Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trên thế giới rơi vào trạng thái đóng băng. Định hướng du học của nhiều học sinh rơi vào trạng thái chờ, hiện không mấy khả quan khi tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, thế giới chưa có vaccine.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, chuyên gia Hướng nghiệp - Tuyển sinh, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), những học sinh không đi du học hoặc du học sinh về nước có thể lựa chọn xét tuyển vào các chương trình liên kết quốc tế tại các trường đại học trong nước.
Những em này có thể tham gia các phương thức xét tuyển riêng của các trường như xét tuyển học bạ, thi tuyển sinh riêng để học đại học trong nước trong thời gian chờ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung khuyên học sinh tận dụng thời gian "chờ" tham gia các chương trình liên kết quốc tế phù hợp. Ảnh: NVCC. |
Các phương thức tuyển sinh riêng, mô hình liên kết quốc tế được triển khai trong nhiều năm qua, không đơn thuần là giải pháp tình thế, cũng không phải là những chương trình được mở ra một cách vội vàng trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, học sinh có thể yên tâm về chất lượng và hiệu quả xét tuyển.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh đáp ứng tiêu chuẩn đầu vào của các chương trình quốc tế. Thạc sĩ Dung cho rằng điều này không hề khó với những học sinh đã chuẩn bị cho việc du học.
"Chương trình đào tạo quốc tế xét tuyển đầu vào tương đương như đối tác quốc tế. Du học sinh khi đáp ứng yêu cầu học tập ở nước ngoài thì có thể tiếp tục học tập bình thường khi về nước. Đây là một điểm thuận lợi cho các bạn. Hơn nữa, các bạn còn có lợi thế hơn về tiếng Anh", thạc sĩ Xuân Dung nói.
Ngược lại, xét tuyển đại học chính quy, học sinh dù thuộc đối tượng nào cũng đều phải tốt nghiệp THPT và đạt từ ngưỡng điểm nhận hồ sơ trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển nên không có khác biệt giữa các nhóm thí sinh.
Theo góc nhìn của thạc sĩ Xuân Dung, một số lượng lớn du học sinh trở về nước tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh của các trường đại học, nhất là các chương trình đào tạo quốc tế.
Tuy nhiên đây chỉ là vấn đề tình thế trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu, chưa phải là lựa chọn ưu tiên, mang tính chất một bước chuyển lâu dài để các trường có thể đưa ra những chiến lược phát triển dài hạn.
Do đó, nhìn một cách tích cực, nữ thạc sĩ trường ĐH HUTECH cho rằng đây không chỉ là cơ hội để tuyển sinh. Nhân dịp này, trường đại học và Bộ GD&ĐT đánh giá lại, hoàn thiện hệ thống quy định về chuẩn ngoại ngữ, chuẩn kiến thức đầu vào và đầu ra, quy định chuyển đổi giữa các chương trình đào tạo. Những yếu tố khác góp phần giúp giáo dục Việt Nam đến gần hơn nữa chuẩn mực giáo dục quốc tế.
Đây cũng là cơ hội để khẳng định giá trị của giáo dục đại học Việt Nam, lấy lại lợi thế trong cuộc cạnh tranh “trong nước và du học”.
"Tất nhiên, chúng ta cần nhìn nhận, ở phương diện khác, đây là cơ hội để HUTECH và các trường đại học có thế mạnh ở môi trường học tập năng động, cơ sở vật chất tốt, chương trình đào tạo hiện đại, có chương trình đào tạo quốc tế uy tín. Những chương trình này có thể phát huy tiềm năng, khẳng định giá trị để thí sinh yên tâm lựa chọn hình thức 'du học tại chỗ' ngay tại đất nước mình", nữ thạc sĩ chia sẻ.
Năm 2020, HUTECH tuyển sinh chương trình đại học chính quy theo 3 phương thức (gồm xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM).
Ngoài ra trường còn có các chương trình đào tạo quốc tế gồm: Cử nhân Quản trị kinh doanh ĐH Lincoln (Mỹ); Cử nhân Quản trị kinh doanh ĐH Mở Malaysia (Malaysia), Cử nhân Quản trị nhà hàng & nghệ thuật ẩm thực, Cử nhân Quản trị khách sạn, Cử nhân Quản trị sự kiện & yến tiệc ĐH Cergy-Pontoise (Pháp) xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc có bằng cấp quốc tế tương đương.
Như vậy, thí sinh là học sinh lớp 12 nếu ban đầu dự định du học, không đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp và không tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực thì có thể xét tuyển đại học chính quy bằng điểm học bạ THPT, hoặc đăng ký vào các chương trình liên kết quốc tế. Du học sinh về nước cũng có thể xét tuyển theo các hình thức này.