FE Credit thời gian qua vướng phải những lùm xùm, bị khách hàng tố quấy rối, thu phí thẻ tín dụng không kích hoạt...
Trả lời Zing.vn, bà Hồ Thị Như Hà, Giám đốc Khối vận hành FE Credit thừa nhận do nhân viên rất đông nên khó tránh khỏi sai sót. Nữ đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng nên bình tĩnh xử lý và ôn hòa với tất cả khách hàng.
Liên quan vấn đề này, Zing.vn có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Tiến Vinh (Giám đốc Công ty luật Bảo An, Đoàn Luật sư Hà Nội).
Doanh nghiệp xử lý thiếu chuyên nghiệp
- Liên quan những tố cáo về FE Credit, quan điểm của doanh nghiệp là nên bình tĩnh xử lý và ôn hòa với tất cả khách hàng, dù có gặp phản ứng thế nào. Song không ít nhân viên thu hồi nợ bị áp lực và dễ phản ứng khiến khách hàng khó chịu. Góc nhìn của luật sư thế nào về vấn đề trên?
- Theo tôi, sự việc đó chưa xét trong từng trường hợp cụ thể để xác định đúng, sai thuộc về bên nào. Tuy nhiên, với những phản ánh, tố cáo như vậy rõ ràng gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp. Điều đó thể hiện doanh nghiệp thiếu tính chuyên nghiệp.
"Chúng tôi không ép khách hàng vay mà chính khách hàng có nhu cầu tìm đến chúng tôi".
Bà Hồ Thị Như Hà - Giám đốc Khối vận hành FE Credit.
Nếu một, hai trường hợp tố cáo có thể coi là cá biệt; nhưng nhiều người cùng phản ánh, tố doanh nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cho vay tài chính. Thậm chí, các khiếu nại đó còn tác động đến nhiều đơn vị khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh như FE Credit.
Ngoài ra, tôi còn cho rằng những lùm xùm liên quan đến cho vay và đòi nợ hiện nay, một phần là do hệ thống pháp luật chưa rõ ràng. Hình thức cho vay như FE Credit mới phát triển trong vài năm trở lại đây. Hệ thống luật quy định chưa rõ ràng đã tạo ra những xung đột pháp lý. Do đó, trong quá trình giải quyết mâu thuẫn rất khó để xác định xem ai đúng, ai sai.
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng vụ việc liên quan FE Credit khó xác định ai đúng, ai sai do luật chưa rõ ràng. Ảnh: Quang Huy. |
- Thực tế hiện nay, lãi suất ở các công ty tài chính tài chính tiêu dùng đang ở mức được xem là cao (30-40%). Trong khi quan hệ cho vay dân sự với lãi suất 20% đã được xem là vay nặng lãi và bị xử lý. Tại sao các công ty tài chính lại có thể cho vay với mức lãi suất cao như vậy? Họ có vi phạm luật?
- Theo Luật Tổ chức tín dụng, bên cho vay và bên vay có thể được tự thỏa thuận mức lãi suất. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự (có hiệu lực từ 1/1/2017) lại quy định mức trần lãi suất trong các quan hệ cho vay không được vượt quá 20%/ năm.
Do đó, nếu áp dụng Luật Tổ chức tín dụng thì mức 30-40% không vi phạm. Ngược lại, chiếu theo Bộ luật Dân sự thì mức lãi suất cao như vậy lại vi phạm. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, chúng ta cần dẫn chứng văn bản nào để giải quyết.
Có thể nói đến nay, luật chưa quy định đầy đủ và rõ ràng về điều này. Theo tôi được biết, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp là 2 cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Các đơn vị này cũng chưa có văn bản nào xác định đúng sai thuộc bên nào.
Thậm chí, tòa án cũng chưa có vụ xét xử nào để nâng thành án lệ về những vụ tranh chấp cho vay liên quan đến mức lãi suất cao hay thấp. Nghĩa là, trong trường hợp này, luật chưa quy định nội dung này nên áp dụng theo Luật Tổ chức tín dụng hay Bộ luật Dân sự. Đó chính là sự xung đột pháp lý.
- Nhiều người tố cáo các công ty tài chính quấy rối họ bằng cách gọi điện thoại (ngày lẫn đêm), gửi tin nhắn liên tục để nhắc việc nợ tiền. Thậm chí, người tham chiếu cũng bị đòi. Hành vi này có được pháp luật Việt Nam cho phép không chưa ông? Nếu không thì phải xử lý thế nào?
- Theo tôi, khi khoản nợ đến hạn phải trả lãi suất mà bên vay không thực hiện theo cam kết thì bên cho vay có quyền thi hành các quy định trong hợp đồng cho vay bao gồm đòi nợ và các hình thức khác.
Tuy nhiên, nếu đơn vị cho vay cố tình thực hiện các điều khoản nằm ngoài hợp đồng, ví dụ như quy định sau bao nhiêu ngày mới được gọi điện hay nhắn tin mà lại gọi điện/ nhắn tin trước đó thì rõ ràng, bên cho vay đã vi phạm hợp đồng và phải chịu trách nhiệm đối với các vi phạm của mình.
Với các vi phạm như vậy, người vay tiền có quyền yêu cầu bên cho vay chấm dứt các hành vi quấy rối đó. Thậm chí, người vi phạm phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại nếu gây ra hậu quả.
Tôi nghĩ việc quấy rối như vậy chỉ là những vi phạm hành chính, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhiều người tố bỗng nhiên bị ôm nợ từ "trên trời rơi xuống" khi bản thân không hề vay. |
- Không ít độc giả Zing.vn phản ánh, dù không vay tiền nhưng nhân viên của các tổ chức tín dụng vẫn đòi nợ “nhầm” bằng cách gọi điện, nhắn tin dùng lời lẽ đe dọa, chửi bới, xúc phạm. Nếu khách hàng cung cấp bằng chứng ghi âm, tin nhắn thì hành vi của nhân viên đòi nợ bị xử lý ra sao?
- Tôi nghĩ việc đòi nợ đến mức xúc phạm, đe dọa mà gây tổn hại cho người bị đòi nợ là đã vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, để xem xét trách nhiệm hình sự hoặc dẫn đến tội danh gì thì chưa đến mức cấu thành tội phạm.
Trong trường hợp người bị gọi điện, nhắn tin mà bị xâm hại thì họ có quyền yêu cầu bên vi phạm phải chấm dứt hành vi đó. Sau đó, người đe dọa phải xin lỗi công khai để bảo vệ uy tín, danh dự của người bị xúc phạm.
Nếu cần thiết, bị hại có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu được bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất. Trường hợp bị hại cung cấp bằng chứng ghi âm, tin nhắn thì đó được coi là nguồn chứng cứ. Khi cơ quan tố tụng công nhận bằng văn bản thì mới được coi là chứng cứ.
Theo tôi đánh giá, việc đòi nợ “nhầm” thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của doanh nghiệp. Đáng lẽ ra, họ phải thẩm tra tính chính xác của thông tin hoặc xem thông tin có thay đổi hay không, trước khi gọi điện, nhắn tin nhắc đòi nợ.
Khó xử lý hành vi đòi nợ kiểu truy nã, quấy rối
- Một số đơn vị cho vay tiêu dùng như FE Credit cho biết họ còn thuê các nhóm bên ngoài để đòi nợ, và việc này không tránh khỏi đòi nợ kiểu quấy rối. Các công ty như vậy có phải chịu trách nhiệm pháp lý gì không, khi đối tác của họ có hành động quấy rối khách hàng?
- Tôi đánh giá các vụ việc như báo chí phản ánh hiện nay chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự vì các vụ này vẫn ở mức độ vừa phải, nằm trong giới hạn vi phạm hành chính.
"Người bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ có thể khởi kiện ra tòa nếu bị đe dọa".
Luật sư Vũ Tiến Vinh.
Việc người vay tiền không trả nợ thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và với bên cho vay. Còn việc đòi nợ theo kiểu truy nã, "xã hội đen" mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì rõ ràng là đã vi phạm pháp luật.
Về khía cạnh pháp luật, công ty cho vay phải có văn bản ủy quyền cho bên được thuê đi đòi nợ. Đơn vị được thuê này chỉ được phép thực hiện trong khuôn khổ ủy quyền. Nếu bên được thuê thực hiện các biện pháp vượt ủy quyền thì họ phải chịu trách nhiệm.
Nếu trong khuôn khổ ủy quyền, đơn vị được thuê đi đòi nợ gây thiệt hại cho người đi vay thì công ty tài chính phải chịu trách nhiệm liên đới.
Những hành xử đòi nợ kiểu "xã hội đen" đã vi phạm pháp luật. Do đó, các công ty tài chính cần chấm dứt tình trạng đó. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng nên có biện pháp xử lý các nhóm đòi theo kiểu "xã hội đen".
Theo luật sư, người dân có thể khởi kiện ra tòa nếu bị quấy rối, đe dọa đòi nợ. Ảnh: Quang Huy. |
- Trường hợp người vay tiền không có khả năng trả nợ, đến hạn không trả nợ hoặc cố tình chây ì thì tổ chức tín dụng nên làm gì để thu hồi được nợ mà không vướng phải những lời tố như FE Credit thời gian qua?
- Tôi cho rằng trước hết 2 bên cần tuân thủ hợp đồng cho vay vì đây là căn cứ pháp lý. Những điều khoản trong hợp đồng căn cứ ràng buộc trách nhiệm 2 bên và họ nên thực hiện theo các điều khoản này.
Ngoài việc tuân thủ cam kết, bên cho vay và người đi vay cũng cần chấp hành các quy định khác của pháp luật.
Trường hợp công ty tài chính đã thực hiện đầy đủ như hợp đồng mà vẫn không thu hồi được nợ, lúc đó họ có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tòa xem xét xử lý trách nhiệm đối với người không chịu trả nợ.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, giá trị của các hợp đồng cho vay tiêu dùng không lớn, chủ yếu dao động ở mức dưới 100 triệu đồng. Do đó, việc khởi kiện ra tòa không khả thi cao. Bởi vì, một quy trình tố tụng thường kéo dài trong khi số tiền nhỏ.
Tôi nghĩ đây là thực trạng dẫn đến việc các công ty tài chính ngại đưa tranh chấp ra tòa án do tính chất nhỏ nhưng chi phí phải bỏ ra lớn, không tương xứng với số nợ cần thu hồi. Cũng có thể đó là nguyên nhân công ty tài chính chọn các hình thức đòi nợ khác nhau, không khởi kiện khách hàng.
- Theo ông, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) hay các cơ quan chức năng có liên quan cần phải làm gì thời điểm này khi FE Credit đang mắc phải những lời tố cáo của khách hàng?
- Tôi nghĩ với tình trạng phổ biến như hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc. Họ có thể lập các đoàn thanh tra để rà soát các công ty bị tố cáo, phát hiện kịp thời những sai phạm của doanh nghiệp để đề ra phương hướng chấn chỉnh.
Trường hợp doanh nghiệp không vi phạm, chúng ta cũng cần công khai để bảo vệ quyền lợi, uy tín của doanh nghiệp trước những vu khống, bịa đặt. Từ đó, có căn cứ để xử lý người cố tình làm xấu hình ảnh doanh nghiệp.
Với người vay tiền, trước mắt họ cần bảo vệ quyền lợi của chính mình. Trước khi sử dụng dịch vụ, khách hàng nên tìm hiểu kỹ hợp đồng tín dụng để tránh bất lợi khi xảy ra tranh chấp.