùng phòng của nữ ca sĩ nổi tiếng Lý Vũ Xuân, có thể coi là người cùng ăn cùng ngủ với nữ ca sĩ họ Lý nổi danh khắp Trung Quốc. Cả hai từng tham dự chương trình Supper Girls năm nào, giọng hát cá tính và khỏe của Lâm Lệ được đánh giá cao, tuy nhiên vì một sự cố đã khiến cô không thể lọt vào top 20 của cuộc thi năm đó diễn ra tại Thành Đô.
Ngoài ra, tại cuộc thi Chinese Idol năm nay, người em họ của nam diễn viên Huỳnh Hiểu Minh với ca khúc Anh trai đã khiến giám khảo, đồng thời là anh họ của thí sinh này, nam tài tử Huỳnh Hiểu Minh rớt nước mắt. Sự kiện này ngay lập tức trở thành chủ đề gây chú ý trên các trang báo mạng, các diễn đàn cũng như xôn xao trong dư luận.
Tại cuộc thi Happy Boys năm nay cũng có trường hợp tương tự, thí sinh Hàn Thừa Vũ tại khu vực Thành Đô có quan hệ vừa là thầy trò vừa là anh em với giám khảo, nam diễn viên Trần Khôn. Mặc dù tại vòng sơ tuyển, nam diễn viên đã không đồng ý cho Thừa Vũ vào vòng trong, anh cũng khuyến khích và động viên cậu trò cố gắng lần sau. Buổi phát sóng ngày hôm đó tuy chưa chính thức lên sóng, nhưng fan khi biết tin đã thực sự háo hức mong chờ được xem. Thực ra, dù Trần Khôn có cho cậu trò vào hay không cũng trở thành yếu tố thu hút người xem, đặc biệt là fan của ngôi sao Họa Bì.
Ưu ái những thí sinh từ ga tàu điện ngầm, hộp đêm
So với trước đây, mỗi cuộc thi ca hát chỉ cần thực hiện tuyên truyền quảng báo, mời gọi là đã thu hút được hàng trăm ngàn thí sinh ghi danh tham dự. Mấy năm gần đây, các chương trình, cuộc thi ca hát ngày một nhiều, thị hiếu và thẩm mỹ của công chúng ngày một cao, những chương trình có đủ sức thu hút cũng như giữ được chân người xem đang ngày một ít đi. Việc kiếm ra những thí sinh đạt chất lượng cho các cuộc thi lại là một điều khó hơn gấp bội: "Bây giờ việc tìm thí sinh dường như là chuyện vét máng dưới đáy nồi", một người trong đội sản xuất chương trình chia sẻ.
Anh Nghiêm Minh, Tổng giám đốc chương trình Đại địa phi ca về việc tìm kiếm thí sinh, theo chiều dọc, ban tổ chức phải lần mò tìm kiếm các thí sinh từ khu vực vành đai một nội thành, ra đến vành đai 2, vành đai 3. Thậm chí tìm hết từ thành thị cho đến nông thôn hay những vùng biên viễn của những dân tộc thiểu số cũng không bỏ xót. Theo chiều ngang, thí sinh từ các khu dân cư, các viên, trường học đào tạo nghệ thuật, công ty đào tạo nghệ sĩ, công ty sản xuất ca nhạc, ngay cả các hộp đêm, phòng trà, những nhóm nhạc hát rong, ca sĩ lang thang tự do. Ngay cả đến những nhà sản xuất nhạc, nhạc sĩ sáng tác hay ngay cả những người ghi âm chương trình ca nhạc đều lọt vào tầm ngắm.
Tuy nhiên theo anh Nghiêm Minh, những ca sĩ chuyên nghiệp không phải những đối tượng anh yêu thích bởi họ tuy nhìn khác nhau nhưng mở miệng ra là hát phải theo khuôn mẫu hết.
Tổng giám đốc truyền thông The Voice Trung Quốc, ông Lục Vỹ cho biết, những ca sĩ thành danh xét về giọng hát của họ thường không có gì đáng bàn, thế nhưng phong cách biểu diễn, giọng hát của họ không còn sự tự nhiên, trong sáng và hoang dại. Thường những người này khó lòng có thể lọt vào chung kết hoặc trở thành người chiến thắng, vì họ không có điểm gì nổi bật, khác biệt trong giọng hát.
Những ca sĩ ẩn danh kiểu "ngọa hổ tàng long" tại những hộp đêm, phòng trà mới thực sự là những thí sinh được ban tổ chức các cuộc thi ca hát yêu thích. Theo một nhân viên từ công ty giải trí Tianwu cho biết, những thí sinh này thường có một thời gian dài làm việc với những hộp đêm, những trường học nghệ thuật, vì vậy thường sẽ được chú ý và được trọng dụng tại các cuộc thi ca hát, tìm kiếm tài năng trên truyền hình.
Những trường hợp ca sĩ thành danh từ các cuộc thi ca hát xuất thân từ quán bar, phòng trà có nam ca sĩ Tả Lập từ cuộc thi Happy Boys, ca khúc Đổng tiểu tỷ đã giúp anh chàng sinh năm 1988 lọt vào top 10 khu vực Trường Sa và top 20 toàn quốc. Nhân viên bàn tại một hộp đêm là Trịnh Vĩnh Đơn được nhớ đến với vị trí top 10 cuộc thi Happy Boys khu vực Quảng Châu.
Theo anh Mã Hạo, có kinh nghiệm 10 năm trong việc tìm kiếm tài năng, thí sinh ca hát chia sẻ: "Chúng tôi biết cách gọt rũa những viên ngọc thô trở thành những ngôi sao sáng chói".
Theo chị Lý, người có kinh nghiệm sản xuất một cuộc thi ca hát trên truyền hình đình đám và có tỷ lệ người xem cao ở Trung Quốc, cho biết: "Những thí sinh xuất thân là ca sĩ hộp đêm, phòng trà họ có giọng hát rất tuyệt vời, kinh nghiệm sân khấu không chê vào đâu được. Ngoài ra, phần lớn trong số họ có ước mơ hoài bão và kinh nghiệm sống phong phú".
Đáng chú ý, tại cuộc thi X-Factor năm nay cũng xuất hiện khá nhiều gương mặt thí sinh là ca sĩ phòng trà, hộp đêm, ngay cả ca sĩ tự do hát ở các bến ga tàu điện ngầm cũng không là ngoại lệ.
Theo Khám phá