Tình trạng bị đau đầu, chóng mặt hay buồn nôn khi làm việc với máy tính, điện thoại quá nhiều khá phổ biến hiện nay. Ảnh: Explora. |
Là nhân viên chăm sóc khách hàng ở một công ty về trang sức, Phan Thanh Huyền (24 tuổi, Hà Nội) phải làm việc trên máy tính, điện thoại liên tục. Ngoài công việc chính, cô cũng nhận thêm công việc tư vấn online khác để tăng thu nhập.
"Mỗi ngày tôi phải dùng điện thoại và máy tính 14-16 tiếng. Hàng tuần, điện thoại của tôi đều thông báo thời gian sử dụng tăng so với tuần trước đó. Gần đây, tôi thấy có triệu chứng chóng mặt, đau đầu khi phải làm việc lâu với máy tính. Sau đó, khi không dùng máy tính nữa và nghỉ một lúc, các biểu hiện trên cũng đỡ dần", Huyền nói.
Thanh Huyền có triệu chứng chóng mặt, đau đầu khi phải làm việc lâu với máy tính. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, Ngọc Huyền (nhân viên truyền thông, 29 tuổi, Thái Bình) cũng gặp tình trạng chóng mặt, mỏi mắt, khó tập trung, hình ảnh bị chồng chéo khi phải làm việc với máy tính kéo dài nhiều giờ.
Theo Ngọc Huyền, các triệu chứng này càng nặng hơn vào các thời điểm công việc của cô quá tải, căng thẳng.
"Có lần, công ty tôi chạy chiến dịch quảng cáo rất quy mô lớn, tôi phải viết quá nhiều bài để giới thiệu sản phẩm. Thời gian đó, tôi bị chóng mặt, đứng dậy có cảm giác không vững, thậm chí buồn nôn. Ngay sáng hôm sau, tôi phải xin sếp nghỉ nửa ngày để thư giãn", Huyền tâm sự.
Dù có các triệu chứng trên nhưng cả Thanh Huyền và Ngọc Huyền đều chưa đi thăm khám. Họ cho rằng chỉ cần điều chỉnh lại chế độ làm việc, cho mắt nghỉ ngơi nhiều hơn sẽ không xảy ra tình trạng trên nữa.
Nguyên nhân
BSCKI Nguyễn Hữu Khánh, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, cho biết tình trạng bị đau đầu, chóng mặt hay buồn nôn khi làm việc với máy tính, điện thoại quá nhiều như Thanh Huyền, Ngọc Huyền khá phổ biến hiện nay. Trung bình cứ 15-20 người đi khám đau đầu thì có một bạn trẻ gặp tình trạng trên.
"Tình trạng này ngày càng gặp nhiều hơn, phần lớn do áp lực công việc, mọi thứ cần xử lý đều phải sử dụng tới máy tính, điện thoại. Ngoài ra, thời gian sử dụng điện thoại chiếm phần lớn thời gian sinh hoạt (kể cả làm việc, giải trí). Do đó, thời gian cho thể thao ít dần đi, hay nói cách khác, người trẻ có vẻ 'lười' hơn", bác sĩ Khánh nói.
Theo vị chuyên gia này, khi nói đến thời gian sử dụng thiết bị và những cơn đau đầu, trước tiên, chúng ta cần hiểu về chứng mỏi mắt (eye strain).
Mỏi mắt xảy ra khi mắt bạn mệt mỏi vì sử dụng chúng nhiều trong thời gian dài, bao gồm cả khi nhìn vào màn hình máy tính và thiết bị di động.
Theo Hiệp hội Đo thị lực Mỹ, chỉ khoảng 2 giờ liên tục nhìn vào máy tính, bạn có thể bị mỏi mắt do màn hình. Chúng còn được gọi là hội chứng thị giác máy tính (computer vision syndrome).
Khi bạn nhìn chằm chằm vào màn hình, sẽ có ánh sáng chói, bạn ít chớp mắt hơn và chúng luôn có vẻ quá sáng hoặc không đủ sáng. Tệ hơn nữa, các điều kiện mà chúng ta sử dụng máy tính và thiết bị di động không phải lúc nào cũng lý tưởng, bao gồm tư thế xấu, ánh sáng trong phòng không thích hợp và sự tập trung cao độ. Tất cả điều này khiến mắt bạn nhanh bị mỏi hơn.
Mặc dù mỏi mắt không phải là tình trạng nghiêm trọng, nhưng nó gây khó chịu và có thể dẫn đến những cơn đau đầu.
Mặc dù mỏi mắt không phải là tình trạng nghiêm trọng, nhưng nó gây khó chịu và có thể dẫn đến những cơn đau đầu. Ảnh: Conlabo. |
Một nguyên nhân khác, sử dụng vi tính, điện thoại lâu là yếu tố kích gợi dạng đau đầu nguyên phát (primary headache), bao gồm đau đầu kiểu căng thẳng và đau đầu vận mạch (migraine).
Đau đầu kiểu căng thẳng là dạng đau đầu khi gặp áp lực. Đây là kiểu đau phổ biến nhất, với mô tả như có gì siết quanh đầu, thỉnh thoảng có giật nhẹ hai thái dương. Với mức độ đau nhẹ hoặc trung bình, bạn có thể nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giảm đau sẽ giảm.
Đau đầu vận mạch (migraine) là dạng đau đầu với yếu tố khởi phát thường do tập trung căng thẳng. Người bệnh đau nửa bên đầu trái hoặc phải, có khi sau gáy, đau kiểu giật như mạch đập, kèm buồn nôn hoặc ám điểm (điểm mờ đen) ở mắt báo hiệu cơn đau. Khi đau, người bệnh rất sợ ánh sáng, tiếng ồn. Mức độ đau có thể kéo dài 4-72 giờ.
"Trong vài năm gần đây, y học có một thuật ngữ mới cho tình trạng mỏi vai gáy khi sử dụng điện thoại nhiều, gọi là hội chứng cổ gáy khi dùng điện thoại (text neck syndrome). Rất nhiều bạn trẻ ngồi làm việc với tư thế không thẳng, cúi nhiều, lâu dần khiến cổ mỏi, cảm giác căng cứng vai gáy, khiến cho thiểu năng tuần hoàn não, gây choáng váng khi đứng dậy", bác sĩ Khánh cho hay.
Nguyên nhân cuối cùng là sử dụng điện thoại lâu với ánh sáng xanh (blue light) về đêm, khiến não bộ nghĩ rằng vẫn còn trời sáng, làm giảm tiết melatonin. Từ đó, giấc ngủ kém hơn, đồng nghĩa sáng hôm sau bạn sẽ thấy uể oải, mệt mỏi thiếu sức sống, rất dễ đau đầu khi tập trung công việc.
Những dấu hiệu trên có nguy hiểm không?
Theo bác sĩ khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, dạng đau đầu nguyên phát hay các nguyên nhân kể trên đều không nguy hiểm. Tuy nhiên, một số dấu hiệu “cờ đỏ” (red flag) đối với đau đầu mà lúc nào bác sĩ cũng phải hỏi bệnh để loại trừ nguyên nhân nguy hiểm có thể xảy ra, như:
- Đau đầu như sét đánh, mức độ đau dữ dội.
- Đau đầu lần đầu tiên trong đời có khởi phát như vậy.
- Đau đầu có kèm triệu chứng hệ thống: Sốt, sụt cân, bệnh suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư).
- Đau đầu có kèm triệu chứng thần kinh: Mờ mắt không nhìn thấy kéo dài, yếu tay chân nửa bên, sụp mi mắt, tê nửa mặt...
BSCKI Nguyễn Hữu Khánh thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
Sử dụng màn hình quá mức có thể là nguyên nhân khiến bạn đau đầu, hãy làm theo các mẹo sau để đảm bảo mắt bạn được nghỉ ngơi đầy đủ:
Thực hiện theo quy tắc 20-20-20: Hiệp hội Đo thị lực Mỹ khuyên bạn nên nghỉ giải lao trong các phiên sử dụng thiết bị. Cụ thể, cứ sau 20 phút, hãy nghỉ 20 giây để nhìn vào một vật thể hoặc người cách xa 20 feet (6 m). Nếu bạn nhìn vào màn hình lâu hơn 2 giờ, hãy cân nhắc cho mắt nghỉ ngơi trong 15 phút.
Hãy nghỉ ngơi, tránh xa các thiết bị của bạn: Bác sĩ biết điều đó thật khó, nhưng hãy cân nhắc đặt thiết bị của bạn xuống và làm điều gì đó khác mà bạn thích như đi dạo, nấu một bữa ăn. Điều này rất quan trọng nếu bạn phải làm việc trên máy tính cả ngày.
Điều chỉnh ánh sáng: Nếu bạn đang làm việc trên máy tính, hãy cân nhắc giảm độ sáng của đèn để tránh bị chói.
Luôn kiểm tra tính công thái học của bàn làm việc: Giữ cột sống của bạn ở vị trí trung lập bằng cách định vị bàn phím, màn hình và chuột đúng cách. Đảm bảo rằng tâm màn hình thấp hơn tầm mắt của bạn từ 10-15 cm và cách mặt bạn khoảng 50 cm. Chuột và bàn phím của bạn phải ở độ cao sao cho vai ở tư thế thoải mái và tránh đặt tay lên bàn phím hoặc chuột.
Chống khô mắt bằng thuốc nhỏ: Nước mắt nhân tạo, còn được gọi là thuốc nhỏ bôi trơn, có thể giúp ngăn ngừa tình trạng khô mắt dẫn đến mỏi mắt. Bạn có thể mua những loại nhỏ mắt này ở hiệu thuốc.
Xem xét kính mắt mới: Nếu đeo kính áp tròng hoặc kính cận và dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình, bạn có thể cân nhắc đầu tư vào tròng kính lọc ánh sáng xanh. Chúng được thiết kế để giúp mắt không bị mỏi khi làm việc với máy tính.
Tập luyện một số bài giảm đau cổ gáy tại văn phòng: Một số bài tập giãn cơ rất có ích cho cơ thể, cổ vai gáy, hạn chế mỏi cổ, giảm choáng váng. Bạn có thể dễ dàng tìm các bài tập này trên Internet.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.