Ngày 23/7, hot girl khá nổi trên mạng xã hội Trung Quốc nhờ vóc dáng thon gọn, mặt đẹp như búp bê bị dân mạng “bóc phốt” ảnh đời thực kém xinh, thô kệch, trông như hai người khác nhau.
Cô gái này chỉ là một trong số rất nhiều hot girl, hot boy mạng ở đất nước tỷ dân bất chấp che đi nhan sắc thật để sống ảo, câu like trên mạng xã hội.
Những cái tên như Quả Tử Tạng, Hàn An Nhiễm, Thất Hạc, Tấn Triết Hứa, Cống Nhất... đều từng khiến fan “hết hồn”, ngỡ như người xa lạ khi vô tình bị chụp lén ngoài đường hay tắt filter làm đẹp khi livestream.
Ảnh trước và sau chỉnh sửa của hai cô gái Trung Quốc từng khiến dân mạng xôn xao hồi tháng 5 vừa qua. Ảnh: Weibo. |
Không riêng các “ngôi sao mạng”, nhiều người bình thường thích sử dụng photoshop, phần mềm chụp và chỉnh sửa ảnh để dễ dàng có ngoại hình lung linh trên mạng.
Cũng vì thích sống ảo, hồi tháng 5 vừa qua, hai cô gái Trung Quốc bất ngờ nhận “gạch đá” khi bị người lạ đăng loạt ảnh trước và sau khi chỉnh sửa ảnh quá đà. Coey - một trong hai nữ chính - sau đó tỏ ra bức xúc vì vô duyên vô cớ bị chụp lén rồi đăng lên mạng để bôi nhọ.
“Là con gái, ai chẳng muốn xuất hiện xinh đẹp trong các bức ảnh”, cô bộc bạch.
Không ai giữ nguyên ngoại hình trên mạng
Năm 2019, Rankin - nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Anh - gây chú ý khi thực hiện dự án mang tên “Selfie Harm”.
Đầu tiên, anh chụp ảnh 15 thanh thiếu niên Anh trong độ tuổi 13-19. Các bạn trẻ này sau đó được yêu cầu dành 5 phút để chỉnh ảnh cho đến khi họ nghĩ rằng nó “đã sẵn sàng xuất hiện trên mạng xã hội”.
Tất cả cô gái đều nói họ thích ảnh gốc, nhưng không một ai giữ nguyên ngoại hình của mình trong hình. Nhiều người chỉnh phần mũi để thanh thoát hơn, xóa tàn nhang hay làm thon gọn khuôn mặt. Một số khác lại muốn đôi mắt tròn hay làn môi đầy đặn hơn.
“Họ đều bắt chước thần tượng của mình. Và tất cả chỉ muốn thu hút nhiều lượt thích trên mạng xã hội”, Rankin nhận định.
Dự án “Selfie Harm” của Rankin cho thấy việc “lột xác” để trông hoàn hảo trên mạng xã hội nhanh chóng và dễ dàng thế nào. Ảnh: Rankin. |
Nhiếp ảnh gia Anh nói thêm: “Đây chỉ là một trong số lý do khiến chúng ta đang sống trong thế giới của FOMO (hội chứng sợ bị lãng quên), nỗi buồn, sự lo lắng gia tăng và ‘chứng rối loạn Snapchat’”.
Rankin cho rằng đã đến lúc mọi người cần nhìn nhận những tác động tai hại mà mạng xã hội gây ra đối với nhận thức về vẻ bề ngoài.
Thực tế, nhiều nghiên cứu từng chỉ ra việc con người chỉnh sửa ảnh trước khi đăng lên mạng ẩn giấu các vấn đề nghiêm trọng liên quan tới sức khỏe tâm thần và nhận thức về bản thân.
Theo tạp chí Psychology Today, người tự ti về ngoại hình có xu hướng đăng tải các bức ảnh hấp dẫn, đã được chỉnh sửa kỹ càng lên mạng để nhận về những lời khen ngợi phù phiếm từ người khác. Ẩn sau hành động này là cảm giác bất an, thiếu tự tin và trầm cảm.
Đầu năm 2018, Hiệp hội Sức khỏe Cộng đồng Hoàng gia Anh đã công bố #StatusOfMind - báo cáo về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần. Theo đó, việc sử dụng 2 nền tảng tập trung vào hình ảnh là Snapchat và Instagram liên quan đặc biệt đến FOMO (hội chứng sợ bị lãng quên).
Các mạng xã hội này được cập nhật hàng triệu hình ảnh mới mỗi ngày. Và cùng với sự gia tăng của các bộ lọc chỉnh ảnh, những gì mọi người đưa lên mạng ngày càng không phản ánh thực tế của bất kỳ ai.
Các app làm đẹp ngày càng cung cấp nhiều tính năng để chiều theo mọi mong muốn chỉnh ảnh của người dùng. Ảnh: Observer. |
Trong khi Snapchat bị cáo buộc “tẩy trắng” người dùng bằng các bộ lọc làm sáng mịn da, thu gọn mũi hay làm tròn mắt, Instagram cũng có hơn 20 bộ lọc có thể giúp mọi người biến đổi ngoại hình.
Nhưng ngay cả khi các mạng xã hội này loại bỏ các bộ lọc làm đẹp được tích hợp trên nền tảng, rất nhiều ứng dụng chỉnh ảnh khác có thể thay thế.
“Chúng tôi không yêu cầu Snapchat hay Instagram cấm việc photoshop hay thêm bộ lọc làm đẹp. Chúng tôi chỉ muốn các nền tảng này báo cho người dùng biết ảnh nào đã qua chỉnh sửa để họ không nhìn vào đó như khuôn mẫu”, Matt Keracher, tác giả của báo cáo #StatusOfMind, nói với CNN, đồng thời khẳng định sự minh bạch về việc chỉnh sửa ảnh có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm thần của người dùng.
Sống ảo không khiến con người hạnh phúc hơn
Đó là kết luận được Bright Side đưa ra trong bài viết phản ánh tác động của việc chỉnh ảnh trước khi đăng lên mạng tới sức khỏe tâm thần của con người.
Selfie (chụp hình tự sướng) được coi là hoạt động có thể khiến nhiều người cảm thấy thấp thỏm và chán nản. Trong khi đó, mạng xã hội khiến người dùng gia tăng sự tập trung vào ngoại hình, đặc biệt là phụ nữ - những người coi ảnh selfie hoàn hảo là công cụ tuyệt vời để tạo ấn tượng tốt với mọi người trên Internet.
Các cô gái có xu hướng đăng nhiều ảnh của mình hơn bất kỳ đối tượng nào khác, theo nghiên cứu được trích dẫn bởi Psychology Today. Và sau khi chụp một loạt ảnh selfie, họ có thể cảm thấy lo lắng và mất tự tin.
Do ứng dụng làm đẹp ngày càng phổ biến và đa dạng, không ai gặp khó khăn trong việc chỉnh sửa các đặc điểm trên gương mặt họ cho tới khi cảm thấy hoàn hảo. Và khi con người dồn tất cả nỗ lực chỉ để đẹp hơn trong mắt người khác, họ hoàn toàn quên đi vẻ đẹp thực sự của bản thân.
Từ các ngôi sao cho đến người bình thường, ai cũng sẵn sàng chỉnh ảnh đến biến dạng rồi mới đăng lên mạng xã hội. Ảnh: Bright Side. |
Hành động chỉnh sửa ảnh trước khi đăng lên mạng có thể bị ảnh hưởng bởi cảm giác bất an và không hài lòng với chính mình. Có nhiều nỗi tự ti khác nhau như thừa cân hoặc quá gầy gò, tự thấy body, làn da, mái tóc... không đủ đẹp.
Những cảm giác này có thể trở nên tồi tệ hơn khi mọi người cứ thế lướt mạng và xem ảnh của người khác, mà có lẽ cũng đã được photoshop để được coi là hoàn hảo.
Việc nhận về hàng trăm, hàng nghìn lượt thích cho một bức ảnh đã qua chỉnh sửa có thể không mang lại nhiều hạnh phúc cho những người luôn cảm thấy không thoải mái với chính cơ thể họ. Bởi những nút tương tác ảo chỉ có thể thúc đẩy người dùng mạng đăng nhiều ảnh đã được "tút tát" qua app làm đẹp, và thực tế, hành động này chỉ khiến nỗi lo lắng dữ dội hơn.
“Đôi khi, tốt hơn hết là đóng ứng dụng mạng xã hội và cố gắng tập trung vào thứ gì khác, ví như tham gia một hoạt động hoặc theo đuổi sở thích mới. Điều này sẽ chiếm trọn thời gian rảnh và làm bạn xao nhãng khỏi những hình ảnh không thật trên mạng. Rốt cuộc, hạnh phúc lâu dài không được xây dựng trên mạng xã hội, mà tìm thấy ở chính cuộc sống hiện thực”, nhóm tác giả của Bright Side khuyên.
Trở lại câu chuyện của các hot boy, hot girl, hot streamer đều bị cộng đồng mạng “ném đá” khi bị phát hiện sống ảo, phải chăng cuộc sống của họ sẽ đỡ mệt mỏi hơn nếu phô ra đúng những gì thuộc về bản thân ở ngoài đời?
Nhà tâm lý Loice Noo Okello - đến từ khoa Tâm lý, Đại học Kenyatta ở Kenya - từng cảnh báo những người dùng không nhận được sự chú ý như mong muốn từ mạng xã hội có thể mắc chứng trầm cảm và giảm sự tự tin. Theo bà, họ cần yêu bản thân và chấp nhận mọi thứ thuộc về mình, hơn là cố gắng trở thành một con người khác.