![]() |
Lukas Furtenbach, người dẫn đầu đoàn thám hiểm, cho biết ông đã sử dụng khí xenon nhiều lần ở độ cao lớn. Ảnh: Furtenbach Adventures. |
Mọi chuyện bắt đầu tại một quán rượu ở Anh, nơi 4 người bạn gồm một phi công, một chính trị gia, hai doanh nhân, đều từng phục vụ trong quân đội, cùng nhau lên ý tưởng về chuyến chinh phục Everest chỉ trong 7 ngày.
"Chúng tôi đều là những người bận rộn. Không ai trong chúng tôi có thể dành 6-8 tuần để leo Everest như cách thông thường", Al Carns, một thành viên trong nhóm, chia sẻ với CNN.
Thay vào đó, họ tìm đến một giải pháp mới: hít khí xenon - loại khí thường dùng trong y tế nhằm rút ngắn thời gian thích nghi với độ cao. Họ kỳ vọng điều này sẽ kích thích sản sinh erythropoietin (EPO), hormone giúp tăng số lượng hồng cầu và cải thiện khả năng vận chuyển oxy trong máu, yếu tố then chốt khi lên độ cao lớn.
Theo kế hoạch, nhóm sẽ bay từ Anh đến Kathmandu (Nepal), sau đó di chuyển bằng trực thăng đến trại căn cứ Everest. Tại đây, họ bắt đầu hành trình leo lên đỉnh cao 8.849 m với hy vọng hoàn thành toàn bộ chuyến đi trong vòng một tuần.
Ý tưởng này đến từ Furtenbach Adventures, công ty tổ chức các chuyến leo núi mạo hiểm, do Lukas Furtenbach điều hành. Theo ông, xenon có thể giúp rút ngắn quá trình thích nghi độ cao mà bình thường cần nhiều tuần để hoàn tất bằng phương pháp truyền thống.
![]() |
Các nhà leo núi hít khí xenon trước chuyến thám hiểm với hy vọng hỗ trợ cho quá trình thích nghi khi leo núi. Ảnh: Furtenbach Adventures. |
Tuy nhiên, phương pháp mới nhanh chóng gây tranh cãi. Liên đoàn Leo núi quốc tế (UIAA) lên tiếng phản đối, cho rằng không có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của xenon trong việc cải thiện hiệu suất leo núi. UIAA còn cảnh báo việc sử dụng khí này không đúng cách có thể dẫn tới “suy giảm chức năng não, suy hô hấp, thậm chí tử vong”.
Giáo sư Andrew Peacock, chuyên gia y khoa tại Đại học Glasgow, nhấn mạnh: “Việc sản sinh hồng cầu cần nhiều tuần. Nếu cố gắng rút ngắn quá trình thích nghi có thể khiến người leo núi đối mặt với nguy cơ phù não, phù phổi và các vấn đề nội tạng khác”.
Thách thức lớn nhất tại Everest là “vùng tử thần” trên độ cao 8.000 m – nơi không khí loãng khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái thiếu oxy nghiêm trọng. Bên cạnh đó còn là nguy cơ từ thời tiết khắc nghiệt, tuyết lở và các sự cố bất ngờ.
Dù vậy, Furtenbach lập luận phương pháp “leo nhanh” giúp giảm thời gian phơi nhiễm với các rủi ro môi trường. “Bạn càng ở trên núi ít, nguy cơ gặp tai nạn càng thấp,” ông nói.
Dù chi phí cho hành trình này không nhỏ (khoảng 150.000 euro) nhóm 4 người chia sẻ họ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm huấn luyện trong phòng thiếu oxy và theo chế độ ăn, tập luyện nghiêm ngặt.
Furtenbach nhấn mạnh đây không phải là hình thức thay thế cách leo truyền thống, mà chỉ là một lựa chọn khác cho những người có ít thời gian. “Leo Everest 7 ngày hay 10 tuần đều là quyết định cá nhân. Mỗi cách đều có trải nghiệm riêng,” ông nói.
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.
> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình