Ngày 16/4, T.P.T - thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội - bị phát hiện được nâng 14,85 điểm, đã xin thôi học.
Ngày 17/4, các trường thuộc Bộ Công an thông báo đã đuổi học 53 sinh viên được nâng điểm. Trong đó, 25 sinh viên đến từ Sơn La, 28 sinh viên đến từ Hòa Bình.
Cùng thời điểm, V.H.L. - người đỗ ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội với điểm cao chót vót, đứng thứ 3 toàn trường, bị phát hiện đã được nâng 15,3 điểm. Sau khi gian lận được phanh phui, sinh viên này cũng phải rời trường.
Danh tính, phát ngôn tự tin trong quá khứ của những sinh viên này liên tục bị "đào mộ", nhận sự mỉa mai, "ném đá". Ảnh chế về họ chia sẻ khắp các diễn đàn. Thông tin gia thế, chức vụ cha mẹ các bạn được tìm ra, đăng công khai.
Nhiều bậc cha mẹ đặt tình thương yêu không đúng chỗ, sẵn sàng vi phạm pháp luật, nâng đỡ bước đi trên con đường đầy "hoa hồng", đưa con em vào học những trường danh giá. Minh họa: Phượng Nguyễn. |
Nhận định về việc này, thạc sĩ quản lý giáo dục Trương Thị Hoa Bích Dung, cựu chuyên viên Văn phòng Bộ GD&ĐT khẳng định việc nâng điểm thi, gian lận thi cử là sai trái.
Nhưng ở một góc nhìn khác, những sinh viên ấy có "8 phần giận, 2 phần thương".
"Rời khỏi trường đại học vì liên quan gian lận thi cử, tên tuổi bị chia sẻ đầy trên mạng, gương mặt từng xuất hiện trên bảng vàng vinh danh giờ gắn với 2 chữ 'chạy điểm', 'gian dối', đó là hình phạt khủng khiếp đối với những đứa trẻ mới bước vào đời", cô nói.
Lỗi đầu tiên của họ là để cha mẹ đặt tình thương yêu không đúng chỗ, sẵn sàng vi phạm pháp luật, nâng đỡ bước đi trên con đường đầy "hoa hồng", đưa con em vào học những trường danh giá.
Lỗi thứ hai là họ đã coi việc chạy điểm ấy là bình thường, sẵn sàng tự tin lên tiếng nhận về mình công lao, an nhiên theo học, ngồi vào vị trí của những sinh viên khác xứng đáng hơn.
"Sự việc lần này khiến chúng ta phải suy ngẫm đến một vấn đề khác. Rằng lâu nay, gia đình, nhà trường và cả xã hội vẫn có tư tưởng những đứa trẻ học giỏi, điểm cao, đỗ đạt, học trường nổi tiếng mới được coi là thành công. Trong khi thực tế, người trẻ không nhất thiết phải là con ngoan trò giỏi để có sự nghiệp phát triển và có cuộc sống hạnh phúc. Bởi thất bại cũng là một trải nghiệm cuộc sống cần phải luyện tập", cô phân tích.
Gánh nặng mang tên 'kỳ vọng'
Hoàng T., sinh viên trường Học viện Quân y (Hà Nội) là niềm tự hào của gia đình. Cô là học sinh giỏi suốt 12 năm. Từ tiểu học đến phổ thông, nhiều năm T. đảm nhiệm vị trí lớp trưởng, lớp phó học tập của lớp. Trong xóm, T. là hình tượng "con nhà người ta" điển hình.
Nhiều người trẻ lớn lên trong sự kỳ vọng của những bậc cha mẹ luôn muốn con mình đứng nhất. Minh họa: Kathleen Perry |
Họ đo đếm năng lực của con mình bằng điểm số, tìm mọi cách để giúp con có "công danh" trong tương lai.
Từng có không ít những trường hợp áp lực quá lớn từ gia đình, thầy cô, bè bạn vô tình đẩy những đứa trẻ tới bước đường cùng quẫn.
Tháng 1/2018, nữ sinh lớp 7A, trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tử tự trong lớp học.
Tháng 9/2017, vì bị 3 điểm môn tiếng Anh kỳ thi đầu vào, một học sinh lớp 9 ở TP. HCM bị trầm cảm kéo dài và nhảy từ lầu 7 chung cư xuống đất tử vong.
Kỳ thị việc dốt, quan trọng bảng điểm
Thật khó để phán xét đúng sai trong việc gia đình muốn con học cao để mở mày mở mặt, trường muốn nhiều học sinh xuất sắc để có danh tiếng, thầy cô muốn học trò chăm ngoan để có thành tích tốt.
Bất cứ ai từng ngồi trên ghế nhà trường đều thấu hiểu cảm giác bị kỳ thị vì điểm kém. Minh họa: magzter.com |
Người từng có nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục cho rằng về phần mình, người lớn đã vì chạy theo ảo vọng, thương con mà hành động mù quáng, bất chấp pháp luật. Việc chạy điểm chính là khoác lên con chiếc áo quá khổ, đặt con vào vị trí con không thể học theo được, đưa con vào môi trường con không thuộc về.
Từ đó tạo ra một thế hệ ỷ lại, thiếu nỗ lực và ý chí, không có khả năng tự quyết, thụ động, và sống hoàn toàn dựa vào cái bóng của gia đình.
"Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp cha mẹ sẵn sàng bỏ một khoản chi phí lớn để đưa con vào trường chuyên, lớp chọn khi đứa trẻ không đủ sức để ngồi ở vị trí đó. Số tiền 'chạy chỗ' không cố định, không hề nhỏ, là giao ước ngầm giữa hai bên bán - mua", thầy Dũng nói.
"Còn các bạn trẻ, họ coi việc được sửa điểm là hiển nhiên, sống bằng ảo tưởng được bố mẹ tạo ra, chấp nhận 'học giả' nhưng 'bằng thật', không dám chủ động lựa chọn hướng đi cho mình, hay lên tiếng đòi bình đẳng cho bản thân. Từ đó, tạo ra những người trẻ học, sống, suy nghĩ theo mong muốn, định hướng, ước mơ của cha mẹ", ông nói thêm.
Không phải cứ học giỏi, điểm cao mới hạnh phúc
Giống như việc không thể đánh giá một con cá có giỏi hay không bằng việc bắt nó trèo cây, mỗi người cũng có những năng lực khác biệt. Việc áp đặt người này cũng phải có thành tích giống người kia là không phù hợp.
Nhiều người nổi tiếng thế giới không đến lớp hoặc có kết quả học tập rất kém vẫn rất thành công trong cuộc sống.
Thay vì áp đặt vào một khung tiêu chuẩn hạn hẹp về sự thành công, hãy để người trẻ được trải nghiệm, có quyền học kém, thi trượt, và thất bại. |
Phóng viên truyền hình hàng đầu nước Anh - Jon Snow - thừa nhận mình học hành rất tệ.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông lấy chính thất bại thuở đến trường để động viên sinh viên, nhấn mạnh "cuộc sống vẫn tiếp diễn sau A-level".
Alan Sugar sở hữu khối tài sản 1,4 tỷ bảng Anh, nhưng thành công này không liên quan đến việc ông học hành ra sao.
Ông bắt đầu kiếm tiền từ năm 12 tuổi và bỏ học sau khi nhận kết quả thấp trong kỳ thi tốt nghiệp THCS - một chứng chỉ GCSE. Ít ai có thể ngờ chàng trai "thất học" ấy lại có thể lập nên công ty Amstrad khi mới 21 tuổi.
Nhà báo Ngô Bá Lục từng chia sẻ với Zing.vn về những điều người trẻ cần làm: "Bên cạnh học lý thuyết, bạn hãy lao vào đời sống tìm hiểu và trải nghiệm".
Từ nhỏ, người trẻ đã được cha mẹ, thầy cô dạy rằng "thất bại là mẹ thành công". Nhưng không mấy ai nhận được sự ủng hộ khi làm sai, hay được đồng hành để đối mặt với những thiếu sót của mình.
Thay vì áp đặt vào một khung tiêu chuẩn hạn hẹp về sự thành công, hãy để người trẻ được trải nghiệm, có quyền học kém, thi trượt, và thất bại.
"Hãy thoải mái với trẻ, đừng làm con bạn căng thẳng, để chúng theo đuổi ước mơ, đam mê thực sự. Đó mới là ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa của sự hạnh phúc mà bạn vẫn hay dạy con mình", tiến sĩ, cố vấn giáo dục Mark Ashwill kết luận khi viết cho Zing.vn nhân vụ việc đường dây chạy vào trường đại học hàng đầu nước Mỹ trị giá hàng triệu USD mới bị phanh phui hồi đầu tháng 4/2019.