Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ đang thử nghiệm cung cấp thông tin qua Facebook

Người dân được cung cấp thông tin qua mạng xã hội, tương tác với chính quyền qua ứng dụng dành cho smartphone.

Việc ứng dụng thành công Chính phủ Điện tử sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng/năm, đây là nội dung cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ vừa diễn ra.

Chiều 20/10, Văn phòng Chính phủ đã có cuộc gặp với báo chí để thông tin về Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử tại Hà Nội. Buổi gặp do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Lê Mạnh Hà và Thứ trưởng Bộ TTT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Lê Mạnh Hà đã điểm lại những nội dung chính về Nghị quyết số 36a, đồng thời nhận định, việc đẩy mạnh thực hiện Chính phủ Điện tử là một việc làm cần thiết, nhận được sự quyết tâm rất cao của Thủ tướng Chính phủ cũng như các lãnh đạo.

Mục tiêu của Chính phủ điện tử đặt ra là từ Chính phủ cho đến cấp xã, 100% dịch vụ công được cung cấp qua thông tin điện tử, giải pháp Chính phủ điện tử cũng được thực hiện trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Ông Lê Mạnh Hà (phải) và Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chủ trì cuộc họp.

Ông Lê Mạnh Hà cũng nhắc tới vài điểm cần khắc phục, như vấn đề về kinh phí riêng cho mục CNTT và cơ chế đầu tư với ngành đặc thù như CNTT là phát triển rất nhanh và liên tục đổi mới, dẫn đến việc các thiết bị nhanh lạc hậu và mất giá mạnh, ông cũng đề cập đến những biện pháp như phải có chính sách thu hút và sử dụng chuyên gia giỏi về CNTT để phục vụ trong các cơ quan Nhà nước, cũng như việc lựa chọn lĩnh vực để tập trung thực hiện trước việc ứng dụng CNTT, như vấn đề đất đai, xây dựng, giao thông, hay y tế...

Ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh thêm, Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm cá nhân trước kết quả ứng dụng CNTT ở cơ quan của mình. Nếu nhân lực phục vụ việc ứng dụng CNTT không sẵn sàng thì phải áp đặt và thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra, ông cũng đề nghị Báo chí đóng vai trò giám sát mạnh mẽ việc thực hiện triển khai Chính phủ Điện tử.

Trong việc thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ Điện tử, Văn phòng Chính phủ chủ trì 6 nhiệm vụ trong nghị quyết, Bộ Thông tin và Truyền thông 10 nhiệm vụ và các nhiệm vụ còn lại chia đều cho các Bộ, Ngành khác và một số đơn vị đặc thù như Hà Nội và TP HCM.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, cần nâng cao năng lực sử dụng CNTT của cả cán bộ và người dân.

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nêu ý kiến bổ sung, ngoài việc nâng cao năng lực của cán bộ, cần thiết phải nâng cao năng lực ứng dụng CNTT của người dân và Bộ sẽ tương tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có những chương trình đào tạo phù hợp với tinh thần của Nghị quyết.

Văn phòng Chính phủ cũng cung cấp kết quả kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản và công khai tiến độ giải quyết hồ sơ cho thấy, từ đầu tháng 7 cho đến 19/10/2015, cả nước đã có 27 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 Bộ thực hiện kết nối, liên thông thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản với hệ thống giả lập của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, có 1 Bộ và 19 địa phương đã liên thông gửi nhận văn bản và phản hồi trạng thái.

Từ 15/10/2015, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã phối hợp với UBND TP HCM công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và đạt 87% mức độ phản hồi.

Thực hiện thành công Chính phủ Điện tử trong cuộc sống, sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước, ông Lê Mạnh Hà lấy ví dụ, riêng về ngành y tế, mỗi năm chi trả bảo hiểm khoảng 50.000 tỷ đồng và có hiện tượng sai sót,  tiêu cực. Nếu con số này là 10% và công nghệ khắc phục được, số tiền tránh thất thoát sẽ là 5.000 tỷ đồng, một con số không nhỏ.

Giao diện của Trang thông tin Đa phương tiện Chính phủ.

Một thông tin bất ngờ được đưa ra trong cuộc họp báo từ Tổng Giám đốc Cổng thông tin Chính phủ Vi Quang Đạo đưa ra, đó là Cổng thông tin đã và đang thử nghiệm việc cung cấp thông tin qua mạng xã hội từ đầu 10/2015, cụ thể là Facebook và YouTube,với nội dung ban đầu là các văn bản mà Văn phòng Chính phủ cũng đã cung cấp cho các cơ quan báo chí, đồng thời đang cân nhắc về các phương án chính thức cung cấp thông tin cho người dân qua các kênh này vì “sức mạnh của Internet là rất lớn”.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp lời, để tạo điều kiện cho người dân tham gia vào Chính phủ Điện tử, các ứng dụng CNTT cần thiết phải thân thiện, dễ sử dụng, ông đề cập tới việc sẽ có các ứng dụng trung gian để người dân giao tiếp với chính quyền trên nền tảng điện thoại di động, nâng cao khả năng giám sát liên tục của người dân.

Ông Lê Mạnh Hà cho rằng, nếu có sự giám sát liên tục, minh bạch thì đảm bảo sẽ không có một cái sai một cách vô lý như vụ số 8 Lê Trực, khi đề cập đến việc toà nhà này có nhiều sai phạm và xây dựng, đồng thời đang chắc chắn sẽ phải cắt bỏ, sau khi gây dư luận mạnh trên các phương tiện báo chí và Internet trong thời gian qua.

http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/chinh-phu-dang-thu-nghiem-cung-cap-thong-tin-qua-facebook-131500.ict

Theo Thành Lương/ICTNews

Bạn có thể quan tâm