Không ít nhân sự chấp nhận "đóng phạt" để tránh phải đi team building cùng tập thể. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Đầu tháng 5, công ty Kim Phụng (27 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) thông báo cho nhân viên đi nghỉ dưỡng tại Thái Lan. Đây là lần đầu tiên công ty cô cho nhân viên đi du lịch nước ngoài, thay vì đi team building ở những địa điểm quen thuộc như Nha Trang, Đà Nẵng.
Nhưng Bangkok vẫn không phải là điểm đến hấp dẫn với Kim Phụng. Cô đã đi Bangkok 2 lần chỉ trong 6 tháng gần nhất. Một lần là cuối năm 2023, khi cô muốn đón Giáng sinh ở nước ngoài, và lần mới đây là concert của Bruno Mars vào cuối tháng 3.
"Ngoài việc đã đến Bangkok quá nhiều lần, tôi còn không quá thân thiết với đồng nghiệp, đi nước ngoài chung vừa không vui, vừa bất tiện. Thời tiết Thái Lan mùa này cũng không thích hợp để đi du lịch, nắng nóng chỉ có thể ở trong khách sạn mà thôi", nhân viên văn phòng nói.
Phụng cho biết lịch trình các điểm tham quan như Siam Paragon, chùa Wat Arun, sông Chao Phraya… đều là những nơi cô "đã đi đến mòn dép".
Vì để khích lệ nhân viên tham gia, tạo phong trào trong công ty, bộ phận HR thông báo ai không tham gia sẽ bị đóng phạt 2 triệu đồng. Phụng chấp nhận đóng phí phạt, chọn làm việc ở nhà 5 ngày trong phòng máy lạnh.
“Nhân viên tham gia cần đóng hỗ trợ công ty 2 triệu đồng cho chuyến du lịch 6 ngày. Nhân viên không đi thì bị phạt 2 triệu đồng, bổ sung vào công quỹ. Đằng nào cũng phải đóng, nhưng tôi quyết định ở nhà, dành thời gian cho gia đình", Phụng nói.
Địa điểm từng đi nhiều lần, hoặc không thân quen với đồng nghiệp nằm trong số những lý do khiến nhân sự ngại đi du lịch cùng công ty. Ảnh minh họa: FransA/Pexels. |
Team building là hoạt động được các doanh nghiệp tổ chức mỗi năm một lần, nhằm giúp nhân viên gắn kết, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Song, nhiều năm qua, team building vẫn là một nỗi ám ảnh với không ít dân văn phòng. Nhiều người từ chối đi nghỉ dưỡng với công ty vì lý do cá nhân, chấp nhận phải đóng phạt, bị cấp trên khiển trách.
Đóng tiền để ở nhà
2 triệu đồng cũng là số tiền mà nhân viên kế toán Hà My (25 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đóng cho công ty để “được ở nhà” trong dịp team building sắp tới.
Cụ thể, doanh nghiệp của My tài trợ 50% chi phí, yêu cầu nhân sự tự đóng nốt phần còn lại để thực hiện chuyến du lịch nghỉ dưỡng ở đảo Cát Bà (Hải Phòng) trong mùa hè năm nay. Những nhân viên không tham dự team building sẽ không được hoàn số tiền đã đóng.
Dù biết mất một khoản, Hà My nhất quyết từ chối tham dự hoạt động tập thể này vì chuyến du lịch công ty trùng với lịch đi chơi của cô và một số người bạn thân.
Hà My đóng 2 triệu đồng để khỏi phải đi chuyến du lịch đến Cát Bà cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC. |
Sau khi cân nhắc, nhân viên kế toán chọn dành thời gian với bạn bè vì không thân thiết với đồng nghiệp. Nhân sự ở công ty Hà My chơi theo từng nhóm nhỏ khoảng 5-7 người.
Vì mới làm việc tại môi trường này, cô không thuộc về hội nào, lo sợ lạc lõng trong những chuyến đi chơi xa.
“Đi làm thì không sao. Nhưng khi tham gia chuyến du lịch, tôi phải ăn uống, vui chơi, nghỉ ngơi cùng đồng nghiệp, buộc phải gia nhập một nhóm nào đó. Điều này làm tôi thấy ái ngại”, Hà My giãi bày.
Tương tự, Thế Hùng (27 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nhất quyết nói không với hoạt động team building của công ty bất động sản mà anh đang công tác. Nguyên nhân cho lời từ chối của Hùng là không thu xếp được công việc.
Dự án mà Hùng đảm nhận bước vào giai đoạn nước rút đúng thời điểm chuyến team building diễn ra. Là quản lý dự án, anh phải liên tục đốc thúc nhà thầu phụ, chủ đầu tư, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công việc để đảm bảo kịp deadline.
“Dù đi chơi, tôi vẫn phải mang theo laptop, trực điện thoại 24/7. Hơn nữa, tinh thần của tôi cũng không thoải mái khi chưa hoàn thành xong công việc”, Hùng chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Theo quy định của doanh nghiệp, nhân sự không tham gia team building sẽ bị tính ngày nghỉ phép. Thế Hùng chấp nhận điều kiện này để không phải ôm laptop ra bãi biển, vừa nghe điện thoại vừa nhìn đồng nghiệp vui chơi.
Mong muốn team building ý nghĩa
Kim Phụng cho biết mình là một trong số ít nhân sự chọn ở nhà. Dẫu không tham gia, nhân viên văn phòng này vẫn đánh giá công ty đã có một bước tiến lớn khi quyết định cho nhân sự được đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài.
Kim Phụng đánh giá cao việc công ty tổ chức team building ở nước ngoài cho nhân viên. Ảnh: NVCC. |
“Tôi không đi Bangkok vì đã đến quá nhiều lần, còn nếu là một điểm đến khác phù hợp, chắc chắn tôi sẽ cân nhắc nhiều hơn", cô nói.
Theo chia sẻ của Phụng, hầu hết nhân sự tham gia đều cảm thấy mức đóng 2 triệu đồng là hợp lý cho một chuyến đi chơi nước ngoài. Các chi phí di chuyển, khách sạn, ăn uống đẩy đủ 3 bữa/ngày đều đã được công ty chuẩn bị chu đáo.
“Team building không phải chạy dưới nắng nóng trên biển, xô nhau té ngã trên cát là đã rất ý nghĩa rồi. Tôi hy vọng năm sau công ty sẽ cho nhân viên đi du lịch nước ngoài tiếp. Một điểm đến mà tôi đang rất muốn đi là Trung Quốc", Phụng nói.
Còn theo Thế Hùng, công ty anh chưa đảm bảo được quyền lợi cho người lao động khi tham gia các hoạt động tập thể. Lãnh đạo của anh không chấp nhận chuyện nhân sự tham gia team building gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
“Sếp tôi khuyến khích nhân viên vui chơi. Song, nếu không thể đảm bảo hoàn thành công việc như ngồi tại văn phòng, tôi sẽ bị khiển trách", quản lý dự án 27 tuổi giãi bày.
Sau sự việc lần này, Thế Hùng dự định trò chuyện với lãnh đạo trực tiếp, đề xuất các chế độ nhằm đem đến chuyến du lịch ý nghĩa, trọn vẹn hơn cho người lao động.
Ví dụ, nhân sự có thể lựa chọn làm bù trước hoặc sau chuyến đi để hoàn thành công việc, nhận trợ cấp nếu phải tăng ca vào buổi tối hoặc cuối tuần.
Trong khi đó, Hà My lại mong muốn công ty cải thiện chương trình team building, đem đến những hoạt động thú vị, có tính chất gắn kết hơn. Thay vì tham quan những điểm đến quen thuộc, bộ phận nhân sự và công ty du lịch lữ hành có thể tổ chức gala dinner hoặc camping.
“Xu hướng du lịch chữa lành nở rộ. Thay vì ‘chạy KPI’ các điểm du lịch, tôi muốn nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng, dành thời gian để làm quen, phát triển mối quan hệ với đồng nghiệp”, Hà My nói.
Hà My dự định kiến nghị với phòng hành chính - nhân sự vào mùa team building sang năm. “Không chỉ tôi, nhiều nhân sự trẻ ở đây cũng muốn điều này nhưng không dám nói” là suy nghĩ của nữ nhân viên kế toán.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.