Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Straits Times về nỗi lo của những người lao động nghèo ở Malaysia khi phải thực hiện cách ly xã hội trong điều kiện sống chật chội.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, chính phủ Malaysia đã kêu gọi người dân thực hiện cách ly xã hội trong 28 ngày tới nhằm hạn chế tương tác ở cự ly gần trong cộng đồng. Tuy nhiên với những người lao động nghèo tại đây, việc ở nhà phần lớn thời gian lại khiến khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình bị “thu hẹp” một cách đáng quan ngại.
Hiện nay, khoảng hàng trăm nghìn người có thu nhập thấp và hàng triệu lao động nước ngoài ở Malaysia đang chịu cảnh chen chúc trong những khu dân sinh chật chội. Để tiết kiệm chi phí, những căn nhà lụp xụp, rộng vỏn vẹn 60 mét vuông tại đây thường là không gian sống chung của hơn 10 người.
Shohel Mollah (29 tuổi) là một thợ điện người Bangladesh, sống tại một thành phố vệ tinh cạnh thủ đô Kuala Lumpur. Anh chia sẻ: “Tôi cùng hai người bạn đã thuê một phòng trọ nhỏ nằm trên một cửa hàng ở Petaling Jaya, rộng 10 mét vuông với giá 500RM (khoảng 2 triệu 800 nghìn VND). Hai phòng bên cạnh cũng được thuê bởi sáu người khác”.
Cách ly xã hội là một thách thức với những công nhân người Bangladesh này khi họ phải chen chúc trong một căn phòng chật chội. Ảnh: The Straits Times. |
Dù đã nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị của chính phủ như hạn chế ra ngoài trừ trường hợp thực sự cần thiết, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên…, họ vẫn sợ hãi trước nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19 vì điều kiện sống của mình.
“Chúng tôi luôn tự hỏi, nếu một trong số chúng tôi bị nhiễm virus mà không hay biết thì sao?”, Mollah bày tỏ sự lo lắng.
Shohel Mollah và những người bạn sống tại Petaling Jaya không phải những người duy nhất phải chen chúc trong những căn hộ giá rẻ.
Trên thực tế, việc nhiều thế hệ trong một gia đình cùng sống trong một không gian chật chội xảy ra khá phổ biến tại nước này.
Giám đốc truyền thông của đảng Công lý Nhân dân (PKR) Fahmi Fadzil cho biết, các căn hộ giá rẻ do chính phủ quản lý luôn trong tình trạng “quá tải”. Mỗi chung cư như vậy thường có 18 tầng, mỗi tầng gồm 20 căn và mỗi căn có khoảng từ 2 đến 12 cư dân.
Những tòa nhà giá rẻ tại Malaysia luôn trong tình trạng "kín chỗ". Ảnh: Kyoto Review. |
Ngay cả những gia đình chỉ bao gồm vợ chồng và con cái như ông Norden Sohed, nhân viên Tòa thị chính Kuala Lumpur, cũng cảm thấy quan ngại trước điều kiện sống tại những khu nhà giá rẻ này: “Mật độ dân số ở đây quá đông, tôi không dám tưởng tượng đến cảnh nếu một trong số họ bị nhiễm virus”.
Chia sẻ không gian sống không chỉ là nỗi lo của riêng những người lao động nghèo trong mùa dịch này. Do sự phổ biến của xu hướng sống hiện đại, các căn hộ dưới dạng co-living (không gian sống chung) ngày càng trở nên thu hút với những người có điều kiện và khách du lịch. Theo đó, một căn chung cư cao cấp sẽ được chia thành nhiều phòng nhỏ, khách thuê sẽ sử dụng chung các tiện ích như phòng khách, phòng bếp hay phòng gym.
Sau khi chính phủ Malaysia ban hành lệnh cách ly xã hội, nhiều căn hộ co-living đã tạm dừng hoạt động các không gian sinh hoạt chung để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Ảnh: Ascott Ltd. |
Ngay sau khi lệnh cách ly xã hội được chính phủ ban hành, nhiều căn hộ theo mô hình co-living đã tạm đóng cửa các không gian sinh hoạt chung. Quản lý của Co-Coon, một căn hộ tại Kuala Lumpur nói:
“Chúng tôi đã vệ sinh tất cả các phòng và đặt nước rửa tay sát khuẩn ở nhiều nơi trong khu nhà để cư dân có thể sử dụng”.
Những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh của ban quản lý Co-Coon đã phần nào trấn an các cư dân sống tại đây. Adam, một cư dân chia sẻ: “Ban quản lý tòa nhà đã rất nghiêm túc và cẩn trọng trong việc phòng chống Covid-19. Những người ra vào tòa nhà đều sẽ được đo thân nhiệt và liên hệ trợ giúp y tế nếu nhiệt độ cơ thể từ 37 độ trở lên”.
Theo yêu cầu mới đây của chính phủ Malaysia, người dân không được ra khỏi nhà cho đến ngày 13/4 để hạn chế sự lây lan của virus. Đây là lần thứ hai chính phủ nước này kéo dài lệnh cách ly sau khi số ca dương tính với Covid-19 gia tăng nhanh chóng tại nhiều tỉnh thành.