Người phụ nữ được gọi là Xiaomei, đến từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đã từ chối yêu cầu phải sinh con sau khi chồng yêu cầu cô phải hoàn thành việc này trước tuổi 35, SCMP đưa tin.
Theo lời người vợ, vợ chồng cô kết hôn và đã sống hạnh phúc trong 2 năm. Cô rất sốc khi chồng đưa tối hậu thư về chuyện này.
"Chỉ vì tôi không muốn có con, anh ấy nói sẽ ly dị", Xiaomei nói.
Cô cho biết chồng đặt ra giới hạn 2 năm vì cho rằng sinh con khi lớn tuổi sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ.
Tuy nhiên, Xiaomei không đồng ý vì sợ có con sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hai vợ chồng. Ngoài ra, cô từng chứng kiến bạn thân mình bị xuất huyết trong khi sinh con và bị gia đình phớt lờ vì chỉ quan tâm đến đứa bé.
Mẹ đẻ và mẹ chồng cũng thúc ép Xiaomei sinh con. "Không đẻ con thì về già định sống thế nào?", hai người mẹ nói.
Áp lực sinh con đè nặng lên nhiều phụ nữ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters. |
Câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và gây ra tranh luận lớn. Một mặt khác, ví dụ này thể hiện rõ ràng vấn đề nhức nhối của xứ tỷ dân.
Nhiều ý kiến cho rằng sinh con là cần thiết. "Không có con là sai lầm. Bạn có thể cảm thấy tiếc nuối khi về già. Có con sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn", một dân mạng bình luận. Không ít người cho rằng nên tôn trọng quyết định của người vợ. "Sống mà không có con cũng chẳng sao. Mỗi người đều có lựa chọn lối sống của riêng mình", một tài khoản bình luận.
Những câu chuyện về phụ nữ bị ép sinh con ở Trung Quốc thường gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng.
Năm 2021, một cậu bé ở miền đông Trung Quốc giục mẹ sinh thêm đứa con thứ hai, khiến dân mạng ngạc nhiên.
Cùng năm đó, một phụ nữ ở miền bắc nước này bị mẹ ép lập kế hoạch sinh con thứ hai ngay sau khi sinh đứa con đầu lòng đã lan truyền rộng rãi, gây nên tranh cãi lớn.
Đầu năm nay, video cô gái 24 tuổi từ chối lời thúc giục lấy chồng, đẻ con từ mẹ và họ hàng cũng khiến dân mạng bàn tán.
"Tốt nhất là cháu nên ở lại đây và tham gia kỳ thi công chức. Tại sao cháu muốn rời đi? Cháu nên ở nhà. Làm công chức và kết hôn ở quê là chuyện bình thường mà", một phụ nữ lớn tuổi nói với cô.
Cô gái trẻ vừa cắn hạt dưa, vừa đáp: "Cháu thà nằm trong quan tài còn thấy yên bình hơn. Treo thêm bức ảnh thờ trên tường nữa cho an tâm".
Nhiều dân mạng cho rằng cô gái mới 24 tuổi đã bị thúc giục kết hôn, đẻ con là quá sớm.
Từ chối sinh con
Áp lực kinh tế, công việc và cuộc sống khiến nhiều phụ nữ ở đất nước tỷ dân từ chối sinh con, bất chấp nỗ lực của chính phủ để có thêm nhiều trẻ em hơn trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm mạnh.
Năm 2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống mức 6,77/1.000 dân, thấp kỷ lục từ khi số liệu được thu thập. Dân số Trung Quốc cũng giảm 850.000, đây là lần đầu tiên dân số nước này giảm kể từ nạn đói năm 1961.
Kể từ tháng 5/2021, khi Trung Quốc bắt đầu cho phép mỗi gia đình có tối đa 3 con sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình hà khắc.
Bắc Kinh đang kêu gọi chính quyền địa phương và doanh nghiệp khuyến khích phụ nữ sinh con bằng cách cung cấp mọi thứ, từ tiền thưởng đến các khoản thế chấp giảm, nghỉ phép có lương tỷ lệ thuận với số lượng trẻ em.
Một trong những động thái mạnh mẽ nhất cho đến nay là năm ngoái, Bắc Kinh cấm dạy thêm để giảm bớt áp lực tài chính và xã hội của phụ huynh - vốn thường được coi là lý do chính khiến họ không muốn có con.
Người phụ nữ bị chồng ly dị vì sinh toàn con gái. |
Văn hóa trọng nam khinh nữ tồn tại lâu đời cũng khiến nhiều phụ nữ Trung Quốc chịu áp lực phải sinh con trai để nối dõi tông đường.
Cuối năm 2022, người phụ nữ họ Hu (26 tuổi) bị chồng dọa ly dị vì đoán cô đang mang thai đứa con thứ 5 không phải là con trai. Trước đó, Hu đã sinh 4 bé gái.
Khi đang tháng thứ 5 của thai kỳ, người chồng đã dọn khỏi căn hộ, từ chối trả tiền thuê nhà và nói với cô rằng nên ly hôn "càng sớm càng tốt".
Hu kể cô sống chung với chồng từ năm 15 tuổi và sinh đứa con đầu lòng vào năm 2014, khi cô 17 tuổi.
"Chồng nói với tôi rằng anh ấy muốn ly hôn vì nhìn hình dáng bụng bầu và nghĩ rằng tôi đang mang thai con gái. Anh lo sợ vì bản thân là con trai độc đinh trong đại gia đình. Nếu tôi không sinh được con trai, anh sẽ tìm phụ nữ khác để đẻ con nối dõi", cô kể.
Hu cho biết cô đồng ý ly hôn vì muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân đau khổ này.
Trong cuốn Nghệ thuật quyến rũ, tác giả Robert Greene giúp độc giả khám phá và phát huy những lợi điểm vốn có bên trong để tạo ảnh hưởng đối với người khác thông qua một số phương pháp và kỹ năng được hướng dẫn cụ thể. Theo bà, quyến rũ là một trò chơi tâm lí, chứ không phải vẻ đẹp bề ngoài, và trở thành một chuyên gia quyến rũ hoàn toàn nằm trong tầm tay của bất kì ai.