Con chó có biểu hiện nôn ói và tiêu chảy liên tục trước khi cắn người. Ảnh: Shutterstock. |
Ngày 19/12, Trung tâm Y tế huyện Long Điền báo cáo nhanh về vụ chó cắn nhiều người tại ấp An Hòa, xã An Ngãi, huyện Long Điền. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp điều tra và xác minh thông tin.
Theo báo cáo, sáng 18/12, một con chó cái giống chó cỏ, lông vàng, khoảng 3-4 năm tuổi, không rõ chủ nuôi, chạy rông tại khu vực ấp An Hòa. Người dân ghi nhận con chó có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy liên tục, uống ít nước, không chảy nước dãi, không đỏ mắt và không sợ ánh sáng. Đến khoảng 9h, con chó trở nên hung dữ, cắn nhiều người và động vật xung quanh.
Trên đường chạy trốn, con vật này tiếp tục cắn một số chó, mèo của các hộ dân lân cận (đang xác minh số lượng cụ thể). Sau đó, người dân đã đuổi kịp và tiêu diệt con chó.
Qua giám sát và xác minh, bước đầu ghi nhận 5 người bị chó cắn và phơi nhiễm virus dại trong ngày 18/12. Các nạn nhân đã được tiêm huyết thanh kháng dại (SAR) và vaccine dại (Abhayrap) mũi đầu tiên trong cùng ngày. Hiện tình trạng sức khỏe của 5 người này ổn định.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm của con chó gửi xét nghiệm. Đến ngày 19/12, kết quả từ Chi cục Thú y vùng VI xác nhận mẫu bệnh phẩm dương tính với virus dại.
Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp, CDC Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo người dân:
Tiêm vaccine phòng dại cho tất cả chó, mèo; chủ nuôi cần tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Không đùa nghịch, chọc phá chó mèo; tránh tiếp xúc với chó, mèo có biểu hiện bất thường, đặc biệt là trẻ em.
- Hạn chế buôn bán, giết mổ chó, mèo nhằm giảm nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với virus dại.
- Khi có nguy cơ mắc bệnh dại, cần đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và xử lý kịp thời.
Khi bị chó, mèo cắn, cần xử lý vết thương theo các bước:
- Rửa vết thương ngay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, rửa bằng nước sạch.
- Sát trùng vết thương bằng cồn 70% hoặc dung dịch sát khuẩn. Không băng kín vết thương và tránh làm dập vết thương.
- Tiêm vaccine phòng dại hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn.
- Tiêm vaccine đầy đủ trong thời gian ủ bệnh để đảm bảo hiệu quả, tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Không tự điều trị hoặc tìm thầy lang chữa trị.