Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cho anh trai ‘sống lại’, khai tử cha mẹ để lừa hàng triệu USD bảo hiểm

Giả bệnh, cho người thân “sống lại” là những mánh khóe thường được sử dụng nhằm trục lợi tiền bảo hiểm. Các hành vi này đều bị phát giác và xử phạt nặng.

Tại Việt Nam, gần đây Hệ thống Thông tin Giám định Bảo hiểm Y tế (BHYT) phát hiện những trường hợp bệnh nhân có số lượt khám, chữa tăng đột biến. Qua kiểm tra, rà soát, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhận thấy những trường hợp này có dấu hiệu trục lợi quỹ BHYT. Trên thế giới, không ít lần các quốc gia ghi nhận lừa tiền bảo hiểm bằng mánh khóe tinh vi và xử phạt nặng những người vi phạm.

Lừa nhận 11,5 triệu USD của anh trai đã chết

Kellerman Jason Zheng, 33 tuổi, ở Boston, Mỹ, bị xét xử tội lừa đảo một số công ty bảo hiểm nhân thọ với tổng số tiền trục lợi lên tới 11,5 triệu USD. Theo AP, Zeng đã mua ít nhất 24 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ từ các hãng khác nhau, lợi dụng cái chết của anh để nhận đền bù từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2018. Cha mẹ và Zheng là người hưởng lợi từ vụ lừa đảo này.

Anh trai của Zheng, Ming Fei, đã qua đời ở Trung Quốc vào tháng 4/2015. Tuy nhiên, người đàn ông này được “sống lại” bất đắc dĩ trong kế hoạch trục lợi của người thân.

lua hang trieu USD bao hiem anh 1

Kellerman Jason Zheng cho anh trai "sống lại" rồi làm giấy chứng tử giả để trục lợi gần 11,5 triệu USD. Ảnh minh họa: Freepik.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, để phi vụ trót lọt, Zheng đã mất khá nhiều thời gian giả mạo danh tính người anh quá cố. Bị cáo mở nhiều tài khoản ngân hàng với người đứng tên là Ming Fei, thường xuyên sử dụng chúng nhằm tạo chứng cứ về việc nạn nhân còn sống. Năm 2017, thậm chí Zheng còn giả danh anh trai đi gia hạn bằng lái xe ở Massachusetts.

Sau loạt hành động này, đến tháng 8/2018, hơn 3 năm sau khi anh trai qua đời, Zheng mới báo cáo Ming Fei chết trong tai nạn đuối nước tại Mỹ. Nhờ thế, Zheng lấy được giấy chứng tử giả tại Trung Quốc và bỏ túi 5 triệu USD bảo hiểm nhân thọ đã mua trước đó.

Cuối tháng 9/2020, Thẩm phán quận Massachusetts (Mỹ) đã kết án 15 tháng tù giam và 3 năm quản chế cho Kellerman Jason Zheng với tội danh lừa đảo.

Cả gia đình giả bệnh

Sự việc xảy ra tại Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc, vào cuối năm 2018. 4 người trong gia đình Trương Ngọc Trân đã giả vờ mắc các chứng bệnh về thần kinh để nhận số tiền bảo hiểm lên tới gần 30 triệu Đài tệ (1 triệu USD).

Nợ số tiền lớn, Trương Ngọc Trân không có điều kiện chi trả nên đã quyết định lừa đảo. Bà mua các bảo hiểm nhân thọ, sau đó, giả vờ mắc chứng trầm cảm và đi khám tại các bệnh viện lớn của Đài Loan như Bệnh viện Liên Hợp Đài Bắc, Bệnh viện Từ Tế Hoa Liên, Bệnh viện Quân Đội.... để vượt qua các bài giám định.

Người phụ nữ này thực hiện cùng một thủ đoạn là giả vờ mệt mỏi, hỏi không nói và không hợp tác. Bà ta còn yêu cầu được nằm viện để điều trị. Nhờ các giấy giám định, giấy chẩn đoán bệnh, bị cáo xin cấp thẻ tàn tật để nhận trợ cấp hàng tháng và thu số tiền bảo hiểm lớn, trả được hết nợ, chia chác cho nhân viên bảo hiểm - chủ nợ, cũng là người bày cách cho Trương Ngọc Trân.

lua hang trieu USD bao hiem anh 2

Trương Ngọc Trân (phải) và con gái Dương Mẫn Đình trong vụ cả gia đình giả bệnh lừa tiền bảo hiểm. Ảnh: Taiwannews.

Qua nhiều lần lừa đảo trót lọt, Trương còn lôi kéo thêm con gái là Dương Mẫn Đình, chị gái sinh đôi là Trần Mỹ Ngọc, anh rể Ngô Thành Phát và em họ cùng tham gia. Từ năm 2008 đến thời điểm bị phát hiện, họ đã lừa tiền của 3 công ty bảo hiểm là Chinalife, Taiwanlife, Cathaylife, tổng số tiền lên tới 30 triệu Đài tệ (tương đương 973.000 USD). Riêng cô con gái Dương Mẫn Đình chiếm đoạt gần một phần ba số này.

Cuối năm 2018, 5 bị cáo bị bắt tạm giam để điều tra, các nhân viên bảo hiểm cũng được triệu tập. Cảnh sát cũng đặt nghi vấn có sự tiếp tay của bác sĩ và nhân viên y tế. Các bị cáo đối mặt án phạt 5-10 năm tù.

Tại Trung Quốc, theo tổ chức Pacific Prime, trong nhiều thế kỷ, lừa đảo tiền bảo hiểm sức khỏe đã gây ra thiệt hại hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Ngồi tù gần 4 năm vì khai tử cho mẹ để lừa nhận 3,7 triệu USD

Tờ Straits Times đưa tin bị cáo trong vụ việc này là Abraham Rock, 36 tuổi, ở Singapore. Tháng 9/2019, Abraham bị kết án 3 năm 10 tháng tù giam sau 3 tội danh lừa đảo.

Abraham Rock vốn là nhân viên tư vấn ô tô. Khi gặp vấn đề về tài chính, người đàn ông này nảy sinh lòng tham và nghĩ ra kế hoạch trục lợi tiền bảo hiểm bằng cách “khai tử” cho mẹ - bà Talat Farman, 54 tuổi, từ Quỹ bảo hiểm Quốc gia.

Để thực hiện hành vi này, Abraham mua các bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm du lịch cho mẹ từ tháng 7/2017 đến tháng 4/2018 của 3 công ty. Sau đó, họ đến Pakistan vào tháng 6/2018 và lấy giấy chứng tử giả cho bà Talat. Giấy chứng tử ghi nguyên nhân cái chết là tai nạn giao thông tại Pakistan.

Sau khi mẹ “qua đời”, Abraham yêu cầu bồi thường tổng số tiền này là 3,7 triệu USD. Theo thông tin từ hồ sơ vụ án, bị cáo đã lập bảng tính chi tiết từng số tiền có thể nhận được từ bảo hiểm khi mẹ qua đời, thậm chí, so sánh mức bồi thường giữa các công ty bảo hiểm để hưởng lợi cao nhất.

Talat Farman, đồng phạm của bị cáo, cũng bị kết án 13 tháng tù giam với 2 tội danh lừa đảo.

lua hang trieu USD bao hiem anh 3

Abraham Rock và mẹ đã cấu kết để chiếm đoạt 3,7 triệu USD tiền bảo hiểm. Ảnh: Straits Times.

Chạy trốn 20 năm vì giả chết hòng trục lợi bảo hiểm

Năm 2008, Gandaruban Subramaniam, 60 tuổi, người Singapore, thừa nhận tội danh lừa đảo sau 20 năm chạy trốn ở Sri Lanka, giả chết để gia đình nhận tiền bảo hiểm trị giá 246.000 USD. Theo bản điều tra, người thân khai man Subramaniam bị giết hại.

Theo Straits Times, bị cáo đã thực hiện âm mưu trên cùng em trai là S Moganaruban và vợ cũ Renuga Devi Sinnaduray, lừa hai công ty bảo hiểm từ năm 1989. Cả ba đều đã bị bắt và ngồi tù sau khi sự việc bị phát hiện.

Các quốc gia đều có khung xử phạt với người trục lợi liên quan bảo hiểm sức khỏe từ phạt tiền đến ngồi tù, quản chế trong thời gian dài. Cụ thể, tại Mỹ, nếu khai báo gian dối để nhận tiền bảo hiểm, bị cáo bị phạt từ 250.000 USD đến 5 năm tù giam cho từng tội danh. Ngoài tiền phạt, người vi phạm còn phải trả tiền bồi thường cho các công ty bảo hiểm, bên bị hại.

Chưa kể, tội phạm cũng phải đối mặt bản án quản chế kéo dài ít nhất 12 tháng, thậm chí 3 năm. Người bị kết án phạt tù có thời hạn phải cư trú, sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền, người dân địa phương sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù.

Tương tự, tại Singapore, bất kỳ ai phạm tội gian lận liên quan bảo hiểm đều phải chịu mức án phạt tới 25.000 USD, ngồi tù có thời hạn không quá 12 tháng.

Người tình nguyện ở cạnh bệnh nhân HIV trước khi chết

Sau khi phát hiện nhiễm HIV, Thembi Nkambule hoang mang, sợ hãi tột độ. Bà đã vượt qua điều đó và trở thành người được các bệnh nhân HIV tin tưởng trước khi họ qua đời.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm