Vái lạy tứ phương
Phía sau khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy có bức tượng thể hiện tình mẫu tử, tên gọi là “tượng mẹ Nhật Bản”. Hằng ngày, rất nhiều bệnh nhân và gia đình họ tới thắp hương, khấn vái. Chị Ngọc Lan (quê Long An) - bệnh nhân ở đây kể về giai thoại bức tượng: “Trước đây, có một gia đình người Nhật đã xây dựng bệnh viện này. Thời gian sau, người vợ biết chuyện chồng ngoại tình nên đã bồng đứa con nhảy lầu tự tử. Sau đó người ta lập tượng để tưởng nhớ tới bà”.
Nằm điều trị bệnh viêm đại tràng cả tuần nay, chiều nào chị Lan cũng xuống thắp hương. Chị chầm chậm bước tới trước tượng, châm vài nén nhang rồi quỳ xuống vái lạy. “Nhờ có bà mà bệnh viện được xây dựng để cứu sống bao nhiêu người, bà linh lắm!”, chị Lan nói.
Mọi người tìm tới chốn tâm linh ở các bệnh viện để gửi gắm niềm tin, cuộc sống tốt đẹp hơn. |
Trước bức tượng mẹ Nhật Bản có một chiếc lư hương đặt ngay ngắn, phía sau là đồ lễ trái cây, những bó cúc vàng... mà người đến cầu nguyện đã dâng cúng từ những ngày trước. Bao trùm cả khu đặt tượng là mùi khói hương bay nghi ngút. Ngoài những người đến thắp hương, khu vực này còn là nơi nương nhờ, gửi gắm niềm tin mong cho bệnh tật qua đi của những phận đời kém may mắn. Hàng ngày, chúng tôi còn thấy một người cha đẩy đứa con ngồi trên xe lăn do tai nạn rách hàm và chèn dây thần kinh ở cổ, thường xuyên lui tới thắp hương cầu cho con mình nhanh chóng bình phục.
Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, hai bà cháu tên Lành (67 tuổi) và tên Ti (8 tuổi, quê Cà Mau) đang quỳ khấn trước tượng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Hai bà cháu ở đây đã gần 3 tháng để chăm sóc người thân bị bệnh lao. “Cháu Ti mồ côi cha mẹ, tui đưa nó về nuôi từ nhỏ. Do cậu nó bệnh nặng tui phải đưa lên đây chữa, đành phải mang cháu theo. Tôi đến đây để tìm nơi thanh thản, mong cho con mau khỏi bệnh, cháu chắt được ấm no, không phải khốn khổ như thế này nữa”, bà Lành rơm rướm nước mắt.
Một người nhà bệnh nhân thắp hương trước tượng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. |
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược, nhiều người nhà bệnh nhân có thói quen ngồi dưới gốc cây đa cổ thụ, rễ mọc ôm trùm lên một am thờ tại cổng ra vào khu nhà C của bệnh viện để cầu khấn cho người nhà mau lành bệnh. Anh Hoàng, bảo vệ ở đây cho biết: “Cây đa này có lâu đời rồi, từ hồi bệnh viện mới thành lập tới giờ. Không chỉ người nhà bệnh nhân mà cả người ngoài cũng đến đây thắp hương, cầu nguyện”.
Tin vào phép nhiệm màu
Trước đây, trong khuôn viên bệnh viện Ung Bướu có một hòn non bộ, được người ta đặt cái lư hương. Bây giờ, bệnh viện đã dời chỗ thờ cúng ra phía trước cổng, nơi đặt ba am thờ, để mọi người có thể thoải mái thắp hương.
Gần ba tháng qua, kể từ ngày chị Lê Ngọc Hậu (quê Đồng Tháp) đưa con tới đây chữa bệnh, hôm nào chị cũng tới thắp hương. Chị xem bệnh viện như nhà của mình. Chị Hậu giãi bày: “Tới bệnh viện, hễ chỗ nào có chỗ cầu nguyện là tôi đến thể thắp hương cầu khấn, hy vọng phép màu sẽ đến với con và gia đình. Ở quê lam lũ, lúc lên Sài Gòn, bà ngoại cũng đi theo. Bà bán vé số, nhặt ve chai để có tiền trả viện phí cho cháu”.
Giữa khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ có ngôi miếu thờ được các sản phụ, người nhà thành tâm thắp hương để cầu cho những người hiếm muộn sớm có con, các ca sinh đẻ được diễn ra tốt đẹp. Trong miếu có pho tượng Ngọc Hoàng Đại Đế và cận vệ của ông. Thắp xong nén nhang, chị Hương (32 tuổi, quê Bình Phước) tâm sự: “Vợ chồng tôi cưới nhau năm năm nay chưa có con. Hàng tuần, vợ chồng tôi xuống Bệnh viện Từ Dũ khám bệnh đều mua ít lễ vật để khấn vái mong thần linh cho chúng tôi một đứa con khỏe mạnh”.
Trái với sự chen chúc, quá tải tại các phòng khám, trong khuôn viên Bệnh viện Nhi Đồng 2 (quận 1) có ba không gian tâm linh - nơi đặt một hòn non bộ tuyệt đẹp, bên trong đặt các bát nhang, còn trên từng tảng đá đặt các pho tượng như Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Phật, Thích Ca Mâu Ni... bao quanh có các ghế đá để các bệnh nhân và người nhà của họ cầu nguyện, đặt niềm tin vào đấng thần linh sẽ phù hộ cho tai bay vạ gió qua đi.
Từ khi nhập viện, gần như sáng nào chị Hạnh và con gái Nguyễn Hoàng Loan (mười tuổi, quê Bình Định) cũng ra điểm tâm linh phía sau Khoa dược Bệnh viện Nhi Đồng 2 để cầu nguyện. Nhìn vào đôi mắt đen láy, khuôn mặt bầu bĩnh của Loan đang xem mẹ thắp hương, ít ai nghĩ một cô bé đáng yêu, kháu khỉnh lại mang trong mình bệnh tim bẩm sinh. Gần mười năm bé Loan bị bệnh tim, thì cũng có gần chừng ấy năm mẹ con chị Hạnh xem bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình. Thắp xong nén nhang, chị Hạnh trải lòng: “Gia đình tôi có mỗi mình nó là “tài sản sống” có giá trị nhất. Để chữa trị cho con, vợ chồng tôi bán gần hết cả gia sản, chạy vạy khắp nơi mới có tiền nhưng bệnh tình của cháu vẫn không thuyên giảm. Lúc mới tới nghe mọi người kể hòn non bộ này thiêng lắm nên tôi hay ghé qua đây cầu các vị thần linh phù hộ cho con tôi được khỏe mạnh”.
Phía trên hòn non bộ còn có những tấm bảng ghi lời “cảm ơn” của bệnh nhân hoặc người nhà của họ trước đó. Một tấm biển ghi: “Gia đình con xin lạy mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát đã cứu giúp hai cháu N.T.T và N.L.T khỏi bệnh - tạ ơn”... Rất nhiều tấm bảng như vậy được đặt lên, để thấy rằng niềm tin, lòng thành kính, sự tri ân của những người cha, người mẹ khi lui tới đây. “Vào ngày rằm, lễ, tết, nhiều người nhà bệnh nhân mua hoa quả, vàng mã tới khấn. Có lúc lượng người đông quá, đề phòng hỏa hoạn có thể xảy ra chúng tôi đã lấy hương từ lọ ra bớt, nhắc nhở mọi người cẩn thận”, một hộ lý bệnh viện cho biết.
Để phục vụ nhiều thành phần tín ngưỡng, bệnh viện còn bố trí phía trước Khoa Tổng hợp khu tượng Đức mẹ và khu tưởng niệm công lao bác sĩ Yersin - Camette. Hàng ngày, cứ đến cuối giờ chiều, nơi đây lại tập trung nhiều ông bố, bà mẹ dẫn con ra cầu nguyện. Trong nỗi tuyệt vọng, niềm tin cuối cùng mà họ vịn vào hầu như được đặt vào chốn tâm linh này.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quý Quỳnh, Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Khi có thân nhân nằm viện, nhất là các bệnh nhi, người ta cần đến niềm tin tâm linh. Người bệnh dù là bệnh nhi hay người trưởng thành, dưới mắt của thân nhân đều là ốm yếu và mỏng giòn, người thân cầu mong có một sức mạnh vô hình nào đó hỗ trợ thêm cho người bệnh. Họ cũng tự trang bị cho mình một khi những gì đang xảy ra trong thực tại (bệnh lý y khoa) nằm ngoài khả năng của họ. Họ cảm giác bất lực trước tình huống. Mục đích họ tìm đến với tâm linh có thể khác nhau, nhưng đều bắt nguồn từ một vấn đề: sức mạnh tinh thần. Một số người có niềm tin mãnh liệt đến mức họ tin vào “phép màu” - một “liệu pháp phép màu”. Đây như một “liều thuốc tâm lý” đôi khi có tác dụng rất tốt. Trong y khoa, các thực nghiệm placebo (giả dược) đã chứng minh tính hiệu quả của liều thuốc tâm lý - tinh thần này”.