Sản phẩm chốt giả dây an toàn được bày bán trên các sàn TMĐT. Ảnh: Đan Thanh. |
Tại Việt Nam, sản phẩm chốt giả dây an toàn nhằm đánh lừa hệ thống cảnh báo trên xe vẫn được bày bán tràn lan tại các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử (TMĐT) với mức giá rẻ.
Chỉ từ 15.000 đồng
Dạo quanh một vòng các diễn đàn trên mạng xã hội cũng như các sàn TMĐT, người mua dễ dàng tìm được sản phẩm chốt giả dây an toàn với mức giá chỉ từ 15.000 đến 200.000 đồng với đa dạng mẫu mã.
Cụ thể, mức giá cho các mẫu chốt giả dây an toàn cho ôtô được bán 15.000-45.000 đồng cho loại cơ bản, không có bọc da in logo hãng xe. Riêng với loại được bọc da và khắc tên hãng xe, mức giá sẽ dao động trong khoảng 60.000-200.000 đồng tùy độ chi tiết của phần vỏ bọc.
Do nhu cầu “né tránh” việc đeo dây an toàn khi di chuyển bằng ôtô của người dùng, các mẫu chốt giả thường có lượt mua vượt mức 1.000 sản phẩm, có những mẫu đạt hơn 7.000 lượt mua trong 5 tháng đăng bán. Các chốt giả được chọn mua nhiều nhất thường là mẫu có khắc tên các hãng xe, được đóng gói bắt mắt.
Các mẫu chốt giả dây an toàn được bọc da, khắc tên hãng xe có giá thành cao hơn. |
Theo quảng cáo của người bán, các mẫu chốt giả dây an toàn đều được làm từ thép không gỉ, có khả năng tương thích với nhiều loại ôtô.
Liên hệ với chủ tài khoản xecun*** trên sàn TMĐT Sh*** với nhu cầu tìm mua mẫu chốt giả dây an toàn, người bán khẳng định tất cả các chốt giả đều giống nhau, chi tiết logo hãng được gắn trên xe chỉ mang tính chất trang trí, không có tác dụng phân biệt các loại chốt cho từng dòng xe.
“Các chốt cắm đều làm cùng một loại chất liệu và khung thôi nên loại nào cũng y hệt. Chủ yếu là nếu khách hàng thích có vỏ da nhìn đẹp hơn, sang hơn thì chọn loại đắt, không thì cứ mua loại không vỏ là được. Giá cao hơn chủ yếu là đổ vào khoảng vỏ hộp và vỏ trang trí thôi”, người bán nhận định.
Khi mua thử mẫu chốt giả dây an toàn cho mẫu xe Hyundai từ sàn TMĐT với mức giá 33.000 đồng, phóng viên nhận được sản phẩm bao gồm chốt và túi đựng sản phẩm, không có tem nhãn hay giấy hướng dẫn sử dụng. Sản phẩm được đóng gói trong túi trắng, in dòng chữ “made in China”.
Chốt giả dây được giao đến là một miếng thép mỏng, đường kính khoảng 1-2 mm, được làm theo khuôn của phần khóa dây an toàn. Sau khi thử lắp vào phần khóa an toàn trên xe, do phần thép mỏng nên khi di chuyển chốt giả này sẽ gây ra tiếng động khó chịu, thậm chí rơi hẳn ra khỏi phần cắm chốt.
Anh Đức Thành (Hà Nội) cho biết đối với các đoạn đường di chuyển ngắn anh thường ngại phải đeo dây an toàn vì mất thời gian, nhưng nếu không đeo thì xe sẽ kêu cảnh báo liên tục nên đành tìm mua chốt giả.
“Tôi đưa đón con đi học chỉ cách nhà khoảng 2-3 km, từ Xã Đàn đến đoạn Trần Khắc Chân thôi nên cứ đeo dây an toàn rồi lại tháo mất thời gian. Vậy nên tôi mua chốt gắn vào cho tiện”, anh Thành chia sẻ.
Ảnh hưởng tính mạng
Vừa qua tại Ấn Độ, loại phụ kiện “đánh lừa” hệ thống cảnh báo an toàn trên ôtô này đã chính thức bị cấm mua bán và trao đổi. Thông báo này được đưa ra ngay sau vụ tai nạn dẫn đến cái chết của doanh nhân Cyrus Mistry.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến tai nạn này được xác định do vị doanh nhân này đã không thắt dây an toàn khi di chuyển.
Chia sẻ với Reuters, đại diện phía Amazon cũng cho biết sẽ có những biện pháp và hành động chế tài nghiêm khắc đối với hành vi mua bán sản phẩm này tại thị trường Ấn Độ.
Chốt giả dây an toàn được tìm thấy trên xe xảy ra tai nạn ở Malaysia. Ảnh: Paultan. |
Trước đó vào tháng 9/2017, Malaysia đã ghi nhận vụ tai nạn diễn ra trên đường cao tốc Seremban–Port Dickson của nước này khiến tài xế thiệt mạng. Theo điều tra từ phía cảnh sát, sau khi trượt bánh, chiếc Mitsubishi Lancer đã đâm vào barrier khiến tài xế văng khỏi xe, gây tử vong.
Bức ảnh chụp từ hiện trường vụ tai nạn và kết luận của cảnh sát cũng cho biết, tài xế này đã không thắt dây an toàn khi lái xe mà sử dụng chốt giả dây an toàn nhằm đánh lừa hệ thống cảnh báo.
Tại Mỹ, chủ phương tiện sẽ bị phạt tiền 50-150 USD nếu không thắt dây an toàn khi sử dụng ôtô. Nếu ôtô có chở theo trẻ em, mức phạt dành cho người lái sẽ lên đến 450 USD, bị tịch thu tạm thời bằng lái xe hoặc bị giam giữ nếu xảy ra tai nạn giao thông.
Đối với vương quốc Anh, người lái khi không thắt dây an toàn có thể bị phạt đến 500 EUR và nếu hành khách trên xe không thắt dây an toàn thì cũng phải chịu mức phạt 500-550 AUD.
Có thể nói chốt giả cài dây an toàn sẽ vô hiệu hóa hiệu quả của hệ thống túi khí và nhiều tính năng an toàn trên xe. Nhiều người mua không đánh giá được hết rủi ro khi sử dụng sản phẩm này và nếu gặp các tình huống nguy hiểm, cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Theo Nghị định số 100 về xử phạt người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, chủ phương tiện khi di chuyển trên đường không thắt dây an toàn hoặc chở người trên xe không thắt dây an toàn sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến một triệu đồng.
Người ngồi trên ôtô không thắt dây an toàn (tại vị trí được trang bị dây an toàn) cũng sẽ bị phạt tiền 300.000-500.000 đồng.