Zing trích dịch bài chia sẻ của Ivan Watson - phóng viên CNN tại Hong Kong - về hành trình về chung một nhà của anh và bạn gái Rana giữa thời điểm dịch bệnh phức tạp.
"Chúng tôi có thể tháo khẩu trang ra không?", tôi hỏi, khi cô dâu của tôi bước vào vị trí.
"Có", một quan chức Hong Kong đáp.
Một lát sau, tôi và Rana trao nhẫn, ký các giấy tờ và trao nhau một nụ hôn. Giữa đại dịch Covid-19, tôi và Rana vừa kết hôn.
Ở bên kia hành tinh, gia đình, bạn bè chúng tôi ở Mỹ, Lebanon và những nơi khác theo dõi lễ kết hôn của chúng tôi ở Hong Kong phát trực tiếp trên Instagram, liên tục "thả tim" và bình luận chúc phúc.
Trước khi rời khỏi nơi đăng ký kết hôn, chúng tôi đeo lại khẩu trang, được trang trí với chữ "Ms" và Mr" ở góc.
Đám cưới này không như những gì tôi tưởng tượng khi ngỏ lời cầu hôn cô ấy vào một đêm đông lạnh giá ở New York (Mỹ) tháng 12 năm ngoái. Lúc đó, chúng tôi đều mệt mỏi sau chuyến bay dài từ Hong Kong - nơi chúng tôi sinh sống và làm việc - nhưng vẫn đủ sức tươi cười, tạo dáng trong bức ảnh kỷ niệm.
Khi đó, một chủng virus mới gây viêm phổi chết người vừa được phát hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc). 4 tháng rưỡi sau, cuộc sống của chúng tôi nhanh chóng bị xáo trộn.
Đám cưới của Ivan và Rana tổ chức đầu tháng 5 tại Hong Kong. |
Cả hai chúng tôi đều chẳng còn xa lạ với khủng hoảng.
Rana lớn lên ở Beirut (Li Băng) trong một cuộc nội chiến. Khi còn nhỏ, cô ấy đã phải chịu nỗi đau mất cha - một trong những nạn nhân của cuộc xung đột.
Tuổi thơ của tôi thì dễ chịu hơn nhiều. 20 năm công tác ở nước ngoài đã cho tôi thấy thực tế nghiệt ngã của chiến tranh, thảm họa tự nhiên và bất ổn chính trị.
Tuy nhiên, chúng tôi đều chưa từng đối mặt với một đại dịch lây lan trên toàn cầu.
Cuối tháng 1, chính quyền Hong Kong đóng cửa trường học, các trung tâm giải trí và ra lệnh công chức làm việc tại nhà. Sự bùng phát của Covid-19 đã lan khắp Trung Quốc, nhiều ca mắc đầu tiên cũng được ghi nhận ở Hong Kong, Macao.
Người dân ở Hong Kong không gây rối, mọi người nhanh chóng tự giác đeo khẩu trang. Chúng tôi cũng vậy, khi đến văn phòng đăng ký kết hôn vào đầu tháng 2.
Đám cưới hai người được phát trực tiếp trên mạng xã hội. |
Rana ngày một lo lắng hơn, còn tôi vẫn lạc quan một cách ngây thơ cho đến khi dịch bùng phát ở Hàn Quốc, nơi tôi đang công tác. Khi đó, xứ kim chi là quốc gia ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Ngày 10/3, cách duy nhất trở về Hong Kong là phải bay vòng qua London (Anh). Trên chuyến bay từ Hàn Quốc, quay phim đài CNN Tom Booth và tôi đã sốc khi thấy phi hành đoàn của British Airways phục vụ hành khách mà không có bất kỳ đồ bảo hộ nào, không ai kiểm tra thân nhiệt chúng tôi ở sân bay.
Khi đến Hong Kong, chúng tôi được cách ly trong 2 tuần, kiểm tra thân nhiệt 2 lần mỗi ngày và báo cáo ngay nếu có triệu chứng bệnh. May mắn thay, chúng tôi đều khỏe mạnh.
Sau đó, trong suốt tháng 3, Covid-19 lan rộng như ngọn lửa trên khắp Trung Đông, Châu Âu và Bắc Mỹ. Chúng tôi bắt đầu lo lắng cho gia đình ở Mỹ và Lebanon hơn là chính mình.
Ivan và Rana đăng ký kết hôn từ đầu tháng 2. |
Tuy nhiên, giữa sự lo lắng và sợ hãi, chúng tôi có nhau. Trong nhiều tuần, chúng tôi làm việc tại nhà trong bộ đồ ngủ, ăn bữa tối ấm cúng tự nấu. Dịch bệnh đã dạy cho cả thế giới một bài học về sự khiêm tốn, rằng có rất nhiều thứ chúng ta không thể kiểm soát.
Một tuần trước đám cưới, thảm họa lại xảy ra. Bà ngoại của Rana, 84 tuổi, bị đột quỵ và nhanh chóng được phẫu thuật não. Chúng tôi bất lực khi không thể bay về Lebanon. Rất may, tình hình của bà dần ổn định sau ca phẫu thuật.
Trong một ngày đầu tháng 5, đám cưới của chúng tôi diễn ra trong 15 phút với chiếc khẩu trang trên mặt. Chính quyền địa phương cho phép có tối đa 20 khách trong đám cưới, chúng tôi chỉ mời 8 người.
Làm đám cưới trong mùa Covid-19, chúng tôi biết cả hai sẽ luôn có nhau dù tương lai có xảy đến điều gì, bởi tình yêu mà chúng tôi có đã phần nào được chứng minh và thêm khăng khít thời gian vừa qua.