Chợ đêm Đà Lạt xuất hiện cách đây hơn nửa thế kỷ và dần trở thành nét văn hoá đặc trưng của thành phố nghìn hoa. Ban đầu, chợ là nơi bán đồ ăn khuya với những gánh hàng rong thắp sáng bằng đèn dầu. Những đốm lửa bập bùng trong làn sương mờ ảo khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh ở “cõi âm". Cái tên chợ âm phủ cũng bắt nguồn từ đấy.
Lên Đà Lạt phải đi chợ Âm Phủ
Ngày nay chợ đêm là điểm đến hấp dẫn bậc nhất Đà Lạt. Nhiều người đi chợ chẳng để mua sắm gì. Họ đi chợ đêm như một thói quen, để được len lỏi giữa dòng người tấp nập dưới tiết trời se lạnh, hít hà những hương vị quen thuộc từ gánh hàng rong ven đường. Tất cả những thứ ấy hoà quện tạo thành một bầu không khí rất đặc trưng, rất Đà Lạt.
Chợ Đà Lạt những năm 2010 từng là nơi rất "duyên" với nhịp sống yên ả, không mang vẻ xô bồ như ngày nay. Ảnh: Mễ Thuận. |
Chợ đêm trong ký ức của du khách khoảng mười năm về trước là một nơi yên bình với nhịp điệu rất riêng. Không ồn ào, vội vã như nhiều khu chợ khác. Nơi đây chủ yếu bày bán các sản vật địa phương. Du khách có thể ghé qua chợ mua ít hoa, trái cây hoặc đặc sản về làm quà. Nhiều người rảnh rỗi còn lân la, bắt chuyện với các tiểu thương.
"Chợ Đà Lạt trong quá khứ từng là một nơi rất "duyên" mà không đâu có được. Mọi thứ ngăn nắp, gọn gàng, thậm chí một số cầu thang lên chợ còn được trang trí bằng những chậu hoa nhỏ rất dễ thương", cô Hồng, một người bán hàng lâu năm ở chợ, nhắc về những ký ức đẹp đẽ của chợ Đà Lạt xưa.
Thời thế xoay vần, chợ đêm Đà Lạt cũng thay đổi nhiều. Người ta gần như không tìm được những nét "duyên thầm" vốn có của Đà Lạt xưa, thay vào đó là khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập như bao ngôi chợ bình thường khác.
"Đừng dại mà mua gì ở chợ đêm"
Vài năm trước, chợ đêm Đà Lạt được ví như thiên đường ăn uống, người ta cũng đổ về đây để mua sắm với giá rẻ. Nhưng bây giờ, chợ đêm thật sự là cơn ác mộng của nhiều du khách.
Nói với Zing.vn, chị Vũ Thị Hoa, một du khách từng đến Đà Lạt, bức xúc: “Mình chủ quan không hỏi giá trước vì nghĩ ở Đà Lạt không bị chặt chém. Ai dè vợ chồng gọi 2 tô cháo gà ăn xong tính tiền 100.000 đồng/tô”. Chị nói sau này mỗi lần đi đâu, mua gì trong chợ đêm chị đều phải hỏi giá trước.
“Mỗi lần lên Đà Lạt chơi người quen ở đây luôn nhắc đi nhắc lại tôi rằng không được mua bất cứ thứ gì ở chợ đêm. Ăn uống thì phải vào hàng quán đàng hoàng", Hoàng Oanh, một bạn trẻ thường xuyên lên Đà Lạt chia sẻ.
Nạn “chặt chém” du khách ở chợ đêm không phải chuyện gì mới mẻ. Trên một diễn đàn du lịch của Đà Lạt, không ít người kêu than vì phải ngậm ngùi trả giá trăm nghìn một tô cháo hay một ổ bánh mì trứng giá 40.000 đồng.
Đỉnh điểm là hồi đầu tháng 3, một quán ăn trong chợ đêm đã thẳng tay hành hung du khách khi quán bưng ra tô canh giá 100.000 đồng nhưng bị từ chối. Trước đó nhóm này gọi 4 đĩa cơm gà và 2 đĩa cơm sườn nhưng chê cơm nguội, gà còn sống và chụp hình lại thì bị chủ quán hô hoán, chặn đánh đến ngất xỉu.
Sự vụ nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng và khiến không ít người ngao ngán trước cảnh lộn xộn, nhếch nhác của chợ đêm Đà Lạt.
Không dừng lại ở việc nói thách, chặt chém, hành hung du khách, chợ đêm Đà Lạt còn xuất hiện những nhóm người ăn xin, vòi tiền du khách.
Trước cổng một cửa hàng lớn trong chợ đêm, một nhóm người hoá trang thành những con thú ngộ nghĩnh đang mời chào du khách vào chụp hình chung. Nhiều người cho rằng “nhóm thú" này là của nhà hàng nên vô tư vào tạo dáng chụp hình.
Sau khi chụp hình xong, một trong số đó mới ra đòi tiền du khách với giá 30.000 đồng/lượt. “Lúc đầu mình không trả vì cảm thấy mình bị lừa. Nếu có bảng thông báo hoặc có người nhắc trước thì chắc chắn bọn mình sẽ không chụp hình chung”, một nam du khách nói sau khi rút ví trả tiền chụp ảnh cho biết. “Việc các bạn phải núp trong lớp vải dày nóng nực không phải dễ dàng gì nhưng cách các bạn làm tiền khiến du khách rất ác cảm. Nếu mọi thứ rõ ràng thì sẽ dễ chịu hơn", người này nói thêm.
Lộn xộn quản lý
Trước tình trạng tiểu thương tùy tiện nâng giá, ép giá, tụ tập đánh nhau, cầu thang thương xá LatulipTP Đà Lạt từng có phương án giải toả chợ đêm vào năm 2005. Đến tháng 4/2008, chợ đêm được khôi phục và giao cho UBND phường 1 (TP Đà Lạt) quản lý.
Từ cuối năm 2011, UBND TP Đà Lạt giao Công ty Hiệp Thanh Bình quản lý. Họ lập dự án quản lý 120 gian hàng nhưng có 52 hộ không hợp tác với công ty và kiến nghị được sự quản lý của phường 1. Khu ẩm thực trước thương xá Latulip (sát cầu thang chợ) lại do Ban Quản lý chợ Đà Lạt thu lệ phí.
Như vậy chỉ một khu chợ trải dài khoảng 1 km nhưng có đến 3 đơn vị quản lý. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân biến chợ đêm trở nên lộn xộn.
Trả lời báo giới, ông Võ Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt cho biết chợ đêm Đà Lạt hiện chỉ có 149 hộ được sắp xếp bố trí gian hàng cố định, 79 hộ kinh doanh tự phát có địa điểm cố định.
Ngoài ra còn có khoảng 200-250 tiểu thương buôn bán hàng rong tự do quanh khu vực bùng binh tượng đài phụ nữ và ngay dưới lòng đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Một cán bộ quản lý chợ Đà Lạt cho biết việc “chặt chém” du khách dẫn đến cãi vã diễn ra thường xuyên tại cầu thang thương xá Latulip. Đại diện Công an phường 1, TP Đà Lạt cũng thừa nhận thỉnh thoảng có những du khách bị “chặt chém” đến trình báo. Đơn vị này đã nhiều lần lập biên bản về việc vi phạm trật tự công cộng, buộc phải cam kết bán đúng giá, không làm mất vệ sinh nhưng khó xử lý triệt để.
'Chợ đêm không còn của riêng Đà Lạt'
"Có lần tôi cũng công ty có cả sếp nước ngoài đi Đà Lạt. Đêm đó tôi dẫn sếp đi ra chợ thấy vỉa hè có người đổ đống bán áo khoác, tôi ghé vô lựa, sếp tôi cũng lựa nhưng không chọn được cái nào. Chúng tôi đứng lên chào rồi đi tiếp thế mà người bán rút tờ báo dí theo ông sếp tôi đốt. Sếp tôi hỏi người đó làm gì mà tôi không dám dịch." Độc giả tên Tùng với Zing.vn, "tôi thề không bao giờ đến Đà Lạt mà ghé khu chợ này".
Nhiều du khách tỏ ra ngao ngán trước cảnh bát nháo của chợ đêm Đà Lạt. Đồng ý rằng đã là chợ thì phải huyên náo, có cái này cái kia, nhưng chẳng đâu lại lộn xộn, mất quản lý như chọ đêm Đà Lat.
Anh Hoàng Văn Tuấn, sống tại Bảo Lộc nói: "Chợ đêm giờ khác xưa nhiều lắm. Trước ở đây chủ yếu bán đồ ăn đêm, cây trái rau củ của người dân đem ra trao đổi mua bán. Chợ xưa yên bình, lãng mạn lắm chứ không ồn ào, bát nháo như bây giờ". Anh Tuấn nói giờ 10 người buôn bán trong chợ đêm thì đếm 7 người là từ nơi khác đến. Chợ đêm không còn của riêng người Đà Lạt nữa.
"Muốn đi chợ đêm thì đi đầu tuần, đi cuối tuần toàn du khách, con buôn. Ngày nắng thì không sao, mưa xuống ở đây nhếch nhách, bốc mùi ghê lắm", chị Thảo, nhân viên quét dọn vệ sinh trong chợ đêm chia sẻ.
Hàng ngày, ban quản lý chợ vẫn chia 3 tốp công nhân đi quét dọn, thu gom rác thải nhưng vẫn không đảm bảo được vệ sinh. "Lúc cao điểm, du khách còn phải chen chân nhau mà đi chứ làm sao mình chen vào mà quét dọn ngay được".
Theo chị Thảo, một trong những nguyên nhân dẫn đến cảnh nhớp nháp, mất vệ sinh ở chợ đêm là chợ thiếu các thùng rác công cộng, các gánh hàng rong ngồi tràn xuống lề đường rồi tiện tay đổ cả nước bẩn lẫn rác thải ra bên cạnh. Nhiều khi du khách cũng quăng đại rác thải xuống chân vì có ai biết ai là ai. Ban quản lý chợ cũng không có quy chế nào buộc người ta phải giữ vệ sinh chung.
Mỗi ngày, nhóm chị Thảo đều phải ở lại quét dọn chợ đêm đến đầu giờ sáng hôm sau mới xong việc. "Vào mùa lễ hội hay cuối tuần, chúng tôi phải chia nhau ra làm việc liên tục cả ngày nhưng cũng không đảm bảo được". Chị Thảo phân trần, phải có chế tài rồi những phương án cụ thể chứ cứ thế này, chẳng mấy chốc chợ đêm lại trở thành điểm đen du lịch.