Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 8

Từ tháng 8/2013, một số chính sách mới liên quan đến GD - ĐT có hiệu lực thi hành: tăng mức cho vay học sinh, sinh viên lên 1,1 triệu đồng/tháng; quy định mới về công nhận bằng cấp nước ngoài; dùng sáng kiến của người khác để dự thi, phạt đến 40 triệu đồng.

Chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 8

Từ tháng 8/2013, một số chính sách mới liên quan đến GD - ĐT có hiệu lực thi hành: tăng mức cho vay học sinh, sinh viên lên 1,1 triệu đồng/tháng; quy định mới về công nhận bằng cấp nước ngoài; dùng sáng kiến của người khác để dự thi, phạt đến 40 triệu đồng.

Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên lên 1,1 triệu đồng/tháng

Theo Quyết định 1196/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1, Điều 5, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, mức cho vay tối đa là 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV.

So với quy định cũ, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên tăng thêm 100.000 đồng/tháng/HSSV.

Quyết định 1196/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2013, áp dụng đối với các khoản vay mới kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Dùng sáng kiến của người khác để dự thi, phạt đến 40 triệu đồng

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức có một trong các hành vi: Sử dụng, công bố số liệu, quy trình công nghệ, thông tin liên quan đến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức khác mà không được cá nhân, tổ chức đó cho phép đăng ký, công bố công trình nghiên cứu khoa học của cá nhân, tổ chức khác mà không được phép của cá nhân, tổ chức đó.

Sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, số liệu, thông tin của cá nhân, tổ chức khác trong báo cáo khoa học, tài liệu khoa học mà không chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ của kết quả nghiên cứu đó; sử dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình công nghệ của cá nhân, tổ chức khác để đăng ký tham dự triển lãm, cuộc thi, giải thưởng về khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ buộc phải cải chính thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi vi phạm.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2013.

Quy định mới về công nhận bằng cấp nước ngoài

Người đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính.

Đây là điểm mới được bổ sung trong Thông tư 26/2013/TT-BGDĐT quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Về thủ tục công nhận bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ, nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ.

Trong thời gian không quá 30 ngày làm việc, trên cơ sở quy định về tuyển sinh, chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng của nước cấp văn bằng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét xử lý hồ sơ để công nhận văn bằng phù hợp với một trong các loại văn bằng của Việt Nam.

Trường hợp văn bằng đề nghị công nhận không phù hợp với một trong các loại văn bằng của Việt Nam, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng, cung cấp thêm thông tin và công nhận giá trị thực tế của văn bằng trong hệ thống giáo dục của nước cấp bằng.

Trường hợp văn bằng không đủ điều kiện để được công nhận, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng nêu rõ lý do không công nhận.

Theo Chinhphu.vn

Theo Chinhphu.vn

Bạn có thể quan tâm