Nhiều trường hợp, cơ quan chức năng không phát hiện được nguồn sáng xuất phát từ đâu, ai là người chịu trách nhiệm. Nhiều ý kiến cho rằng, các tia laser chiếu gần sân bay có thể đến từ hoạt động tổ chức sự kiện của địa phương.
Mặc dù vậy, cũng không thể loại trừ khả năng phá hoại bởi trong số những vụ việc được tổ bay báo cáo cho thấy có những trường hợp tổ bay bị chiếu đèn thẳng vào buồng lái khi máy bay chuẩn bị hạ cánh.
Các chuyên gia hàng không khẳng định, việc chiếu tia laser khi máy bay đang hoạt động trong giai đoạn cất/hạ cánh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều hành máy bay của phi công, uy hiếp an toàn bay. Tia laser chiếu vào buồng lái sẽ khiến phi công giật mình, phân tâm, bị gián đoạn kiểm soát máy bay. Tia laser cường độ mạnh thậm chí có thể gây mù mắt.
Nghị định 147 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng chưa quy định rõ hành vi nói trên nên cơ quan chức năng cũng chưa có căn cứ xử phạt.
Tuy nhiên, tại Nghị định 162 thay thế Nghị định 147 có hiệu lực từ 15/1 tới, hành vi sử dụng đèn laser trong cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay ảnh hưởng đến việc tàu bay cất cánh, hạ cánh có thể bị phạt từ 30-40 triệu đồng.