TikTok trở thành nơi ai cũng có thể đăng video tư vấn chọn ngành, chọn nghề. Ảnh: Dreamstime. |
Những ngày này, FYP (trang Dành cho bạn) trên TikTok của Hà My (học sinh lớp 11) tràn ngập những video có nội dung tư vấn chọn ngành, hướng nghiệp dành cho học sinh.
“Có nên học đại học ngành Ngôn ngữ? Câu trả lời là không, siêu phí. Trừ những công việc đặc biệt đòi hỏi phải có bằng ngôn ngữ, nhưng những công việc đó rất hiếm. Mình dám cá 80% những người học ngành ngôn ngữ ra làm những công việc chung chung, không đúng ngành”, đây là nội dung video của TikToker @huydao - một trong số những video Hà My xem được khi lướt TikTok.
Sắp sửa lên lớp 12 và chuẩn bị phải đưa ra những quyết định chọn ngành, chọn nghề, Hà My khá quan tâm đến các video có nội dung tư vấn hướng nghiệp. Tuy nhiên, Hà My đánh giá các nội dung tư vấn hiện trên FYP rất “loạn” vì chín người mười ý.
Nữ sinh lấy ví dụ trong một video, một người nói học Ngôn ngữ Anh có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực và kiếm được nhiều tiền. Nhưng ở video khác, một TikToker khác lại nói rằng học Ngôn ngữ Anh dễ thất nghiệp vì thời này ai cũng biết tiếng Anh.
“Em đang tham khảo để nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành ngôn ngữ, nhưng nội dung tư vấn trên TikTok khiến em hoang mang vì không biết phải nghe theo ai”, Hà My nói.
Video "chê" các ngành học của TikToker thu về hàng triệu lượt xem. |
Chín người mười ý
Truy cập TikTok, với từ khóa “tư vấn chọn ngành học” hoặc “tư vấn hướng nghiệp”, người dùng không khó để nhận về hàng trăm video bàn luận vấn đề này. Người làm video thường là các bạn trẻ sở hữu kênh TikTok có lượng lớn người theo dõi. Vì vậy, lượt xem cũng có thể lên đến con số hàng triệu.
Lấy ví dụ như tài khoản TikTok @huydao, video nói về việc học ngành ngôn ngữ của TikToker này thu về hơn 760.000 lượt xem và hơn 2.000 bình luận. Trong phần bình luận, nhiều người dùng phản biện quan điểm của chủ video, cho rằng việc học ngôn ngữ ở đại học không hề phí.
“Học ngôn ngữ không phí, bỏ thời gian nghe anh nói mới phí”, “Mình học Ngôn ngữ Nhật và mình thấy bằng đại học khác hẳn chứng chỉ học tại trung tâm nên mình không thấy phí chỗ nào cả”, người xem bình luận.
Không chỉ bàn luận về ngành ngôn ngữ, trong một video khác thu về 1,2 triệu lượt xem và 55.500 lượt yêu thích, TikToker này còn cho rằng Quản trị kinh doanh, Kinh tế học là những ngành vô dụng trong lĩnh vực kinh tế.
Trong khi đó, một tài khoản có tên @tungbtkhoinghiep đăng tải video với nội dung “Top 3 ngành học nhiều người giỏi theo học nhưng đồng thời cũng là ngành của những người vô định nhất”, bao gồm ngành Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh và tất cả ngành của Đại học Ngoại thương. Video này thu về 698.700 lượt xem và nhiều sự ủng hộ trong phần bình luận.
Tài khoản @Spiderumcareerguide có một loạt 6 video với tựa đề “Dân khối A/D/A1/B/C/V học ngành gì để không thất nghiệp". Các video này có số lượt xem dao động từ 24.700 đến 1,2 triệu lượt.
Tương tự, video “Top 6 ngành kiếm bộn tiền khối C" của tài khoản @hocdinhingii cũng thu về 1,4 triệu lượt xem. Chủ tài khoản này kể ra 6 ngành gồm: Báo chí - Truyền thông, Luật, Sư phạm, Quan hệ công chúng, Tâm lý học, Du lịch.
Tuy nhiên, trong một video khác có nội dung “Khối C nên và không nên chọn ngành nào", chủ tài khoản @chonnghe.thpt lại cho rằng học sinh khối C không nên chọn ngành Tâm lý học. Video này hiện có gần 500.000 lượt xem.
Tài khoản TikTok @top723071999 đăng video về 7 ngành dễ thất nghiệp nhất năm 2022 và 7 nghề lương cao nhất Việt Nam. Video về nội dung thất nghiệp lại có nhiều lượt xem hơn video lương cao. |
Tâm lý học, Quản trị kinh doanh tiếp tục là cái tên bị “réo” trong một video khác có 2,5 triệu lượt xem. Tài khoản TikTok này nêu rằng 7 ngành dễ thất nghiệp nhất năm 2022 bao gồm: Tâm lý học, Lịch sử, Quản trị kinh doanh, Tiếp thị qua điện thoại, Tài chính ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán, Sư phạm. Video này không dẫn nguồn, người xem không biết số liệu có từ đâu, những ngành dễ thất nghiệp này chỉ nói riêng Việt Nam hay trên toàn thế giới.
Không chỉ tư vấn chọn ngành, hướng nghiệp, một số tài khoản khác xây kênh tư vấn chọn nghề để bán khóa học, sách và thuê quảng cáo để phổ biến nội dung của mình.
Điểm chung của các kênh TikTok này là đều đăng những nội dung tư vấn ngành nghề, hướng nghiệp, cách chọn ngành phù hợp, những ngành nên hoặc không nên học, người hướng nội, hướng ngoại nên học gì, học ngành gì để không thất nghiệp… và gắn hashtag #huongnghiep #tiktokhuongnghiep.
Để tăng độ uy tín và thu hút lượt xem, chủ tài khoản thường nói bản thân đã từng học hoặc làm ngành, thậm chí tự nhận là chuyên gia trong ngành mà không lo ngại về hậu quả. Trong khi đó, nhiều học sinh lại không phân biệt được sự khác biệt giữa lời tư vấn từ chuyên gia và các nội dung được chia sẻ tràn lan trên các mạng xã hội.
Học sinh bối rối
Thời điểm này, Hồng Huệ (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) đang đứng trước nỗi đắn đo lựa chọn hướng đi cho tương lai. Hàng ngày, có thời gian rảnh, Huệ lại tìm kiếm các thông tin như ngành nghề nào phù hợp với năng lực bản thân, có đáp ứng được nhu cầu xã hội, cơ hội việc làm sau khi ra trường, chất lượng đào tạo của các trường…
Hồng Huệ bối rối vì không biết nên nghe tư vấn của TikToker nào. |
Với Huệ, ngoài các website tư vấn tuyển sinh của các trường đại học hoặc nhờ tư vấn từ người đi trước, thỉnh thoảng, em cũng lướt trúng các video tư vấn ngành nghề trên Tiktok.
Tuy nhiên, Huệ nhận xét thời lượng các video TikTok ngắn nên không thể đánh giá hết các mặt của một ngành học. Ngoài ra, số lượng video quá nhiều với nhiều nội dung khác nhau, thậm chí trái ngược khiến nữ sinh bối rối không biết nên tin bên nào.
“Mới đây, em tìm hiểu và dự tính theo học ngành Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, khi xem TikTok, em lại thấy nhiều video cho rằng ngành này không nên học, không đáng để học. Người đó lại tự xưng từng học ngành đó, điều này khiến em hơi phân vân, e ngại”, Huệ chia sẻ.
Tương tự, Hà My cũng băn khoăn về nguồn thông tin và độ xác thực của những TikToker đưa ra.
Ví dụ, video của TikToker @huydao nêu 80% những người học ngành ngôn ngữ khi ra trường làm những công việc không đúng ngành. Nữ sinh đặt câu hỏi con số 80% người này đưa ra lấy từ nguồn nào, đã được xác thực hay chưa. Nếu không có nguồn xác tín, số liệu TikToker đưa ra đều là vô nghĩa.
Là một học sinh đang ở giai đoạn quan trọng trong việc chọn ngành, chọn trường, Hà My lo ngại những video có nội dung sai lệch, thiếu chuyên môn, thiếu thông tin xác thực như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và quyết định chọn ngành của học sinh.
"Không riêng học sinh, em nghĩ rằng các sinh viên năm nhất - những người mới vào ngành học chưa lâu - cũng có thể hoang mang và nghĩ rằng bản thân chọn sai ngành", Hà My nói với Zing.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.