Ý thức cộng đồng nghe qua tưởng như đơn giản, nhưng lại là một trong những giá trị cơ bản và quan trọng tạo nên sự khác biệt văn hóa. Đó cũng là điều người trẻ học hàng ngày, song chưa chắc thực hiện được. Điều này thể hiện rõ nhất qua trò chơi đang hot hiện nay - Pokemon Go.
Không chỉ dừng lại ở việc tốn thời gian, tiền bạc, công sức; đột nhập vào địa điểm riêng tư; vừa sử dụng điện thoại vừa tham gia giao thông; mà gần nhất, một số game thủ còn góp phần phá hoại bản đồ - thứ nhiều năm nay người Việt đang chung sức bảo vệ để khẳng định chủ quyền đất nước.
Nhóm Google Map Maker Việt Nam lên tiếng vì dữ liệu bản đồ tại Việt Nam bị người chơi Pokemon Go thay đổi. Ảnh: Google Map Maker Việt Nam. |
Thay đổi bản đồ chỉ vì một trò chơi
Mới đây, Google Map Maker Việt Nam gửi tâm thư đến người chơi Pokemon Go vì hành động gây ảnh hưởng dữ liệu bản đồ Việt Nam. Cụ thể, để việc bắt thú ảo dễ dàng hơn, nhiều "thợ săn" đã di chuyển các vị trí công cộng như trụ sở, trường học, chùa chiền, danh lam thắng cảnh về gần nơi mình ở.
Nghĩa là, có người “bê” công viên Nghĩa Đô ở Hà Nội về nhà mình, chuyển Đại học Hàng Hải từ Hải Phòng đến TP HCM, hay "bắt" Đại học Nông Lâm TP HCM sang Bình Dương... Không những thế, người chơi còn tạo vị trí spam hàng loạt, cố tình bổ sung trùng lặp các chỗ đã có, thêm bớt vị trí giả mạo nhằm tạo Pokestop.
"Chúng tôi cảm thấy nhói đau vì hành động spam ồ ạt của các bạn. Xin hãy dừng ngay hành động phá hoại bản đồ vì Pokemon", trang này cho hay.
Người viết nhấn mạnh, nguồn dữ liệu của Google Maps đang được sử dụng hàng ngày để định vị vị trí, điều hướng khi sử dụng phương tiện giao thông, cũng như tìm các địa điểm hữu ích như cơ sở y tế, trường học, địa danh..., là công sức của hàng trăm nghìn người.
"Chúng tôi đã phải đổ bằng máu của mình, nhiều người đã ra đi khi tới đảo xa, hay các vùng biên. Các anh đã yên giấc cho nguồn dữ liệu bản đồ hôm nay. Xin hãy dừng lại, hãy trân trọng công sức của những người đã ngày đêm xây dựng nguồn dữ liệu này!", Google Map Maker Việt Nam chia sẻ.
Một trò chơi tưởng chừng vô hại với mục đích chính là giải trí, qua tay của những người trẻ Việt, lại gây ảnh hưởng xấu đến bản quyền quốc gia, tác động trực tiếp công việc của hàng trăm người và việc sử dụng bản đồ hàng ngày của hàng triệu người Việt Nam.
Đáng buồn hơn cả, thủ phạm lại là thanh niên am hiểu máy tính, kỹ thuật và điện tử - những người mà chúng ta thường coi là "có học".
Liên tục những sự việc thiếu ý thức
Trong sự việc gây tranh cãi gần đây của Sơn Tùng M-TP, bên cạnh nghi vấn đạo nhạc, điều khiến những người dùng mạng Việt Nam xấu hổ hơn cả là giới trẻ liên tục "bão điểm danh" vào trang cá nhân và kênh YouTube của Charlie Puth để tố ca sĩ Việt Nam ăn cắp nhạc.
Phần lớn trong số đó là lời chỉ trích, chế giễu, cợt nhả, cãi nhau qua lại bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Họ khiến cho blogger nổi tiếng Tal Fishman phải làm một vlog riêng để thắc mắc: Vì sao nhiều người Việt bình luận vào ca khúc We don't talk anymore đến thế?
Những tin nhắn bằng tiếng Việt bằng lời lẽ thiếu nghiêm túc dồn dập được gửi tới Facebook của Charlie Puth.
|
Trước đó, hàng loạt người nước ngoài, từ nổi tiếng đến vô danh, từ cầu thủ bóng đá David Beckham, tỷ phú Bill Gates, hot girl Lily Maymac cho đến sinh viên Hàn Quốc, chuyên viên Bộ Ngoại giao, thậm chí một phượt thủ nước ngoài vừa qua đời tại Việt Nam... đều trở thành nạn nhân của nạn "tấn công trên mạng" của người trẻ Việt.
Internet, mạng xã hội, ngoại ngữ..., những công cụ giúp thế hệ thanh niên tiếp nhận thông tin và giao tiếp với thế giới - nay lại trở thành kẻ tiếp tay cho "anh hùng bàn phím", "thánh sống ảo", gây ấn tượng xấu với bạn bè quốc tế.
Giám đốc phụ trách chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á - Thái Bình Dương từng nhận xét: "Tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam cao so với trung bình các quốc gia trong khu vực 60%". Nghĩa là người Việt có xu hướng dùng bản lậu từ các phần mềm trình duyệt, chương trình download, diệt virus, đến game online.
Thậm chí, trò chơi Pokemon Go, ngay khi vừa ra mắt tại Việt Nam đã bị an ninh mạng tại nhiều nước "tuýt còi" vì các game thủ liên tục tìm cách đưa vị trí mình đang ở sang nước ngoài bắt "thú ảo", đưa các PokeStop về gần chỗ mình để tiện chơi.
Cách chơi sai gây phản cảm
Chỉ cần hiểu một chút về máy tính, bất cứ ai cũng có thể hiểu lợi ích thiết thực của Google Maps.
Vậy mà hiện nay, công cụ định vị, chỉ đường đáng tin cậy này đang bị đảo lộn và làm sai lệch. Việc di chuyển hay tìm tới một địa điểm ở nơi xa lạ, thậm chí bản đồ Việt Nam trên thế giới cũng bị ảnh hưởng.
Nếu sự việc trên xảy ra ở nước ngoài, chắc chắn những người trẻ tuổi này không tránh khỏi bị xử lý bằng luật pháp. Nhưng ở Việt Nam, các bạn chưa phải chịu trách nhiệm gì, trừ lời trách móc từ những người trực tiếp tạo ra dữ liệu ở Google Maps.
Liệu có bạn trẻ nào từng đặt câu hỏi: Tại sao Pokemon Go ra mắt cùng lúc tại nhiều nước, mà chỉ duy nhất Việt Nam xuất hiện người lạm dụng tính năng cập nhật vị trí trên Google Maps để phục vụ việc “săn quái vật ảo”?
Đừng nghĩ đó là "đi đường tắt", biết sử dụng tài nguyên miễn phí, thông minh, hay như người Việt vẫn nói là "khôn".
Hành động này thể hiện rõ nhất ý thức kém, nhận thức nông cạn, suy nghĩ lười biếng, muốn ăn sẵn, ngại đánh đổi cả trong những việc nhỏ bé và đơn giản như chơi điện tử.
Công việc của nhiều người bị ảnh hưởng bởi trò Pokemon Go. |
Nguyễn Minh Trang - du học sinh ĐH Osaka, Nhật Bản - cho hay, ngay tại quê hương của Pokemon Go, trò chơi cũng rất bị hạn chế. Nhiều trường học cấm không cho sinh viên chơi trong sân trường.
Nữ sinh chia sẻ, trường cô có một bảng thông báo sẽ đuổi học những người săn thú ảo tại khuôn viên. Lý do vì để bắt được những thú ảo, người ta phải vào các lớp học, leo trèo, dễ gây tai nạn khi di chuyển, không chuyên tâm học tập và làm việc.
"Nhưng quan trọng hơn tất cả, người Nhật được giáo dục rằng, mỗi hành động, lời nói, cử chỉ của mình đều tác động đến xã hội và những người xung quanh, mà trò chơi này lại quá dễ ảnh hưởng đến người khác", cô kể.
Ngô Di Lân - sinh năm 1992, học bổng tiến sĩ toàn phần tại Mỹ - chia sẻ quan điểm, trò chơi tiêu cực hay tích cực phụ thuộc người sử dụng.
“Bản thân là người thế nào thể hiện rõ khi mình tương tác qua mạng. Chỉ cần một người chỉnh sửa Google Maps sẽ dẫn đến những người khác làm sai theo. Từng người phải nhận thức được đâu là hành động nên làm, cách nên dùng, chơi trò chơi sao cho đúng mực", Di Lân nói.
Nguyễn Thị My - thạc sĩ cộng đồng tại ĐH la Trobe, Australia - đánh giá, Pokemon Go không xấu, chỉ cách chơi sai mới gây phản cảm.
"Có đáng không khi làm ảnh hưởng bản đồ của quốc gia chỉ vì một trò chơi? Nhiều bạn trẻ đã nghĩ ngắn, vì những lợi ích nhỏ trước mắt mà không nghĩ đến tác động tiêu cực của hành động trước khi làm", nữ thạc sĩ cho hay.
Hôm nay, những người trẻ có thể vì những con thú ảo thay đổi tấm bản đồ. Ngày mai, cũng chính thế hệ thanh niên đó sẵn sàng đổi trắng thay đen vì một lợi ích nhỏ trước mắt.
Ý thức cộng đồng phải bắt đầu từ sự tôn trọng những quy tắc văn minh trong việc nhỏ nhất, xung quanh nơi ta sinh sống, học tập, làm việc, ngay tại đất nước của chúng ta, mới mong vươn được ra biển lớn, tới những cộng đồng rộng lớn hơn.