Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Christopher Robin’: Cái giá dành cho những giấc mơ

Khác với “Goodbye Christopher Robin” (2017) của Fox, bộ phim mới của Disney là câu chuyện khi cậu bé Robin đã trưởng thành, tình cờ gặp lại gấu Pooh và những người bạn cũ.

Trailer bộ phim 'Christopher Robin' Bộ phim là câu chuyện khi cậu bé Christopher Robin đã lớn, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Một ngày nọ, anh tái ngộ người bạn thuở ấu thơ là gấu Pooh.

Thể loại: Gia đình, tâm lý, hài hước
Đạo diễn: Marc Forster
Diễn viên chính: Evan McGregor, Hayley Atwell, Bronte Carmichael, Jim Cummings, Brad Garrett
Zing.vn đánh giá: 7/10

review phim Christopher Robin anh 1
Christopher Robin lấy bối cảnh khi cậu bé năm nào nay đã lớn, có gia đình và gặp khó khăn bộn bề trong cuộc sống.

Winnie the Pooh là nhân vật hoạt hình không còn xa lạ đối với tuổi thơ của hầu hết công chúng.

Chú gấu áo đỏ “chào đời” trong Thế chiến II trên những trang sách của nhà văn Alan Alexander Milne, và từ đó trở thành người bạn của mọi em nhỏ trên toàn thế giới.

Năm 2017, hãng Fox trình làng Goodbye Christopher Robin - tác phẩm cảm động kể lại sự ra đời của gấu Pooh đáng mến.

Chỉ chưa đầy một năm sau, Disney đem đến một cách tiếp cận khác thông qua tác phẩm Christopher Robin, với chủ đề chính là tình bạn và tình cảm gia đình.

Khi Christopher Robin đã lớn và cuộc tái ngộ thần kỳ

Ở bộ phim mới, Christopher Robin rụt rè, nhút nhát thuở nào nay đã trở thành người đàn ông trụ cột trong gia đình. Anh bỏ lại sau lưng khu rừng-trăm-mẫu nơi làng quê yên tĩnh để chuyển tới London hiện đại, xô bồ.

Christopher Robin hiện làm chuyên viên quản lý hiệu quả, kinh doanh tại một tập đoàn sản xuất vali. Áp lực công việc cùng gánh nặng cuộc sống khiến anh luôn luôn bận rộn, không còn thời gian dành cho gia đình.

Cậu bé mơ mộng, tin vào phép màu năm nào giờ đây chỉ còn tin vào cái giá của những giấc mơ. Giấc mơ tuổi trưởng thành là cuộc sống êm ấm, một công việc với địa vị nhất định trong xã hội mà người ta phải hy sinh rất nhiều để đánh đổi.

review phim Christopher Robin anh 2
Vui mừng khi gặp lại người bạn thuở ấu thơ, nhưng Christopher Robin lập tức nhận ra mình sắp sửa phải đối mặt với nhiều tình huống tréo ngoe.

Cùng lúc ấy, bằng một cách nào đó, người bạn thuở ấu thơ - chú gấu Winnie the Pooh - bước qua “cánh cửa thần kỳ” và lạc từ khu rừng trăm mẫu tới London hoa lệ. Gấu Pooh vui mừng, phấn khởi khi gặp lại người bạn cũ bao nhiêu, thì Christopher Robin lại hoảng hốt, sợ hãi khi mang theo chú gấu biết nói giữa nơi công cộng bấy nhiêu.

Tái ngộ chưa được bao lâu, Robin quyết định phải đưa gấu Pooh trở về “chốn cũ” để tránh những xáo trộn trong công việc và cuộc sống. Đó là hành trình tuy ngắn ngủi nhưng đã đưa “cậu bé” trong hình hài Robin trưởng thành tìm thấy nhiều điều tưởng như đã mất.

Điều gì là ý nghĩa nhất trong cuộc sống?

Mô-típ hành trình trưởng thành là vô cùng thân thuộc trong các bộ phim của Disney. Song, đội ngũ sản xuất tại “nhà chuột” luôn biết cách khiến người xem không cảm thấy nhàm chán khi cho họ có cơ hội nhìn thấy bản thân ở tác phẩm.

Christopher Robin dựng nên chuyến hành trình của hai người bạn xuyên thời gian và không gian để đi tìm đáp án cho câu hỏi: điều gì là ý nghĩa nhất trong cuộc đời?

Cách dẫn dắt chủ đề hành trình của nhà sản xuất bằng một chuyến tàu, một trái bóng bay, hay một chiếc cặp được xách đi muôn nơi, đã tạo nên những nút thắt về mặt cảm xúc trong lòng khán giả. Mỗi tình tiết đều chứa đựng ẩn dụ về sự phù phiếm, mộng mơ đối lập với sự thực tế, khắc nghiệt của cuộc sống.

review phim Christopher Robin anh 3
Cuộc tái ngộ thần kỳ dẫn dắt tới hàng loạt khung hình đối lập đáng suy ngẫm cho người xem.

Thế giới của gấu Pooh chỉ có bóng bay và mật ong. Ngược lại, cuộc sống của Christopher Robin không thể tách rời khỏi chiếc cặp chứa hàng tập tài liệu với những con số.

Trong lúc Pooh ngồi chơi trò chơi “không làm gì”, “nghĩ sao nói vậy” bên cửa sổ, thì “người bạn già” của chú ngồi tính toán sát sao từng con số để tìm cách cắt giảm chi phí vận hành công ty. Mỗi người cứ thế theo đuổi những suy nghĩ khác nhau, chia thành hai nửa khuôn hình cô đơn, buồn bã khi cảnh vật lướt qua vô hồn sau cửa kính toa tàu.

Người xem có lẽ sẽ nhớ đến nhiều câu thoại đắt giá trong phim nhiều hơn là những tình tiết được kể. Một sợi dây nối chặt chẽ về cấu trúc được thiết lập ngay từ đầu phim. Robin lúc nhỏ từng đứng trên cầu, thủ thỉ với gấu Pooh rằng: “Tớ rất thích khi ai đó hỏi tớ muốn làm gì, tớ sẽ trả lời rằng không gì cả”.

Nhiều năm sau, Winnie the Pooh trở lại đúng lúc Robin đang ở giữa guồng quay của cuộc sống bộn bề. Chú gấu không hiểu tại sao người bạn năm xưa “không làm gì” giờ lại không thể rời một phút nào khỏi công việc để chơi trò “nghĩ gì nói nấy”, không thể nán lại khu rừng tuổi thơ ít lâu để gặp gỡ, hỏi thăm đám bạn cũ thuở nào.

Hãy cứ nuôi dưỡng những giấc mơ

Câu chuyện của Christopher Robin có thể dừng ở đó cũng đủ để khiến bất cứ ai từng là trẻ con thấm thía sự mất mát, phôi pha của những kỷ niệm và người bạn thời thơ ấu. Nhưng các nhà sản xuất của Disney còn dẫn dắt khán giả đi xa hơn thế nữa.

Thông điệp về niềm hạnh phúc của việc “không làm gì” được dẫn dắt sang trăn trở về “cái giá của những giấc mơ”. Phải chăng, để có được những giấc mơ, chúng ta phải gạt sang một bên sự mơ mộng, phù phiếm để lao động cật lực? Phải chăng giấc mơ chỉ là cuộc sống ổn định, địa vị cao hơn trong xã hội?

review phim Christopher Robin anh 4
Giấc mơ xuất hiện rất nhiều hình thức khác nhau trong phim, và câu chuyện thôi thúc khán giả hãy cứ nuôi dưỡng chúng trong tâm hồn.

Với Madeline (Bronte Carmichael) - con gái của Christopher Robin, giấc mơ của cô chỉ là được bố đọc truyện trước khi đi ngủ. Với Evelyn (Hayley Atwell) - người vợ nhà Robin, giấc mơ của cô là được cùng chồng con tận hưởng một kỳ nghỉ xa nhà.

Với Winnie the Pooh, giấc mơ của cậu đơn giản là không bị lạc mất những người bạn cũ. Muôn hình muôn vẻ của giấc mơ cứ thế xuất hiện trong suốt bộ phim.

Cái giá của nó có thể là sự tốn kém, lãng phí thời gian, hay những nguy hiểm, rủi ro trên hành trình tới đích. Nhưng tất cả đều hoàn toàn xứng đáng nếu như giấc mơ ấy giúp mỗi cá nhân nuôi dưỡng trong mình niềm tin yêu vào tình bạn, tình cảm gia đình và tâm hồn trẻ thơ mà không một ai muốn đánh mất.

Cốt truyện mạch lạc cùng thông điệp sáng tỏ giúp Christopher Robin là bộ phim dành cho cả người lớn và trẻ em ở nhiều tầng nghĩa khác nhau. Tuy diễn xuất của dàn diễn viên không có gì đáng chú ý, nhưng tạo hình sống động của Pooh, Tigger, Eeyore hay Piglet có thể khiến khán giả thích thú, và cho thấy rõ thế mạnh kỹ thuật của Disney.

Đặc biệt, kỹ thuật hình họa vẽ tay trên giấy được chuyển tải khéo léo vào những khuôn hình động ở đầu phim. Đó là nét sáng tạo đầy thông minh của đội ngũ làm phim.

Bằng cách đó, gấu Pooh cùng những người bạn như được dắt đi xuyên qua thời gian, không gian, từ trang sách lên màn ảnh, ra cuộc đời đầy thuyết phục và hấp dẫn.

Bộ phim Christopher Robin đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Nhân dịp Christopher Robin vẫn đang được trình chiếu tại các rạp, Zing.vn cùng nhà phát hành bộ phim gửi tặng độc giả một số món quà liên quan từ bộ phim: 5 chiếc ô, 2 hũ đựng mật ong.

Hãy trả lời chính xác câu hỏi sau rồi gửi đáp án về e-mail phimanh@zing.vn. Những đáp án chính xác nhất sẽ có cơ hội nhận quà tặng.

Câu hỏi: Trở lại khu rừng-trăm-mẫu, Christopher Robin bị lạc mất gấu Pooh. Anh tìm thấy người bạn nào đầu tiên sau đó?

Độc giả vui lòng gửi e-mail trả lời trước 8h sáng 8/8 và ghi rõ số điện thoại, chứng minh nhân dân để ban biên tập có thể liên lạc và gửi vé trong trường hợp trúng giải.

‘Mirai’: Phim hoạt hình Nhật Bản làm khó các em nhỏ

Tác phẩm mới của đạo diễn Mamoru Hosoda xây dựng thế giới quan của trẻ em dưới góc nhìn của người lớn với màu sắc kỳ ảo. Do đó, khán giả nhí chưa chắc đã có thể hiểu hết bộ phim.


Diệu Anh

Ảnh: Disney

Bạn có thể quan tâm