Chồng mang giang mai về nhà
Đang chờ lấy kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Da liễu Trung ương, chị Vũ Hoài Nhu đến từ Hai Bà Trưng, Hà Nội nét mặt u buồn. Chị Nhu kể cách đây mấy tháng chị để ý “chỗ ấy” có vài vết loét, chị tưởng bị viêm nhiễm nên mua kháng sinh về uống, sau đó thấy nổi hạch bẹn nhưng không đau đớn gì nên chị chủ quan chỉ mua nước rửa vệ sinh về dùng và uống kháng sinh chống viêm. Mấy tuần gần đây chị thấy hạch nổi toàn thân, có nốt sùi ở bộ phận sinh dục, dịch có mùi...
Chị đến phòng khám sản khoa khám và làm xét nghiệm thì kết quả là bệnh giang mai. Chị Nhu không tin lắm nên đến Bệnh viện Da liễu Trung ương kiểm tra thêm lần nữa cho chính xác. Dù đang chờ kết quả cuối cùng nhưng chị Nhu khẳng định rằng: "Chồng tôi mang bệnh giang mai về cho vợ rồi".
Cố giấu đi giọt nước mắt sợ hãi vì căn bệnh xã hội, chị Nhu kể, hai vợ chồng chị không hòa hợp chuyện chăn gối khi chị từng phải cắt tử cung vì mang thai ngoài tử cung. Có lẽ vì thế nên nhu cầu sinh lý giảm trong khi chồng chị lại đang ở độ tuổi xuân. Để cố gắng chiều chồng, chị Nhu cố gắng một tuần vợ chồng gặp gỡ nhau 1-2 lần. Chị biết với tần suất như thế là không đủ cho người chồng 42 tuổi của mình. Nhưng vì hạnh phúc gia đình, chị không thể làm hơn.
Biết chồng có thể đi ra bên ngoài, nhiều lần chị Nhu muốn nhắc chồng chuyện cần có biện pháp bảo vệ. Đôi lần muốn nói nhưng lại thôi vì sợ ông xã nghĩ mình không tin tưởng. Dù biết có thể có nhưng chị đành im lặng làm ngơ.
Đến khi biết mình bị giang mai, không cần tra hỏi chị cũng đoán ngay ra chồng mang bệnh về nhà cho vợ. Bác sĩ khuyên chị Nhu nên đưa cả chồng đến khám để có thể điều trị bệnh, tránh các biến chứng của bệnh.
Trường hợp của Hà (24 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) không mắc bệnh giang mai nhưng cũng không tránh khỏi bệnh sùi mào gà. Hà kể, mình bị bệnh 2 năm rồi, đã được điều trị khỏi, nhưng bị tái lại do quan hệ tình dục không an toàn. Hà kể bệnh phải điều trị hai vợ chồng nhưng chồng của Hà không chịu điều trị hết đợt nên cứ được một thời gian bệnh lại tái phát.
Hà thở dài: "Lần này mà chồng em không kiên trì điều trị với vợ thì em sẽ có biện pháp mạnh. Dù bác sĩ đã cảnh báo không điều trị dứt có thể gây ung thư dương vật nhưng anh ấy chủ quan cho rằng bác sĩ dọa. Còn em, mỗi lần bệnh tái phát là một lần em chịu đau đớn, tủi nhục đi chữa bệnh".
Bệnh giang mai có thể lây từ mẹ sang con
Theo GS Trần Hậu Khang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh giang mai lây chủ yếu qua đường quan hệ tình dục không an toàn. Xoắn khuẩn thâm nhập qua da của bộ phận sinh dục ít nhiều bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ (săng), đi vào máu và lan tràn khắp cơ thể.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan là bị nhiễm HIV/AIDS, bị các bệnh gây thương tổn ở bộ phận sinh dục, có hành vi tình dục bất thường (quan hệ tình dục miệng - sinh dục, quan hệ tình dục đồng giới...).
Tuy rất ít nhưng bệnh giang mai có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn, hoặc lây do truyền máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn).
Nếu người mẹ có thai bị giang mai mà không được điều trị cũng lây cho thai nhi (giang mai bẩm sinh). Để phòng bệnh giang mai bẩm sinh cần phải phát hiện kịp thời và điều trị cho người mẹ nếu bị bệnh trong thời kỳ có mang. Cần làm các phản ứng huyết thanh một cách có hệ thống cho tất cả các phụ nữ có mang.
Bệnh giang mai có từ thời thượng cổ. Các tài liệu xa xa của Ấn Độ, Trung Quốc có mô tả một bệnh giống hệt như bệnh giang mai. Ở châu Âu bệnh xuất hiện vào cuối thế kỷ 15 và lan tràn thành dịch vào đầu thế kỷ 16.
Ở Việt Nam người ta chưa xác định rõ bệnh xuất hiện vào thời kỳ nào. Tuy nhiên trong thời kỳ Pháp tạm chiếm, bệnh giang mai chiếm hàng thứ 2 trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục (sau bệnh lậu). Và đặc biệt từ năm 1975, sau ngày miền Nam giải phóng, bệnh tăng lên một cách rõ rệt. Hiện nay bệnh giang mai chiếm khoảng 2-3% trong tổng số các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Hiện nay để điều trị bệnh xã hội các bác sĩ đều yêu cầu điều trị cả vợ và chồng nhưng trên thực tế nhiều cặp vợ chồng không cùng nhau điều trị, nhiều quý ông bỏ điều trị dẫn đến bệnh không khỏi hẳn, vẫn ẩn trong máu và có thể dẫn đến các chứng giang mai thần kinh gây đau nhức hệ thống thần kinh, đau đầu và tổn thương não.