Chị Oanh (32 tuổi) là công nhân, quê ở Vĩnh Phúc, còn anh Trung (33 tuổi, Hà Nội) lái xe taxi. 6 năm trước, hai người nên duyên vợ chồng. Họ có hai đứa con xinh xắn - bé gái (6 tuổi) và bé trai (4 tuổi).
Cuộc hôn nhân đang yên ấm, bất ngờ anh Trung nghi vợ ngoại tình. Những cuộc cãi vã dần trở thành “cơm bữa” khiến bầu không khí trong nhà của cặp vợ chồng trên trở nên ngột ngạt.
Nuốt nước mắt cam chịu, Oanh không dám ca thán với cha mẹ đẻ.
Năm 2014, khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, chị rớt nước mắt soạn thảo lá đơn ly hôn. Không phản đối, ra tòa anh Trung tiếp tục tố cáo vợ quan hệ ngoài luồng song không đưa ra được bằng chứng rõ ràng.
Tại phiên sơ thẩm, TAND huyện Mê Linh (Hà Nội) chấp nhận đơn ly hôn đồng thời giao con gái lớn cho chị Oanh nuôi dưỡng. Còn anh Trung có trách nhiệm chăm sóc con trai 4 tuổi.
Nghĩ hai con mỗi người một nơi nhưng chúng vẫn có cơ hội gặp nhau, chị Oanh thuận lòng với bản án trên. Song về phía anh Trung lại phản ứng gay gắt.
Lấy cớ sau phiên xử, vợ bỏ mặc con, anh Trung đâm đơn kháng cáo lên TAND Hà Nội giành quyền nuôi cả hai con.
Trả lời HĐXX hôm 21/10, người đàn ông 33 tuổi giãy bày có đủ điều kiện chăm sóc các con, bởi lẽ, bản thân là lái xe taxi, mỗi tháng thu nhập bình quân 15 – 20 triệu đồng.
"Tôi sợ vợ ngoại tình sẽ không dạy bảo, lại khiến con thêm mặc cảm", anh Trung nói.
Anh này cũng cho rằng từng nghe anh rể và anh trai vợ cũ dọa sẽ làm hại hai cháu nhỏ. Đòi nuôi cả con gái lớn, anh Trung không yêu cầu vợ cấp dưỡng tiền hàng tháng. Lúc này, chị Oanh nức nở: “Thưa tòa, do anh vu khống tôi ngoại tình nên vợ chồng mới không thể chung sống được, cũng không có chuyện đe dọa ạ”.
Nén nỗi buồn, chị Oanh trình bày khi bản án sơ thẩm có hiệu lực, chị xuống đón con thì bị gia đình chồng ngăn cản. “Do điều kiện xa xôi, mỗi tháng tôi xuống thăm con được hai lần”, thiếu phụ nói.
Phía nguyên đơn cũng tính về thu nhập cộng cả lương công nhân và quán Internet khoảng 10 triệu đồng/tháng, chị hoàn toàn có đủ khả năng nuôi con. Chị Oanh nói, nếu anh Trung cho phép sẽ nuôi cả hai con vì trường học gần nhà, các con lại có chị, có em.
Sau khi nghị án, tòa cho rằng khi ly hôn, cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con bình đẳng, nên tuyên bác đơn kháng cáo của bị đơn. Chủ tọa vừa dứt lời tuyên, bị đơn xô bàn vùng vằng, gằn giọng: “Mày nói thoát ra được nhà tao sẽ yên chuyện, ra tòa lại trở mặt, tao đâm mày chết…”.
Bất ngờ trước thái độ của chồng cũ, thiếu phụ trẻ co rúm người bước vội ra khỏi phòng xét xử. Chần chừ ở hành lang, chị chờ anh đi khỏi mới dậm bước ra về.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.