Tại kết luận của phiên họp diễn ra ngày 3/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc lùi thời gian một năm việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị tăng cường truyền thông, mở rộng đối thoại, tạo đồng thuận xã hội về đổi mới giáo dục.
Cũng trong phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm 2017-2018, không để tình trạng lạm thu, xử lý các vi phạm và công khai cho báo chí, người dân được biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp thường kỳ tháng 9. Ảnh: Báo chính phủ. |
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể một năm để chuẩn bị kỹ hơn.
Trong buổi hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành giáo dục được kết nối cùng 63 tỉnh thành, nhiều địa phương đề xuất Bộ GD&ĐT lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể một năm, thay vì áp dụng từ năm học 2018 -2019 như kế hoạch.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, thông tin chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được làm bài bản, có lộ trình nhưng các địa phương sẽ gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Cụ thể ở Nghệ An, cơ sở vật chất và giáo viên ở vùng cao còn nhiều hạn chế. Theo đó, người đứng đầu ngành giáo dục Nghệ An đề nghị lùi thời gian áp dụng chương trình mới để đạt hiệu quả tốt hơn.
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng cho rằng lộ trình thực hiện năm học 2018-2019 hơi gấp. Việc lùi lại thời gian thực hiện cần thiết để sở GD&ĐT triển khai bồi dưỡng giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, nói việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được triển khai vào năm học tới là phần khung, các phần tiếp theo sẽ được tiếp tục triển khai. Vì vậy, việc lùi lại một năm cũng không quan trọng lắm. Việc triển khai chương trình nên thực hiện từng nội dung, không nên triển khai đồng loạt cùng lúc.