Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chợt nhớ thời thanh xuân đến nao lòng

Nếu thời gian có quay trở lại, hãy cho mình đứng yên trong khoảnh khắc này, đừng cho đứa nào trong đám ngồi đó lớn lên và bay ra cái dòng xô bồ hiện tại.

Sau khi tỉ tê cùng đám chiến hữu một tối mùa hè, mình vô thức lái xe vòng qua Cofer cơ sở  Phan Xích Long, nơi này từng đánh dấu một thời tuổi trẻ ngang dọc của mình nhưng bây giờ có những thứ đã thay đổi quá nhiều.

Mình đứng nơi đây rất lâu và hoài niệm về những điều đã cũ. Tự nhiên lại thấy buồn, thấy nhớ, thấy nuối tiếc. Với mình thanh xuân luôn là khúc ca dai dẳng như mưa bụi, cứ lụi mụi mãi không thôi. Nhớ từng đứa, từng đứa đã ngồi cùng mình bao năm trong cái giảng đường chật ních người, nóng chảy mỡ, một dãy bàn ngồi lúc nhúc đến hơn mười đứa. Học thì tùy vào sở thích chủ đích là đến để "tám cùng sao".

Nhớ cái quán nước mía bên hông chùa, thèm quay về cái tuổi 19 lót tót đi học bằng xe buýt mòn cả mấy đôi dép lào, có hôm mình bị trẹo chân, đứt luôn cái quai dép vốn đã mỏng và sắp hư. Mình cũng hay ngồi đó lấy cọng thun ăn bánh mỳ hồi sáng cột lại đỡ rồi tung tăng tiếp. Hay cả mấy lần do ngủ quên nên đến trường trễ giờ rồi ngồi chèo queo ngoài đó hóng trai đẹp.

Nhớ cái đám con Liên, con Thư, con Khánh, con Ngân hay bày trò làm quân sư quạt mo cho mình vì theo tụi nó mình tồ, ngu và hết sức ngờ nghệch không có lấy 1% kinh nghiệm tình trường. Nhớ cái lần mình ngủ gục trong môn PTHDKD của thầy Chung. Thầy tặng cho mình một cục phấn cái “bốp” lên đầu rồi nhẹ nhàng bước xuống khuyến mãi cho mình một chai dầu gió xanh rửa mắt cho tỉnh ngủ.

Mình nhớ các "bánh bèo" lớp E lăn lộn đi quay các clip thảm họa, từ đóng giả diêm vương, âm binh đến các gã trai si tình quảng cáo mì gói… đủ các thể loại. Hay cả những đứa hay lén lút ăn bánh tráng trộn trong giờ học và viết giấy chuyền tay hẹn hò trai gái. Mình nhớ con Liên tóc vàng khè, sang chảnh nhưng có thời lội bộ đi học từ Trần Văn Đang sang Phan Xích Long đến phỏng rộp cả chân. Mình con Ngân bé tẻo bé teo nhưng lúc nào cũng đèo bòng theo cái máy ảnh to đùng mỗi khi lớp, khoa có event. Mình nhớ thằng Ánh gầy ốm tỏng teo như cái dưa leo phơi 3 ngày ngoài chợ nhưng lại là “chàng thơ” của các nhỏ lớp kế bên, lâu lâu lại hay úp hình lừa tình trên mạng xã hội xúc phạm thị giác người xem.

Mình nhớ cái lần suýt bị đánh oan bởi trót nói nhảm để hotgirl lớp bên hiểu lầm là đang nói xấu bạn í. Lạy Phật và các thánh thần, lúc đó tụi nó gọi điện thoại kêu gọi đồng minh ì xèo dàn binh bố trận, mình với con Khánh đứng héo queo mà không biết chuyện gì đang diễn ra. May sao con nhỏ Khánh gái miền Tây dẻo miệng, đổ mật vào tai hotgirl kia, còn trai đẹp Đoàn dùng nam nhân kế dẫn dụ cho bạn ấy hạ hỏa, nếu không chắc mình cũng bị tụi kia cắt mất… cái móng tay. Mình cạch tới già, từ đó bỏ luôn tật khen anh này đẹp, khen chị kia xinh cứ phát biểu linh tinh có ngày cũng hy sinh vì nhiều chuyện.

Mình nhớ mấy ngày thi cuối khóa tụ tập chong đèn học bài cho thành tích bằng bạn, bằng bè. Mình vốn nhát như thỏ, trước giờ đố mà dám xem tài liệu nên rất là chăm chỉ, đến độ ngủ cũng mơ đang làm một bài tích phân hay vẽ sơ đồ nguyên lý kế toán. Mang tiếng học tập theo mô hình tập trung để nâng cao khả năng tự giác và dễ dàng hỏi bài nhưng mình cật lực còn nhỏ kia rung đùi dũa móng tay. Nhỏ bạn mình xinh, mặt mày xếp vào dạng "ngây thơ vô số tội" nên có rất nhiều cơ hội làm cao thủ phòng thi. Nó thông minh nhưng mắc bệnh lười coi bài nên chép ít phao rồi vào đó xài đỡ. Nó có nguyên tắc vàng: "Biết thì làm, khó xài phao, không bao giờ quay bài kẻo liên lụy đồng môn". Đợt nào nó cũng qua trơn tru tráo trọi làm mình không ít lần phát sinh tà tâm ganh ghét và cũng có chút ngưỡng mộ. Có lần mình đang tăng tốc làm bài bổng nhiên tờ phao vô chủ rớt ngay dưới chân mình, thầy giám thị đi ngang qua ngó nghiêng nhìn mình ngờ vực rồi cầm lên so nét chữ. May hồn mình viết mực đen và khác nét không chắc có lẽ nhảy xuống sông Tiền Đường cũng không rửa hết nỗi hàm oan. Vậy mà ra khỏi ghế nóng nó cười hề hề: “Tại gió to quá phao bay nha mày”.

Mình nhớ lần nguyên đám mê trai tụi mình ngồi hóng gió ở vỉa hè siêu thị Phan Xích Long có đứa nói: “Không biết sau này trong đám tụi mình đứa nào có bồ, có chồng, có con trước”. Rồi bọn nó nhìn mình mỉa mai: “Hy vọng không phải con Q. tồ”. Nghe mà tức muốn nứt não. Rất lâu sau này, mình hơn một lần vòng xe qua ngay tại chỗ này và nhớ về tụi nó, những đứa đã để quên lại ánh mắt trong trẻo hồn nhiên nơi đây. Mình ước nếu thời gian có quay trở lại, hãy cho mình đứng yên trong khoảnh khắc này, đừng cho đứa nào trong đám ngồi đó lớn lên và bay ra cái dòng xô bồ hiện tại.

Mình nhớ mình hay cột tóc đuôi ngựa, đeo ba lô con cóc và còn  trùm đi học trễ nên tìm mọi cách kết thân với các anh chị thanh niên xung kích trong trường để đôi khi còn nhờ vả. Mình hay ngồi dãy bàn cuối đưa mắt khắp lớp tìm cậu bạn trai mình thích rồi hí hoáy vẽ vẽ tô tô dáng cậu ấy ngồi. Hay cả lần mắt nhắm mắt mở đến độ mặc ngược cái áo thun in hình con puco mới mua, con bạn mình há hốc miệng mồn rồi chụp ngay cái áo khoát cho mình che lại rồi vội vàng đẩy mình vào “nhà WC nam”. Trai đẹp của mình đứng ngay đó và đang điềm tĩnh rửa tay, anh quay lại nhìn mình kinh ngạc và chắc cũng pha chút thắc mắc: "Sao có loại con gái vô duyên chạy xồng xộc vào đây". Lúc đó, nếu có cái quần hay cái đại loại như vậy, mình cũng đội lên cho đỡ xấu hổ.

Về sau, mình có thói quen hay ngồi trước hàng ghế chỗ bản tin đợi anh ra vào nhà WC và nhìn. Ngày đó với mình chỉ cần mỗi ngày được thấy anh là quá vui. Nhỏ bạn mình bảo, mình có sở thích kỳ quặc và thể hiện tình cảm cũng thật kỳ quái. Nhưng vốn cái đoạn đường từ phòng học ra đến khu nhà WC không quá 100 bước chân ấy là nơi duy nhất mình có thể quan sát hình dáng anh mỗi ngày. Mình cứ nhìn, nhìn mãi, nhìn đến thân thuộc, đến khắc vào tim. Mình gọi anh là mối tình đầu, tìm đâu được thứ tình cảm trong trẻo, mơ hồ như thế lại lần nữa?

Mình là đứa con gái không quá đỗi dịu dàng, nồng ấm nhưng lại chất đầy ký ức nơi ngực phải. Những năm tháng vội vã đó mình vẫn mong một ngày có thể quay lại. Đến giờ anh và mình đã mất liên lạc trong một thời gian dài, nhưng mình hy vọng anh vẫn sống khỏe mạnh đâu đó trên hành tinh này.

Mình nhớ ngày tụi mình chính thức bị đuổi ra khỏi trường. Đó là một ngày nắng đẹp, trong và xanh. Mình mặc bộ lễ phục trang trọng bước lên bắt tay thầy Thọ và cầm tấm bằng thông hành bước vào đời. Thầy chúc tụi mình thành công trong sự nghiệp và cuộc sống, cũng từ đây, mình bắt đầu trải nghiệm câu nói của thầy hồi tụi mình còn là những bé trai, bé gái 18, 19 mắt tròn ngơ ngác ngây thơ: “Khi các em ra trường đi xin việc, nhà tuyển dụng duyệt hồ sơ: Sinh viên Kinh tế Đối ngoại cất để riêng - trang trọng…”. Thật ra, mình rất muốn nói với các thế hệ sau K14, 15 +: "Đôi khi các em cũng sẽ bị vỡ mộng dòng sông vì không có dòng sông nào chảy về thiên đường cả các bé ạ".

Hồi năm nhất, khi mình còn là con nai vàng trong bộ đồng phục có cái nơ màu đỏ đô ở cổ và luôn luôn đóng thùng, mình luôn tin rằng chỉ cần cố gắng học hành thật chăm cộng với tấm bằng của trường là sẽ có được công việc với thu nhập như mơ. Nhưng đôi khi hay không bằng hên, học lực giỏi tốt không bằng chân dài mét mốt. Nếu như năm nhất, hễ bị điểm xấu là buồn, bị chọc ghẹo là quê, giảng viên chê là sầu muốn khóc,  sau bao năm rèn luyện thể chất leo cầu thang ở trường và chạy sô đi học ở các cơ sở mình có sức khỏe dẻo dai, tinh thần minh mẫn và khả năng xử lý tình huống vô cùng nhạy bén: Khi gặp giảng viên cứ thật là ngoan hiền và ngu ngơ vừa quay lưng là liền phất cờ kháng chiến.

Khi vào năm thứ ba, thời gian lên giảng đường của mình cơ bản là để bổ sung kiến thức chuyên môn còn để bổ sung thêm kinh nghiệm về tình yêu - hôn nhân -  gia đình do các đại minh tinh dày dạn truyền đạt. Vào năm ba, gần như đầu óc tụi mình đã bị nhiễm nước kênh Nhiêu Lộc đôi ba phần.

Mình đã không nghĩ rằng đó lại là một trong những lần hiếm hoi mình có thể giáp mặt từng đứa bạn, ôm nó một cái, chụp chung một tấm hình. Có những đứa đôi ba lần mình nhớ đến nao lòng như con Thư, nhưng chẳng biết đến khi nào lại được gặp nó.

Mình ra trường được độ nửa năm thì nhận được thông báo lên trường nhận học bổng. Mình công nhận trường mình được cái làm ăn bao nhanh. Hôm đó là 21/12 – ngày mà nhân loại đồn là “tận thế”. Mình làm xong thủ tục xong, nhét tiền vào túi quần vừa bước ra ngoài thì trời nổi giông nổi gió, mưa bão ầm ầm, đen thui. Mình sợ đến chết phát khóc. Phần thì lo chưa kịp gọi điện thoại về nhà cho ba má ở quê để chia tay mà đã bị đại hồng thủy cuốn mất, phần thì lo trước giờ ăn nhín nhịn thèm, nay có tiền, chết mà chưa kịp tiêu hết mấy đồng này thì ấm ức sao cho thấu. Đúng là mình của tuổi trẻ, hoang tưởng đến độ không chấp nhận nổi. Và hai hôm sau đó, khi minh yên tâm là “vẫn còn sống”, mình quyết tâm về lại mấy hàng quán bên góc chung cư ăn liền một mạch 3 cái bánh đúc, 2 hủ sữa chua, 1 tô bún bò, nghêu sò ốc hến… cho bỏ công thòm thèm suốt bao ngày tháng sinh viên.

Có những thứ đã không còn là của mình
Có những người bây giờ đã là cố nhân
Có những bước chân in dài trên vệt cát gọi là tuổi trẻ

Mình bây giờ đã là gái già công sở vật vả 8 tiếng đồng hồ vàng ngọc để đổi lấy miếng cơm manh áo đời thường. Đôi khi ước được một lần được làm sinh viên, được đi xe buýt, được mặc đồng phục, được ngủ gục, được mang dép lào, buộc tóc đuôi ngựa và tung tăng hết cửa sổ này đến hành lang kia.

Độc giả Hoàng Lê Quỳnh

Bạn có thể quan tâm