Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Childhood Memory’: Âm nhạc thuần khiết như ký ức tuổi thơ

“Concert of Childhood Memory” giúp người nghe cảm nhận một thế giới âm nhạc thuần khiết và trong sáng, tuyệt nhiên không có sự hoa mỹ, cầu kỳ hay sáo rỗng.

Tối 22/6, tại khán phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã diễn ra chương trình hòa nhạc Concert of Childhood Memory với sự tham gia của dàn nhạc trẻ là chính các sinh viên trong trường.

Với phần thể hiện 13 tác phẩm âm nhạc nổi tiếng trên thế giới, Concert of Childhood Memory đưa khán thính giả đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, thông qua những bản nhạc phim hoạt hình Ghibli nổi tiếng đến nhiều bản nhạc trữ tình quen thuộc và cuối cùng là một tác phẩm giao hưởng mang âm hưởng Latin.

am nhac thuan khiet nhu ky uc tuoi tho anh 1
Chương trình mở đầu bằng tiết mục solo piano bản Una Mattina của Ludovico Einaudi. Giai điệu từng vang lên trong bộ phim Pháp nổi tiếng The Intouchables (2011). Ảnh: Quang Đức

Với mong muốn xây dựng một không gian âm nhạc thính phòng thực sự - nơi công chúng yêu nhạc, đặc biệt là khán giả trẻ được thưởng thức những âm thanh thuần khiết nhất của nhạc cụ, ban tổ chức quyết định đặt tên chương trình hòa nhạc là Concert of Childhood Memory.

“Chúng tôi muốn hướng thính giả tới thứ âm nhạc mộc mạc thuần khiết, giúp chúng ta bình tâm sống chậm lại và hướng tới những điều thiện, lòng yêu thương trong cuộc sống hối hả bon chen của hiện tại”, ban tổ chức chia sẻ.

Concert of Childhood Memory mở đầu bằng tiết mục solo piano bản Una Mattina của Ludovico Einaudi. Chỉ duy nhất một luồng đèn từ trên cao chiếu xuống sân khấu nơi người nghệ sĩ miệt mài lướt phím dương cầm mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Người nghe được đắm chìm vào một thế giới âm nhạc thực sự, nơi chỉ có thanh âm của nhạc cụ cũng đủ để chinh phục tâm hồn con người.

Khi đôi nghệ sĩ trẻ chơi violin và piano bước ra sân khấu để chuẩn bị thể hiện bản On a Clear Day của Joe Hisaishi trong bộ phim hoạt hình Kiki’s Delivery Service, khán giả vỗ tay không ngớt. Hình ảnh nữ sinh viên đắm chìm, nhắm mắt đầy vẻ lãng du trong tiếng violin khiến người ta liên tưởng đến chàng “hoàng tử vĩ cầm” Alexander Rybak hay những cô gái đã hỗ trợ anh trong MV Europe's Skies.

am nhac thuan khiet nhu ky uc tuoi tho anh 2
Cặp đôi nghệ sĩ thể hiện bản On a Clear Day của Joe Hisaishi trong bộ phim hoạt hình Kiki’s Delivery Service. Ảnh: Quang Đức 

Ngay sau On a Clear Day là hàng loạt bản nhạc phim hoạt hình nổi tiếng, từng gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả như Merry Go Round of Life (phim Howl’s Moving Castle), A Town with Ocean View (phim Kiki’s Delivery Service), One Summer's Day (phim Spirited Away), Ending Theme Song (phim My Neighbor Totoro) hay The Bygone Days (phim Porco Rosso).

Điểm nhấn của chương trình là tác phẩm Galop qua phần thể hiện của ba sinh viên chuyên ngành piano. Trên cùng một cây dương cầm, ba nữ sinh hòa quyện ăn ý với nhau, khi thi cao trào, gấp gáp như những con sóng hối hả vỗ bờ, lúc lại êm diu, nhẹ nhàng như dòng suối lững lờ chảy.

am nhac thuan khiet nhu ky uc tuoi tho anh 3
Khán phòng 858 chỗ gần như đã chật kín trong tối 22/6. Bên cạnh những lời khen ngợi cho sự nỗ lực, chương trình cũng nhận không ít phản hồi trái chiều sau khi khép lại. Ảnh: Quang Đức 

Concert of Childhood Memory là sân chơi để các nghệ sĩ trẻ tích lũy kinh nghiệm, bản lĩnh sân khấu, bước đầu gây dựng tên tuổi, cũng như là cơ hội sáng tạo ý tưởng âm nhạc của bản thân. Chương trình cũng được cho là cơ hội thử nghiệm ý tưởng âm nhạc cho các chỉ huy dàn nhạc trẻ tuổi giàu tiềm năng.

Tuy nhiên, do lần đầu tổ chức, đêm nhạc không tránh khỏi những điểm trừ về dàn dựng và biểu diễn. Hầu như phần mở đầu của các bản nhạc đều không suôn sẻ và hoàn hảo. Ngay cả cách chào khán giả của các cô cậu sinh viên cũng chưa đúng chuẩn so với một buổi hòa nhạc chuyên nghiệp.

Mi Thành, một khán giả tham dự chương trình phàn nàn: “Mình xin góp ý rằng ban tổ chức không nên bật nhạc hiện đại nói riêng hay bất cứ loại nhạc gì nói chung để làm nhạc chờ trước khi bắt đầu chương trình. Ban tổ chức các chương trình hoà nhạc khác cũng không cần nhạc trước khi buổi diễn bắt đầu. Bật nhạc ở ngoài vào rõ ràng không liên quan, không phù hợp với không khí giao hưởng. Còn lại thì chương trình đối với mình rất hay. Mọi người đã cố gắng hết sức và cống hiến hết mình cho buổi diễn”.

Còn khán giả Đào Gia Minh thì gay gắt hơn: "Mình thực sự không hài lòng cho lắm về buổi diễn. Xin có một vài ý kiến như sau: có cảm giác dàn nhạc chơi không đều, mượt và ăn khớp cho lắm. Rất nhiều đoạn nhạc cụ này đi trước, nhạc cụ kia theo sau. Âm thanh của các nhạc cụ lúc to, lúc nhỏ, không đều nhau nên nghe rất khó chịu. Và kèn với trống chơi không bắt khớp với những bộ phận khác. Đỉnh điểm là đến lúc kèn bị đuối hơi mấy lần thì mình thực sự chán nản. Thiết nghĩ vấn đề này phần lớn là do phía ban tổ chức chứ không phải lỗi dàn nhạc. Có thể là các bạn có quá ít thời gian để luyện tập làm quen và phối hợp ăn ý với nhau". 

Trước những phản hồi trái chiều, Nguyễn Bá Tùng, thành viên ban tổ chức chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên phòng hòa nhạc lớn của học viện kín không còn một chỗ trống và dưới áp lực như vậy, mong các bạn thông cảm với một vài lỗi của dàn nhạc trẻ, bởi họ đều là những sinh viên. Việc chơi trước một lượng khán giả đông như vậy có thể khiến các bạn lo lắng và hồi hộp. Nhưng họ cũng đã dồn hết nhiệt huyết, nỗ lực và tài năng cho buổi diễn”.

Còn Duy Quang - một thành viên dàn nhạc và cũng nằm trong ban tổ chức chương trình chia sẻ với Zing.vn: "Chúng tôi hoàn toàn đồng ý và tiếp thu những phản hồi của khán giả. Có nhiều lý do dẫn đến việc chất lượng chương trình không được như mong muốn, như việc các thành viên dàn nhạc chưa có nhiều thời gian để tập luyện và trau chuốt. Dĩ nhiên, tất cả đều xuất phát từ chúng tôi và dàn nhạc sẽ rút kinh nghiệm cho các buổi biểu diễn tiếp theo". 

Dù sao, một buổi hòa nhạc thính phòng mà những người trình diễn trên sân khấu cũng như khán giả chật kín khán phòng đều còn rất trẻ, là điều đáng mừng.

Những phản hồi của khán giả và việc thẳng thắn đối diện với sự hạn chế của ban tổ chức cũng cho thấy nếu làm đúng cách và bằng cái tâm trong sáng, nghệ sĩ trẻ có thể chạm được vào khán giả trẻ, dù điều họ mang đến chẳng hề "thị trường" hay "bắt kịp thị hiếu".

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm