Viện Goethe vừa công bố thông tin về Liên hoan phim Đức lần thứ 7, từ ngày 8-25/9 tại Việt Nam. Trong danh sách có nhắc đến Đầu xuôi đuôi lọt của đạo diễn Norbert Lechner với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Việt Nam như NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Chiều Xuân, Đinh Y Nhung...
Zing.vn liên lạc với NSƯT Chiều Xuân để lắng nghe những chia sẻ của chị về việc tham gia một bộ phim nước ngoài.
- Chị đảm nhận vai diễn như thế nào trong "Đầu xuôi đuôi lọt"?
- Trong phim, tôi đóng vai mẹ của 2 cô con gái Linh (11 tuổi) và Tiên (7 tuổi). 3 mẹ con có một cửa hàng đồ ăn nhanh bên Đức. Nhưng vì bà ngoại ở Việt Nam lâm bệnh, người mẹ phải về quê chăm sóc bà. Hai cô con gái Linh và Tiên bất đắc dĩ phải ở lại trông nhà, cửa hàng và trông nhau... Hai cô bé không ngờ rằng, phía nhà đối diện có một cô bé tên là Pauline đã phát hiện ra "bí mật" này. Cô bé dọa sẽ báo Cảnh sát và Sở thanh thiếu niên.
Diễn viên Đầu xuôi đuôi lọt toàn là người Việt. Tôi đóng cùng 2 diễn viên nhí gốc Việt là Lynn Dortschack và Linda Đặng Phương Anh. Ngoài ra còn có NSƯT Mạnh Cường, diễn viên Đinh Y Nhung...
Diễn viên Chiều Xuân và đạo diễn phim Đầu xuôi đuôi lọt. Ảnh: NVCC. |
- Chị làm thế nào để có được vai diễn này?
- Dù là một vai phụ nhưng đoàn làm phim sang Việt Nam tổ chức casting rất nhiều người. Diễn viên Chi Bảo liên lạc với tôi, ngỏ ý muốn mời tham gia casting. Tôi đồng ý ngay, sau đó đoàn làm phim có gửi cho một kịch bản bằng tiếng Việt. Nhưng khi tôi đi casting thì phải diễn xuất bằng tiếng Đức
Đoàn làm phim đưa cho tôi 2 trang kịch bản bằng tiếng Đức, bảo thử đọc đi để casting. Nói thật là casting Tiếng Việt còn phải rất tập trung mới nhớ lời và diễn tốt huống hồ đây lại là tiếng Đức. Nhưng tôi nghĩ “đâm lao thì phải theo lao” nên cứ diễn thử xem sao. Diễn xong, mọi người bảo tốt. 3 tháng sau đó, đoàn làm phim báo lại là mình được chọn. Lúc đó, tôi rất mừng.
- Trong quá trình đóng phim tại Đức, chị có kỷ niệm nào đáng nhớ?
- Nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm. Năm ngoái là năm cực kỳ nóng ở châu Âu, cái nóng không thể tưởng tượng nổi. Còn nắng nóng hơn Việt Nam, chỉ đến buổi tối mới có cảm giác mát mẻ. Các cảnh quay của Đinh Y Nhung, kín trong nhà, gần bếp là nóng nhất. Còn tôi thì có cảnh người mẹ nói chuyện với các con từ Việt Nam qua skype. Tình huống để hai con lại bên Đức và về Việt Nam thăm mẹ già khiến nhân vật mà tôi đảm nhận lo lắng và khóc rất nhiều.
Cảnh quay đó, quay đi quay lại, từ sáng đến nhiều, hết góc này sang góc khác. Cả ngày, tôi phải giữ nguyên tình cảm như thế, khóc từ sáng đến chiều. Quay đến gần 20 lần. Thời tiết thì nóng, mỗi lần quay xong tôi lại trốn vào một cái buồng rất nhỏ, giống nhà tập thể của Đông Đức thời xưa. Tôi chui vào ngồi nghỉ để mọi người sắp đặt bối cảnh, diễn xong lại chui vào đấy ngồi tiếp.
Nhiều lúc thấy vất vả nhưng nghĩ mình phải như người đạp xe đạp rất chậm nhưng không hề nản. Tôi nghĩ, trước sau gì cũng đến đích nên dù có vắt kiệt sức cũng quyết không bỏ cuộc.
Nhiều cảnh có góc quay khó, phải quay nhiều đúp mới hoàn thành. Nhưng chỉ cần được đạo diễn nhận xét tốt là tôi lại hạnh phúc, sảng khoái và quên hết mệt mỏi. Trong suốt quá trình quay phim, tôi như nhà leo núi, không cần biết núi cao bao nhiêu chỉ cần quyết tâm leo để chinh phục bằng được.
- Có câu chuyên bên lề nào mà chị không thể quên?
- Anh La Phương – Việt Kiều bên ấy là người rất giỏi. Anh ấy luôn quan tâm và chăm sóc các diễn viên, thậm chí còn đưa đi chơi vào cuối tuần. Tôi nhớ có câu chuyện cũng bên lề, đó là hôm anh ấy đưa chúng tôi tới Berlin để tham gia ngày hội bia. Lúc đi đường bình thường, lúc về đường phải sửa.
Chúng tôi không biết đi đường nào để về phim trường, cứ mò đường theo định vị GPS. Càng đi, càng thấy sâu trong rừng. Mấy anh em bắt đầu lo lắng, bảo nhau kiểu này là lạc đường rồi. Trời thì tối, xung quanh toàn rừng. May quá, đúng lúc ấy thì có mấy ô tô đi tới, chúng tôi đi theo họ mới ra được khỏi rừng. Về đến phim trường, mấy anh em cười lăn, cười bò.
Một cảnh trên phim trường. Ảnh: NVCC. |
- Đạo diễn người Đức phản hồi như thế nào về diễn xuất của diễn viên Việt Nam?
- Đạo diễn Norbert Lechner là người rất nhẹ nhàng. Nhiều khi thành viên đoàn làm phim tức giận, tranh luận muốn đấm vào mặt nhau. Nhưng đạo diễn vẫn luôn hòa nhã và truyền cảm hứng cho mọi người.
Anh ấy rất quý mến với hài lòng với diễn viên Việt Nam. 2 diễn viên nhí gốc Việt là Lynn Dortschack và Linda Đặng Phương Anh thể hiện rất tốt, đạo diễn còn hỏi là tại sao hai bé lại có thể làm tốt như vậy dù không phải con nhà nghệ thuật.
Đóng vai trung tâm từ đầu đến cuối nhưng các bé không hề than phiền dù mệt mỏi hay vất vả. Chỉ có một buổi sáng chủ nhật, bé ngồi buồn lặng yên không muốn quay vì thấy nản và mệt nhưng vì tinh thần kỷ luật, bé vẫn ra trường quay và hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Nói thật là tôi vô cùng tự hào vì hai bé. Cảnh diễn thì khó mà rất chuyên nghiệp. Đúng là mang gen của người Việt Nam nên không những giỏi giang cần cù và chăm chỉ mà còn có năng khiếu. Tôi cũng mừng và tự hào lây.
- Sau quá trình làm việc với đoàn phim nước ngoài, chị đánh giá như thế nào về thái độ làm việc của họ. Việt Nam cần học hỏi những gì?
- Chúng ta cần học hỏi quá nhiều. Nhưng trước hết, tôi phải nói rằng đoàn làm phim Việt Nam, đặc biệt là phim truyền hình thường làm việc rất vất vả và thiếu thốn. Trong hoàn cảnh làm việc như thế mà vẫn ra được phim thì đúng là rất đáng phục. Tất nhiên, cũng không vì thế mà mình được làm ẩu, lấy hoàn cảnh để che lấp đi những sự yếu kém từ bên trong.
Ngoài ra, cách làm phim của chúng ta chưa chuyên nghiệp bằng họ. Tất cả thành viên các khâu trong đoàn của họ, từ hóa trang, phục trang, bối cảnh đều được đào tạo chuyên nghiệp và có tay nghề cao. Tính kỷ luật của họ cũng rất đáng khâm phục, làm việc rất chuẩn, đâu vào đấy.