Sáng 25/7, TAND quận 12 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm các bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh (44 tuổi), Nguyễn Thị Đào (24 tuổi) và Phạm Như Huỳnh (19 tuổi) về tội Hành hạ người khác.
Nạn nhân trong vụ án là hơn 20 bé được phụ huynh gửi tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh.
Bản án treo với 2 nhân viên cơ sở Mầm Xanh
Sau nửa ngày xét hỏi và diễn ra tranh tụng, chiều cùng ngày, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo đã phạm tội Hành hạ người khác. Linh là chủ cơ sở, trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên nhưng bị cáo này đã làm sai quy định.
Bị cáo 44 tuổi đã có hành vi bạo lực đe dọa, đánh 14 trẻ. Hành vi của bị cáo này mang tính bạo lực cao, đánh vào phần nguy hiểm của trẻ. Việc thực hiện hành vi liên tục, nhiều ngày và đánh nhiều trẻ. Khi bị cáo Linh đánh thì Huỳnh và Đào chứng kiến và ngược lại.
"Ngoài đánh đập, Linh còn chỉ đạo cho nhân viên vì nếu chủ cơ sở không cho phép thì 2 nhân viên sẽ không dám thực hiện”, chủ toạ nhận định.
Về phần của Đào, bị cáo này đã dùng dép, cây nhựa, đạp vào các bé. Đào còn cùng với Huỳnh hỗ trợ đánh đập một vài cháu. Hành vi của các bị cáo gây ra sự khiếp sợ cho trẻ em.
Các bé ở độ tuổi nhỏ nên với việc dùng bạo lực đã tạo nên sự đau đớn về thể xác và hoảng sợ về tinh thần. Hành vi phạm tội của các bị cáo ít nghiêm trọng nhưng gây nên hậu quả lớn.
HĐXX cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo. Trong đó Linh phải chịu hình phạt cao nhất của khung hình phạt. Tuy nhiên, các bị cáo đã ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo, hoàn cảnh khó khăn, Huỳnh phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi, Đào phạm tội trong khi mang thai nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Vì những phân tích trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh 3 năm tù, Phạm Thị Huỳnh 1 năm 6 tháng tù treo, Nguyễn Thị Đào 2 năm tù treo. Về trách nhiệm dân sự, chấp nhận thoả thuận của Linh với các bị cáo khác để bồi thường theo yêu cầu của các bị hại.
Trước đó, đại diện VKS đề nghị xử Linh từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù, Huỳnh bị đề nghị từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo, Đào bị đề nghị từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm cho hưởng án treo.
3 bị cáo Linh, Đào, Huỳnh (từ áo đen sang) tại phiên tòa sáng 25/7. Ảnh: Trương Khởi. |
Đánh bằng dao, bình nước
Trước đó, sáng 25/7, ở phần làm thủ tục, bị cáo Linh, Huỳnh đã bật khóc. Riêng bị cáo Đào tỏ ra bình thản hơn.
Tại thời điểm phạm tội, Đào mang thai. Đến phiên tòa này bị cáo 24 tuổi vừa sinh 2 con nhỏ.
Trả lời HĐXX, bị cáo Linh khai rằng cơ sở mầm non của bà nhận trông giữ 35-40 trẻ. Theo quy định cơ sở Mầm Xanh chỉ được nhận trông trẻ từ 3-5 tuổi nhưng thực tế Linh nhận giữ cả những trẻ dưới độ tuổi này. "Bị cáo làm sai quy định so với giấy phép bị cáo đăng ký", Linh khai.
Chủ cơ sở Mầm Xanh trả lời HĐXX tiêu chuẩn của nhân viên giữ trẻ là phải có bằng cấp, kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ. Khi chủ tọa hỏi tại sao bị cáo Đào chưa hoàn thành chứng chỉ chăm sóc trẻ nhưng vẫn được giao công việc này và cũng không ký hợp đồng, Linh cúi mặt nói: "Thưa chủ tọa, bị cáo sai rồi". Đây cũng là câu nói Linh liên tục nhắc lại trong phần thẩm vấn.
Về hành vi, bị cáo này khai ngoài dùng tay thì còn dùng bình nước rửa chén, nắp xoong, rổ, con dao gõ nhẹ lên đầu các cháu.
"Hành vi giáo dục quá sai trái. Cách giáo dục của bị cáo sai trái", chủ cơ sở Mầm Xanh hối hận.
Bị cáo 19 tuổi Phạm Thị Huỳnh khai dùng tay đánh và cầm dao đe dọa học sinh. "Bị cáo đang nấu ăn nên cầm dao. Lúc đe dọa các bé quên mất đang cầm dao trên tay chứ bị cáo không hề muốn xâm hại sức khỏe các bé", Huỳnh nói.
Tuy nhiên, vị chủ tọa cho rằng theo như đoạn video thì Huỳnh không chỉ dùng dao đe mà còn bóp miệng. "Vậy thì đâu phải do tiện tay?", chủ tọa chất vấn.
Trả lời thẩm vấn, Đào thừa nhận hành vi của mình là dùng dép, tay và roi nhựa đánh 16 bé. Khi chủ tọa mô tả thêm hành vi của Huỳnh trong video là đứng canh các bé, nhìn bảo mẫu Linh đánh các trẻ, Huỳnh gật đầu thừa nhận.
"Bị cáo nhận thức hành vi của mình sai và không có lương tâm nên chủ động xin nghỉ sau đó", Đào khai.
Đông đảo người dân ngồi phía ngoài theo dõi phiên tòa qua màn hình. Ảnh: Hoài Thanh. |
Luật sư: Cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian
Có mặt tại tòa, đại diện hợp pháp của các bé yêu cầu tòa xử đúng người, đúng tội, có hình phạt thích đáng cho các bị cáo, đặc biệt là chủ cơ sở Mầm Xanh.
Về phần dân sự, phụ huynh của các bé yêu cầu bồi thường mỗi bé 65 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (bảo vệ quyền lợi cho 13 bé) đề nghị HĐXX phải áp dụng mức án cao nhất của khung hình phạt mới đủ trừng trị tính nguy hiểm của hành vi các bị cáo. Luật sư Ngọc Nữ cho rằng thời gian gần đây rất nhiều vụ án bạo hành trẻ em xảy ra. Việc đánh đập của các bảo mẫu không chỉ gây hậu quả về thể xác mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của các trẻ, có thể làm cho các bé sợ hãi đến lớp, nguy hiểm hơn là trầm cảm.
Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX không chấp nhận xử án treo như VKS đề nghị mà áp dụng hình phạt cao nhất về tội Hành hạ người khác. "Cần phải cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để các bị cáo có thời gian ăn năn, hối cãi", luật sư Nữ nói.
Ngày 26/11/2017 báo chí đã phanh phui vụ đày đọa trẻ xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh trên đường HT 05, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM.
Trước khi bị phát giác đánh đập trẻ, cơ sở tư thục này nhận giữ 30-40 trẻ, từ 12 tháng đến 4 tuổi. Đa số các bé là con của công nhân trên địa bàn.