Thảo luận nhóm trong giờ tự học. Ảnh minh họa. |
Thầy Bùi Đăng Thương dẫn 7 nội dung cần thiết liên quan hiệu quả tự học của học sinh, cụ thể như sau:
Lập kế hoạch học tập: Trước khi làm bất cứ chuyện gì, nên lập kế hoạch. Nếu không có kế hoạch thì không làm chủ được thời gian, nhất là khi có bất trắc.
Một kế hoạch học tập tốt cũng giống chiếc phao cứu hộ. Mỗi người, tùy vào nhu cầu của mình, sẽ lập kế hoạch học tập riêng. Nó có thể thay đổi khi cần, nhưng điều quan trọng phải tuân thủ kế hoạch đã đề ra.
Kế hoạch học tập giúp quản lý thời gian: Ai cũng có 168 giờ mỗi tuần, nhưng có người sử dụng quỹ thời gian đó hiệu quả hơn người khác. Học sinh có rất nhiều thứ để làm, hãy liệt kê tất cả công việc cho từng ngày. Nếu thấy còn ít hơn 30 giờ mỗi tuần để tự học, hãy kiểm điểm lại xem tại sao mình phí thời gian như vậy.
Chọn địa điểm học: Có thể học ở bất kỳ nơi nào, dù rõ ràng có một số nơi thuận lợi hơn cho việc học. Quan trọng là nơi đó không làm phân tán sự tập trung của bạn. Hãy làm cho việc lựa chọn nơi học thích hợp trở thành một phần của thói quen học tập.
Chọn thời điểm học tập: Nói chung chỉ nên học lúc thoải mái, minh mẫn, vào đúng khoảng thời gian đã lên kế hoạch.
Học cho giờ lý thuyết: Nếu học trước để chuẩn bị cho giờ lên lớp, cần đọc tất cả những tài liệu và ghi chú thích những điểm chưa hiểu. Nếu học sau giờ lên lớp, chú ý xem lại những thông tin ghi chép được.
Học cho giờ thảo luận: Sử dụng khoảng thời gian ngay trước các giờ học này để luyện tập kỹ năng phát biểu với học viên khác (nếu cần). Điều này sẽ giúp hoàn thiện kỹ năng phát biểu.
Sửa đổi kế hoạch học tập: Đừng lo ngại khi phải sửa đổi kế hoạch. Thật sự kế hoạch chỉ là cách dự tính sẽ dùng quỹ thời gian của mình như thế nào, cho nên một khi kế hoạch không hiệu quả, ta có thể sửa đổi nó.
Nên nhớ rằng, việc lập kế hoạch giúp có thói quen học tốt hơn và khi đó việc lập kế hoạch sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuân theo đúng kế hoạch học tập đã định là một chuyện rất khó làm, trong khi rất dễ vỡ kế hoạch.
Những cách tự học hiệu quả
Học sinh có thể tự học qua sách giáo khoa (SGK), sách bài tập, sách và tài liệu tham khảo hoặc cũng có thể tự nghiên cứu.
SGK là nguồn tri thức quan trọng cho học sinh, nó hướng dẫn cụ thể để đạt lượng liều lượng kiến thức cần thiêt của môn học; phương tiện phục vụ đắc lực cho giáo viên và học sinh.
Do đó, tự học qua SGK vô cùng quan trọng để học sinh tham gia quá trình nhận thức trên lớp và củng cố khắc sâu ở nhà.
Để học sinh tự nghiên cứu trước SGK ở nhà, giáo viên không nên chỉ đơn giản nhắc các em đọc trước bài mới, mà cần nêu cụ thể câu hỏi khi đọc xong bài đó để các em có thể trả lời được. Đó là cách giao nhiệm vụ cụ thể giúp học sinh đọc sách có mục tiêu cụ thể, rõ ràng.
SGK cũng là tài liệu để học sinh đọc thêm cho rõ ràng những kiến thức mà giáo viên truyền đạt trên lớp, vì vậy, những ví dụ mẫu, giáo viên không nên thay đổi để học sinh đọc trước sẽ tham gia ngay được vào bài giảng. Học sinh yếu có thêm 1 tài liệu để đọc lại khi chưa rõ cách giáo viên hướng dẫn.
Đối với những nội dung mà sách giáo khoa đã có chi tiết đầy đủ, không nên ghi lên bảng cho học sinh chép, mà cho các em tự đọc. Cách làm này vừa tiết kiệm thời gian, lại tạo thói quen đọc SGK cho học sinh và làm cho bài giảng không bị nhàm chán
Tự học qua sách bài tập, sách và tài liệu tham khảo: Học sinh trong trường đều có sách bài tập, giáo viên nên tận dụng tài liệu này giúp học sinh tự học hiệu quả.
Việc cho bài tập về nhà, cũng cho theo thứ tự dạng bài tập của SGK và sách bài tập, giúp học sinh có 1 lượng bài tập tương tự đủ lớn (các bài này đều có lời giải chi tiết), từ đó tự mình làm được các bài trong SGK.
Cho bài theo cách này sẽ giúp học sinh có cách học mới là khi gặp khó khăn, các em sẽ tìm kiếm một phương án tương tự đã có để giải quyết, chứ không thụ động chờ đợi giáo viên hướng dẫn.
Để tạo thói quen tự nghiên cứu cho học sinh, giáo viên nên hướng dẫn làm các bài tập lớn, có kiểm tra đánh giá để học sinh có khả năng tự phân tích tổng hợp.
Muốn hiệu quả cao, giáo viên phải biết viết các tài liệu theo hướng chuyên đề, nhằm định hướng về tư duy và kỹ năng cho học sinh, đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy học sinh nghiên cứu khoa học.