Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư cải tạo lại đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ - một hình thức phố du lịch mà nhiều nước đã có từ lâu. Du khách sẽ được dạo qua trung tâm thành phố, từ “tòa thị chính”, tượng Bác Hồ, qua các trung tâm thương mại và tới bờ sông Sài Gòn. Chỉ một đoạn phố ngắn mà người khắp 5 châu có thể cảm nhận được nhịp sống hiện đại của thành phố và cả những nét của một đô thị Sài Gòn từ 300 năm trước, trên bến dưới thuyền tấp nập. Vẫn đất trời phương Nam nhiều nắng gió, giao thương thủy bộ thuận lợi, nơi Bác Hồ đã tới đây để bắt đầu một hành trình “Tây du”, tìm đường cứu nước…
Mới được gần 2 tháng, nhiều du khách đã hài lòng về con phố nhàn du để cảm nhận một đô thị, một vùng trung tâm của một quốc gia phát triển - một sự phát triển khá nhanh, nhưng không xô bồ, có định hướng, ngăn nắp, hay nói cách khác, có văn hóa.
Du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hà Nội. |
Xin nói rõ, phố đi bộ Hà Nội bắt đầu bằng phố Chợ đêm, bán hàng giữa đường từ Đồng Xuân qua Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào tới Hồ Gươm. Chợ chỉ họp vào 2 đêm cuối tuần, khá đông vui, nhưng điều đáng nói là chợ này không có gì đặc biệt. Toàn bộ hàng tạp hóa bày bán khắp Hà Nội, hoặc trên xe đạp, mẹt hàng cắp nách ban ngày, tối đến “nhảy lên” quầy chợ đêm, vậy thôi. Người ngó thì nhiều, người mua chả có mấy. Du khách nước ngoài chỉ đi xem qua vì ban ngày họ cũng… xem rồi!
Một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố cổ Hà Nội. |
Điều đáng nói là có vài sân khấu ngoài trời, nhạc tây có, ta có, nhạc dân ca, cổ truyền có. Hát cho vui, xem cho vui. Người xem, người diễn đều “xả trét”. Cũng xin nói thêm các sản phẩm tạm gọi là mỹ nghệ, các văn hóa phẩm như tranh, tượng bán ở đây “giá trị nghệ thuật” hầu như chẳng có gì, hàng chợ. Người Hà Nội gọi nôm na là “dòng tranh Bờ Hồ”. Thế mới biết để tổ chức một phố đi bộ, một chợ đêm rất cần có sự đầu tư về văn hóa. Chợ văn hóa khác chợ dân sinh nhiều lắm, nhất là chợ du lịch thì phải là thứ văn hóa chọn lọc hơn, tiêu biểu hơn cho một đô thị, một quốc gia. Chúng tôi nghĩ con đường này còn xa lắm…