Tại cuộc họp giữa UBND TP.HCM và các quận, huyện ngày 19/10, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị thời gian tới cần xem xét mở thêm một số dịch vụ như quán ăn phục vụ tại chỗ, hoặc các hoạt động sinh kế khác để tạo ra thu nhập cho người dân.
Trao đổi với Zing, các chuyên gia dịch tễ và kiểm soát nhiễm khuẩn ủng hộ thành phố mạnh dạn mở cửa hoạt động này.
"Số ca F0 sẽ tăng nhưng vẫn trong mức kiểm soát"
Đó là đánh giá của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, khi TP.HCM cho phép các cửa hàng kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ.
Theo PGS Dũng, hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình của Sở Y tế và UBND TP.HCM là mở cửa từng bước, nhưng phải chuẩn bị một số việc. Thứ nhất là thành phố đủ năng lực quản lý khi số ca F0 tăng hay không?
Lý giải vấn đề này, ông cho rằng tình hình dịch ở thành phố đang suy giảm đáng kể, số ca mắc mới và tử vong giảm dần, số giường điều trị ICU chuẩn bị trong khả năng khống chế của thành phố.
Cửa hàng bán mang về trên đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Việc thứ 2 là khi mở cửa phục vụ ăn uống tại chỗ, việc giãn cách và nguy cơ lây lan có đảm bảo được hay không?
Theo PGS Dũng, dịch ở TP.HCM đang ở cấp độ 2. Ở cấp độ này, các hoạt động ăn uống phục vụ tại chỗ ngoài không gian thoáng được phép mở cửa trở lại là phù hợp. Còn các không gian ăn uống kín, phòng điều hòa cần được cân nhắc.
Chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM đề xuất thành phố bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch và chấp nhận nguyên lý rằng số ca mắc có thể tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, năng lực y tế có thể đáp ứng để làm giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong. Lúc này, việc cho phép quán ăn phục vụ tại chỗ là cần thiết.
Còn tại các không gian kín, phòng điều hòa khi phục vụ tại chỗ, cần được kiểm soát chặt về tỷ lệ nhiễm và giám sát dịch tễ đối với một số khách hàng tham gia ăn uống.
"Xem xét trên nhiều yếu tố phù hợp với tình hình dịch tễ ở TP.HCM, thành phố có thể an tâm khi mở các dịch vụ phục vụ tại chỗ. Quan trọng hơn hết là hoạt động này mang lại sinh khí cho thành phố, giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
PGS Dũng cho biết tại Hội thảo về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025, diễn ra sáng 16/10, ông cũng đã nêu quan điểm rằng TP.HCM có thể chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng, miễn là tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát.
Nhiều xe hàng rong tập trung về các địa điểm quanh trung tâm thành phố. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chia sẻ với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng ủng hộ TP.HCM mở lại các hoạt động phục vụ ăn uống tại chỗ và mạnh dạn thực hiện các kế hoạch khôi phục kinh tế.
Theo ông, TP.HCM có tỷ lệ tiêm vaccine rất cao. Những trường hợp nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong đã được tiêm vaccine.
"Dĩ nhiên mở cửa thì F0 sẽ tăng, quan trọng là tỷ lệ bệnh nặng thấp, không làm quá tải hệ thống điều trị thì nguy cơ tử vong sẽ giảm. Như vậy là an toàn rồi. An toàn hiện nay không phải là nhiễm SARS-CoV-2 mà là nhiễm nhưng không mắc bệnh nặng", PGS Hùng nói thêm.
Giãn cách và thoáng khí là quan trọng nhất
Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng lưu ý rằng để đạt mục tiêu an toàn khi ăn uống tại chỗ thì quan trọng nhất là 5K, trong đó việc đảm bảo khoảng cách và môi trường thoáng khí là quan trọng nhất.
Do đó, khi cho phép các hoạt động phục vụ, ăn uống tại chỗ, ngành y tế, chính quyền địa phương nên lưu ý và tuyên truyền các điều kiện này.
"Thực ra hàng quán nếu đảm bảo giãn cách và thông khí còn an toàn hơn so với siêu thị. Ngành y tế cũng cần khuyến cáo rõ ràng, mạnh mẽ về việc người cao tuổi, người có bệnh lý nền dù đã tiêm đủ liều vaccine thì vẫn không nên ra ngoài, nhất là tới nơi đông người", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng khuyến cáo.
Nhiều chủ cửa hàng ăn uống ở TP.HCM mong muốn mở cửa phục vụ tại chỗ. Ảnh: Phương Lâm. |
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, người phục vụ là nhóm nguy cơ cao nhất bởi họ thường xuyên tiếp xúc nhiều nhóm người khác nhau. Do đó, người này phải luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên và tiêm đủ liều vaccine.
Bác sĩ Khanh cũng đề xuất sau khi hoạt động phục vụ ăn uống tại chỗ được khôi phục, để đảm bảo an toàn dịch, chính quyền địa phương có thể đề nghị các hộ kinh doanh ký cam kết hoặc lập các đoàn hậu kiểm thường xuyên để rà soát việc tuân thủ quy định đảm bảo phòng dịch.
Phân tích với giai đoạn hồi tháng 5, khi TP.HCM phát hiện ca F0 trong cộng đồng liên quan chuỗi lây nhiễm quán bánh canh O Thanh (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), thành phố buộc phải quyết định tạm dừng toàn bộ hoạt động ăn uống tại chỗ sau đó.
"Còn hiện tại, tình hình thành phố đã không như trước. Chúng ta đang thấy giá trị to lớn mà vaccine mang lại", bác sĩ Khanh nói.
Ông phân tích giai đoạn trước đó, ở TP.HCM, ai mắc Covid-19 cũng có thể trở nặng do vaccine chưa phủ rộng rãi. Còn hiện nay, dịch chắc chắn đã lây chậm hơn, ngành y tế cũng có thể kiểm soát được tình hình, tỷ lệ tiêm vaccine đã rất cao.
Còn với dịch vụ karaoke, bar, các chuyên gia bày tỏ sự thông cảm với hộ kinh doanh này, tuy nhiên, không gian này chưa đảm bảo thông khí trong điều kiện dịch cấp độ 2 trở lên. Do đó, TP.HCM vẫn nên mở cửa dần dần, trước mắt là hàng quán phục vụ tại chỗ, cái thiết yếu mở trước, sau đó mới nới dần dần.