Việc cho mượn đồ nhưng lúc nhận lại không còn nguyên vẹn, mất bạn sau những lần nhờ vả... chắc hẳn không còn hiếm gặp. Tuy nhiên, câu chuyện nam sinh "dùng tạm" áo đẹp của "chiến hữu" đi tán gái mới đây được chia sẻ trên diễn đàn vẫn thu hút nhiều sự quan tâm.
Theo đó, chủ nhân bài viết cho hay anh vấp phải tình huống "cười ra nước mắt" sau khi cho bạn mượn áo vest mới, đẹp nhất của mình để sang chảnh gặp cô gái quen trên mạng trong buổi hẹn hò đầu tiên.
Cho bạn mượn đồ và cái kết 'đắng lòng'
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như người bạn kia trả lại chiếc áo lành lặn, sạch sẽ. Song thực tế thì ngược lại, vest về với chủ cũ trong tình trạng "như chiếc giẻ lau": Cúc áo thì đứt, vải bẩn đến bạc màu, thậm chí có cả mùi tương ớt, mù tạt nồng nặc.
Đặc biệt, khi nhắc nhở, người bạn còn tỏ ra bình thản, bảo chủ áo tự khâu nếu thấy rách, bẩn thì tự giặt.
Chiếc áo ban đầu và sau khi trả lại bị mất cúc, bạc màu. Ảnh: NVCC. |
Bài viết trên nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý. Phần lớn dân mạng đều bức xúc, lên án người bạn mượn áo quá thiếu ý thức, vô trách nhiệm với món đồ không phải của mình.
Minh Hương (24 tuổi, Hà Nội) cho hay: "Mình không hiểu người mượn áo là bạn hay bè mà không giữ gìn, phá hỏng đồ của người khác như vậy. Đáng ra khi trả áo phải giặt sạch sẽ, thậm chí giữ cẩn thận. Làm vậy khác gì là phá đồ của người khác".
Minh Tú (26 tuổi, nhân viên kinh doanh) nhận định người được đề cập trong câu chuyện không đáng tin, đừng bao giờ cho người này mượn nữa.
T.D. - chủ nhân bài đăng - cho biết anh rất giận trước thái độ, cách hành xử của bạn mình. Vì không thể khắc phục, D. đã vứt áo đi. Chàng trai cho rằng chiếc áo không quá giá trị, song thái độ của bạn khiến anh không thể chấp nhận.
Anh chàng cho mượn áo tuyên bố dỗi, không không chơi với nhau từ đây. |
Muôn thuở câu chuyện 'mượn tạm'
Câu chuyện "mượn tạm" đồ của bạn rồi vô tư dùng như đồ của mình luôn khiến không ít người bất bình. Con trai phần lớn khá dễ tính và cũng ít đồ hơn nên chuyện này thường xuyên xảy ra.
Nguyễn Hùng - sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đang sống cùng hai cậu bạn trong nhà trọ - cho hay: "Việc chúng mình mượn quần áo của nhau là bình thường, mặc được thì cứ lấy mà mặc. Nhưng trong một số trường hợp vẫn cần có giới hạn".
Đồng cảm với T.D., Ngọc (25 tuổi, quê Hà Tĩnh, sinh viên Đại học Hà Nội) cũng từng gặp tình huống "dở khóc dở cười" không kém.
Ngọc ở trọ với một cô gái cùng quê, cũng rất gần nhà. Chơi với nhau lâu song 9X không nghĩ bạn mình lại "tự nhiên" đến thế.
Cô bạn kia có lần tuyên bố xanh rờn: "Tớ rất thích những ai dùng khăn mùi xoa", nhưng thực tế nàng không hề mua cho mình cái nào. Cứ vài ngày, khăn Ngọc mới giặt để trong tủ lại biến mất, sau vài hôm lại trở về.
"Có hôm bị mất khăn, thấy rõ nó nằm trong túi quần bạn mà hỏi vẫn trả lời tỉnh bơ: Thời gian ở nhà của tớ quá ít nên không thể biết được đồ đạc của cậu", màn đối đáp khiến Ngọc điếng người, không biết nói thêm gì.
Có thể nói, mượn đồ không hỏi đang là thói quen của nhiều bạn trẻ. Một số sinh viên nể nang nên không nói và sự việc cứ thế tiếp diễn trong âm thầm bực tức.
Như trường hợp của Lan Anh (quê Hà Nam, sinh viên năm 3, ĐH Sư phạm Hà Nội, trọ cùng một bạn gái tại Xuân Thủy, Cầu Giấy) là ví dụ điển hình.
Thường ngày, bạn cùng phòng vẫn mượn Lan Anh thỏi son. Nhưng lâu lâu không dùng, Lan Anh kiểm lại thì không thấy đâu nữa. Một hôm cô tình cờ nhìn thấy trong túi của bạn, hỏi thì được trả lời: "Lâu rồi tôi không thấy, chắc nó rơi đâu đấy".
"Đôi khi mình nằm ngủ, bạn ấy không dám tô son trong phòng mà giấu trong lòng bàn tay đi vào nhà tắm, lát sau lại đi ra với tâm thế vẹn nguyên, bỏ thỏi son vào túi", nữ sinh kể.
Trước tình trạng trên, chuyên gia tư vấn tâm lý Đỗ Lan Hương cho hay hiện tượng mượn, sử dụng đồ bừa bãi của bạn không hiếm gặp, đặc biệt là với tính cách của người Việt vốn tò mò.
Nữ chuyên gia cho rằng khi gặp xích mích hay không thoải mái vì bạn bè mượn đồ, cách tốt nhất là nên nói thẳng, đồng thời giữ bí mật chuyện đó.
Nếu không thay đổi thì bắt buộc bạn nên chuyển đi để có tâm lý vui vẻ hoặc công khai mọi chuyện cho mọi người đề phòng. Bạn bè nên sòng phẳng, không nên cả nể để rồi mình cảm thấy khó chịu.