Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chính sách bất thường để có thêm trẻ em của Trung Quốc

Việc một tỉnh ở Trung Quốc lần đầu tiên cho phép người dân sinh bao nhiêu con tùy thích, kể cả chưa kết hôn được cho là bước đi bất thường.

chinh sach sinh de anh 1

Sáng kiến mới có hiệu lực từ tháng 2 của tỉnh Tứ Xuyên đã cho thấy mức độ cấp bách trong việc gia tăng dân số ở Trung Quốc, giữa bối cảnh dân số của nước này lần đầu tiên giảm kể từ những năm 1960.

Trong khi phần lớn địa phương ở Trung Quốc vẫn giới hạn các gia đình sinh tối đa 3 con, một tỉnh đã nỗ lực hết mình để khuyến khích sinh đẻ: cứ sinh bao nhiêu con tùy thích, kể cả bạn chưa lập gia đình.

Những nỗ lực khác đang được tiến hành, ví dụ các quan chức ở một số thành phố kêu gọi sinh viên đại học hiến tặng tinh trùng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng dân số và có kế hoạch mở rộng bảo hiểm quốc gia cho các phương pháp điều trị sinh sản, bao gồm cả IVF (thụ tinh ống nghiệm).

Tuy nhiên, theo The New York Times, các biện pháp này đang vấp phải sự hoài nghi và tranh luận.

Những chính sách thất bại

Nhiều thanh niên được sinh ra trong chính sách một con hà khắc của Trung Quốc đang phản đối việc chính phủ muốn khuyến khích sinh nở ở một quốc gia có chi phí nuôi con đắt đỏ nhất thế giới.

Đối với họ, những ưu đãi không giúp giải quyết được lo lắng khi vừa phải nuôi cha mẹ già, vừa quản lý chi phí giáo dục, nhà ở và chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.

Lu Yi, một y tá 26 tuổi đến từ Tứ Xuyên, tỉnh gần đây đã dỡ bỏ giới hạn sinh, cho biết: “Vấn đề cơ bản không phải mọi người không thể sinh đẻ mà họ không đủ khả năng để nuôi con”.

Lu nói thêm rằng cô cần kiếm được ít nhất gấp đôi mức lương hiện tại là 8.000 nhân dân tệ (tương đương 1.200 USD) để có thể cân nhắc chuyện sinh con.

Nhiều quốc gia trên thế giới, từ Nhật Bản đến Nga hay Thụy Điển, đã phải đối mặt với thách thức nhân khẩu học tương tự. Những nỗ lực của họ nhằm khuyến khích sinh đẻ, bằng trợ cấp và các chiến thuật khác, chỉ đem lại hiệu quả hạn chế.

Nhưng Trung Quốc đã già đi nhanh hơn các nước khác.

chinh sach sinh de anh 2

Chính sách hai con và ba con đều thất bại, dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ những năm 1960.

Chính sách một con được thực thi nghiêm ngặt, nhằm làm chậm tốc độ tăng dân số, đã dẫn đến tỷ lệ sinh giảm mạnh cũng như sự thay đổi quan điểm của các thế hệ về quy mô gia đình.

Chính quyền đưa ra nhiều giải pháp, như cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con vào năm 2016, và tăng lên 3 con vào năm 2021, nhưng cũng không đủ.

Chính sách mới ở Tứ Xuyên đã thu hút sự chú ý rộng rãi, vì về cơ bản nó hoàn toàn bỏ qua giới hạn sinh, cho thấy cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang thúc đẩy xóa bỏ “kìm sắt” đối với quyền sinh sản như thế nào.

“Chính sách hai con đã thất bại. Chính sách 3 con cũng vậy. Đây là bước tiếp theo”, Yi Fuxian, nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison, người đã nghiên cứu về xu hướng dân số Trung Quốc, cho biết.

Tứ Xuyên, tỉnh lớn thứ 5 của Trung Quốc với 84 triệu dân, đã xóa bỏ mọi giới hạn về số trẻ được sinh ra mà các gia đình có thể đăng ký với chính quyền. Địa phương cũng đưa ra quy trình đủ điều kiện để cha mẹ được nghỉ phép có lương và hoàn trả hóa đơn bệnh viện khi sinh con.

Quy định mới bao gồm cả những phụ huynh chưa lập gia đình. Đây được xem là động thái bất thường. Trước đây, chỉ các cặp đã kết hôn mới được đăng ký số lượng con.

Mẹ đơn thân lần đầu được bảo vệ

Chính sách mới cũng đã gây chấn động ở quốc gia nơi các bà mẹ đơn thân phải chịu đựng sự phân biệt đối xử.

Trên các diễn đàn trực tuyến, một số người đã ca ngợi đây là bước tiến lớn để bảo vệ những bà mẹ chưa kết hôn.

Tuy nhiên, một số người phản đối vì cho rằng các ông bố có thể sinh con với nhân tình, chỉ trích chính sách này sẽ đưa “những đứa con ngoài giá thú” ra khỏi bóng tối.

chinh sach sinh de anh 3

Zhang Meng là một bà mẹ đơn thân ở Thượng Hải.

Ở hầu hết địa phương tại Trung Quốc, mẹ đơn thân bị từ chối các lợi ích mà cặp vợ chồng được nhận khi có con. Cho đến gần đây, một số tỉnh còn phạt tiền đối với những phụ nữ chưa kết hôn mà có con.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng thiếu trẻ em đã khiến các tỉnh như Tứ Xuyên bắt đầu công nhận hợp pháp con của mẹ đơn thân, là một phần trong chính sách thúc đẩy sinh đẻ.

Nhóm ủng hộ quyền phụ nữ tôn vinh xu hướng này như một chiến thắng cho các bà mẹ chưa lập gia đình.

Tuy nhiên, Zhang Meng (47 tuổi), một bà mẹ đơn thân ở Thượng Hải, cho biết Trung Quốc đã quá chậm chạp trong việc mở rộng quyền của các gia đình phi truyền thống.

Zhang phát hiện mình có thai vào năm 2016, ngay sau khi chia tay bạn trai. Lúc đó, cô 40 tuổi và quyết định giữ lại đứa bé vì sợ rằng đó là cơ hội cuối cùng để cô có thể sinh con.

Sau khi con trai chào đời, đơn xin nghỉ thai sản có lương và hoàn trả hóa đơn y tế của cô - vốn được cấp cho các cặp vợ chồng - bị từ chối.

Cô đã kiện các cơ quan địa phương để đòi tiền. Nhiều năm sau, vào năm 2021, cuối cùng cô cũng nhận được 70.000 nhân dân tệ (khoảng 10.200 USD) từ chính phủ.

Nhưng những trở ngại đối với những người phụ nữ như cô vượt xa sự đền bù. “Điều mà nhiều phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ đơn thân, thiếu không phải là tiền mà là sự bảo vệ quyền lợi của họ và sự tôn trọng của xã hội”, Zhang nói.

Những người ủng hộ quyền phụ nữ đã lập luận rằng nỗ lực của chính phủ nhằm tăng tỷ lệ sinh có nguy cơ làm sâu sắc hơn sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Hiện tại, nhiều công ty chỉ ưu tiên tuyển nam giới hoặc phụ nữ đã có con. Khi chính quyền cho phép các cặp vợ chồng có 3 con, phụ nữ lo lắng rằng các ông chủ sẽ không muốn thuê họ vì tránh né lương nghỉ thai sản.

Cho tiền cũng không muốn sinh con

Bất bình đẳng giới bao trùm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học theo những cách khác.

Trong những tháng gần đây, khi ngày càng có nhiều thành phố công bố các khoản thanh toán cho việc hiến tặng tinh trùng, nhiều người để lại bình luận nói đùa rằng đàn ông cuối cùng cũng phải chịu một phần áp lực mà phụ nữ phải đối mặt để giảm bớt tình trạng giảm tỷ lệ sinh của đất nước.

Tháng 2, một bệnh viện ở Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, thông báo rằng các sinh viên đại học (nhưng chỉ những người cao trên 1,65 m) hiến tinh trùng có thể nhận được 4.500 nhân dân tệ tương đương (660 USD).

Thông báo được kết thúc bằng một khẩu hiệu bằng phông chữ màu hồng, nghe giống như một lời kêu gọi hành động tập thể: “Tôi hiến tặng tinh trùng. Tôi xuất sắc. Tôi tự hào”.

chinh sach sinh de anh 4

Trung Quốc là một trong những quốc gia có chi phí nuôi con đắt đỏ nhất thế giới.

Cùng với việc xây dựng ngân hàng tinh trùng, chính phủ cũng đang nỗ lực nhiều hơn để mở rộng khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị như thụ tinh trong ống nghiệm.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã lưu ý rằng tỷ lệ sinh giảm có liên quan nhiều đến những thay đổi về kinh tế và văn hóa hơn là vấn đề vô sinh.

Hậu quả của việc phong tỏa vì đại dịch, gần 1/5 người Trung Quốc trong độ tuổi 16-24 thất nghiệp, đã làm trầm trọng thêm sự vỡ mộng của một thế hệ, mà nhiều người coi việc từ chối sinh con là một hành động phản kháng chính trị.

Nhiều thành phố ở Trung Quốc đang cố gắng giải quyết áp lực tài chính trong việc nuôi dạy con cái bằng các khoản thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt.

Tháng trước, Thâm Quyến, một thành phố lớn giáp ranh với Hong Kong, đã công bố đề xuất cung cấp 7.500 nhân dân tệ cho các hộ gia đình có một con, cùng các khoản thanh toán bổ sung cho mỗi anh chị em.

Tracy Chen (36 tuổi), một luật sư ở Thâm Quyến, người vừa kết hôn, cho biết khoản trợ cấp chỉ đủ trang trải cho một tháng thuê bảo mẫu.

Chen cho biết ban đầu cô định sinh 3 con vì mong muốn sẽ có một gia đình đông đúc khi về già. Nhưng nhìn thấy chị gái và bạn bè của mình xoay xở chi tiêu để nuôi chỉ một đứa con, cô đã vỡ mộng.

Hiện tại, Chen chỉ mong muốn sinh một đứa con. Cô nói rằng trợ cấp là một đặc quyền tốt nhưng “nó không đủ để ảnh hưởng đến việc bạn có con hay không”.

Cảm xúc tiêu cực tuổi 20

The Inner Game of Tennis là tác phẩm nổi tiếng được viết bởi Gallwey - một huấn luyện viên tennis chuyên nghiệp ở miền nam California. Đây cũng là cuốn sách giúp Bill Gates thoát khỏi thói quen tự trách khi gặp thất bại và hình thành phong cách lãnh đạo của ông. "Đó là cuốn sách hay nhất về tennis mà tôi từng đọc, và những lời khuyên sâu sắc trong đó có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống", nhà sáng lập Microsoft viết.

Quốc gia có tuổi đồng thuận tình dục thấp nhất thế giới phải sửa luật

Nhật Bản có kế hoạch hình sự hóa việc quan hệ tình dục với thanh niên dưới 16 tuổi trong một cuộc đại sửa đổi luật về tội phạm tình dục.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm