Hà Trang (18 tuổi) đến giờ vẫn chưa quên được nỗi sợ sau 2 lần bị chó cắn.
"Một lần mình đến nhà bạn chơi vào buổi tối. Vừa bước vào cổng đã bị đàn chó 12 con cả lớn lẫn bé bao vây. Mình chỉ dám đứng bất động chờ người ra 'giải cứu'. Bỗng nhiên một con trong bầy lao tới nhanh như tên bắn và cắn mình một cái", Trang kể với Zing.vn.
Lặng người vì sợ, Trang không dám nhìn xuống vết cắn, và phải chờ đến khi được người trong nhà dẫn đi, rồi bôi thuốc lên vết thương.
Điều khiến cô bức xúc là dù biết trong đàn có tận 4 con chó mẹ vừa sinh - vốn được xem rất hung dữ - nhưng người bạn kia vẫn không chủ động ra dẫn cô vào.
Khi cô gọi, cậu bạn chỉ ngồi trong nhà bảo rằng: "Cứ đi vào đi, không sao đâu".
Nhận định "Chó nhà mình hiền", "Nó không cắn ai bao giờ" đôi khi chỉ là võ đoán. Rõ ràng một con chó đối với chủ của mình sẽ luôn nghe lời, ngoan ngoãn, hình thành tâm lý chủ quan của những người nuôi, nghĩ rằng với người khác nó cũng sẽ không đuổi cắn.
Mới đây, ngày 3/4, sự việc đau lòng khi bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó hàng xóm cắn tử vong một lần nữa khiến mọi người cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về trách nhiệm của người nuôi chó trong việc đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.
Chó của bạn có thể là "con cưng", được chủ nhân nâng niu. Nhưng với người khác, đó nhiều khi là mối hiểm họa không lường trước. Thậm chí, chú chó hôm nay bạn khen ngoan ngoãn, ngày nào đó có thể quay ra tấn công chính chủ của mình.
Đàn chó tấn công bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên sau đó vẫn được thả rông. Ảnh: Hoàng Lam. |
'Cú lừa' mang tên: Vào đi, nó hiền lắm, không cắn đâu
Có thể thấy, những vụ việc bị chó cắn xảy ra hầu hết đều có một phần nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, tắc trách của người nuôi.
Chủ nuôi luôn an tâm là "chó nhà mình hiền lắm", song thực tế không hẳn vậy. Ảnh: Hoàng Đông. |
Thực tế, nhiều người - cả nuôi chó hay không nuôi chó - đều đang xem nhẹ vấn đề ai đó bị loài vật này tấn tấn công. Không ít nhà có chó dữ vẫn thản nhiên thả vật nuôi của mình tự do. Họ hay nghĩ rằng "chó nhà mình hiền lắm".
Khi ở nhà, có sự kiểm soát của chủ có thể những con chó sẽ nghe lời, không cắn người. Nhưng lúc chúng chạy ra ngoài đường, nếu bị tác động bởi những yếu tố ngoại cảnh, bị giật mình sợ hãi, không thể chắc chúng sẽ không trở nên hung hãn.
Mới đây, ngày 21/3, một bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị chó Pitbull cắn phải vào viện cấp cứu vì con chó dữ của hàng xóm đứt xích tấn công. Sự việc xảy ra khi bé đang đạp xe gần cổng nhà.
Trước đó, vào tháng 12/2018, một người dân Hà Nội đang đi bộ tập thể dục cũng bị một con chó thuộc giống này lao ra cắn, kéo lê một đoạn. Con chó được chủ dắt đi dạo trong tình trạng không đeo rọ mõm.
Dù hiếm hơn, cũng có trường hợp chính những con chó nuôi trong nhà bỗng dưng "nổi điên" xông vào cắn chủ. Điều này khiến nhiều người kinh ngạc.
Ngày 19/8/2018, dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng trước cái chết của ông N.V.Th. (50 tuổi, sống ở ngõ 358 Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội) vì bị chó Becgie Bỉ nhà em gái cắn vào cổ.
Năm 2016, đoạn video một người đàn ông bị chính đàn chó dữ của mình lao vào cắn xé được lan truyền trên mạng đã khiến người xem sợ hãi. Vụ việc xảy ra tại ngõ số 2, phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Đàn chó 4 con ấy là thú cưng được nuôi trong nhà của nạn nhân.
Theo lời kể, trước khi cắn chủ, những con chó ấy đã tấn công một người phụ nữ vô tình gặp trên đường. May mắn, người phụ nữ được chủ đàn chó giải cứu kịp thời, chỉ bị chúng xô ngã và cắn nhẹ ở tay.
Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng từng ghi nhận nhiều vụ việc tương tự.
Theo thống kê, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 5 triệu trường hợp bị chó cắn, dẫn tới cái chết của khoảng 30-40 người, ước tính khoảng 100.000 người bị thương nặng đến mức phải phẫu thuật thẩm mỹ hoặc khâu vết thương rộng.
Năm 2017, Stephens (Virginia, Mỹ) bị chính những con chó mình nuôi dưỡng cắn chết. Cô được tìm thấy đã chết trong rừng, những vết cắn chi chít khiến cơ thể cô biến dạng.
Theo Nghị định của Chính phủ về phòng chống bệnh dại ở động vật quy định, chủ nuôi chó phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; phải xích, nhốt hoặc giữ chó. Ảnh: Hoàng Đông. |
Trách nhiệm của người nuôi
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ở Việt Nam mỗi năm có 400.000 - 500.000 người bị chó cắn, 80-100 người tử vong do lây bệnh dại từ chó mèo.
Việc bị chó cắn với nhiều người có lẽ chỉ là "chuyện bình thường ở huyện". Nhưng nhìn vào con số gần nửa triệu người bị chó cắn mỗi năm, đó chắc chắn là vấn đề không hề nhỏ, chưa kể đến nguy cơ lớn khi người bị cắn nhiễm bệnh dại.
Để góp phần giải quyết tình trạng này, từ năm 2008, TP.HCM đã tổ chức đội xuống đường bắt chó thả rông, không rọ mõm.
Tới đầu tháng 11/2018, 9 phường thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng lập tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông. Mỗi tổ gồm 5 người, đi xe máy đeo sọt sắt, thòng lọng tuần tra các tuyến đường.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, những hình ảnh các đội bắt chó đang làm nhiệm vụ được lan truyền trên mạng vấp phải nhiều lời chỉ trích, thậm chí họ bị dân mạng đe dọa. Đến nay, hoạt động này gần như không còn diễn ra.
Trước hàng loạt vụ việc nghiêm trọng gần đây, người ta càng thấy rõ rằng trách nhiệm lớn nhất thuộc về người chủ trong việc kiểm soát vật nuôi của mình. Đảm bảo chó không gây nguy hiểm cho người xung quanh là của người nuôi chứ không thể đổ lên một cơ quan, tổ chức nào khác.
Quỳnh Hoa (đang sống tại TP.HCM) cũng nuôi một chú chó cảnh khẳng định bản thân ủng hộ việc đeo dây, rọ mõm cho chó khi ra đường để đảm bảo an toàn cho người khác.
Theo cô, việc nuôi chó cũng cần trách nhiệm giống như nuôi dạy một đứa trẻ. Từ khi còn bé, phải tìm cách huấn luyện, dạy dỗ để thú cưng có ý thức, cư xử đúng khi gặp người lạ, đặc biệt không cắn càn.
Người nuôi chó cần có ý thức huấn luyện, dạy bảo để chó của mình không gây hại đến những người xung quanh. Ảnh: Hoàng Đông. |
Ở Việt Nam, người ta ngày càng chuộng những giống chó lớn, có tập tính săn mồi và sức chiến đấu cao như Pitbull, Becgie, chó Ngao Tây Tạng... Những giống chó này đặc biệt cần được để ý, huấn luyện, nuôi nhốt cẩn thận.
Thế nhưng, có nhiều lý do khiến người ta lơ là, bỏ qua nhiệm vụ rèn luyện chó của mình: Không có thời gian, không có tiền để đưa vào các trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp và phổ biến hơn - họ không coi việc huấn luyện chó là điều cần thiết.
Quay trở lại với vụ việc cậu bé bị chó cắn tử vong ở Hưng Yên, sự mất mát của gia đình nạn nhân không gì có thể bù đắp được.