Cuối tuần trước, Bao Jing (đến từ Côn Minh) khoe ảnh chiếc túi xách Louis Vuitton mới cóng kèm chú thích “Đã nhận được quà cho lễ tình nhân "520", thật sự hạnh phúc”.
Ngày 20/5 (ngày 520) là lễ Valentine của giới trẻ Trung Quốc do cách phát âm giống với câu “anh yêu em” trong tiếng Trung. Ngoài ngày "520" và ngày 14/2 của văn hóa phương Tây, thanh niên nước này còn đến 3-4 ngày lễ khác liên quan đến tình yêu.
Dù không phải ngày lễ chính thức, 20/5 hàng năm vẫn được coi là dịp đặc biệt của các đôi tình nhân Trung Quốc. Ảnh: Artwork. |
Bao cho biết vào mỗi dịp khác nhau, bạn trai của cô sẽ lại gửi cô những món đồ trang sức, mỹ phẩm, túi xách hoặc đưa cô đi ăn tại nhà hàng sang trọng.
“Chúng tôi coi trọng ý nghĩa những dịp đó. Bạn trai tổ chức hoành tráng cũng để thể hiện tình cảm dành cho tôi”, Bao nói.
Các chuyên gia cho biết những ngày lễ tình yêu này được các đôi Trung Quốc ưa chuộng do sự truyền thông rầm rộ của các nhãn hàng, công ty kinh doanh quà tặng, du lịch.
“Điều này giúp nhiều đôi thoải mái bày tỏ tình yêu hơn nhưng đồng thời khiến chủ nghĩa vật chất lấn át trong các dịp này. Quà xịn, đắt tiền lên ngôi là kết quả từ quá trình thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, khơi dậy mong muốn mua hàng của họ từ các đơn vị kinh doanh”, Xiong Guoyue, phó giáo sư tại Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, nói với SCMP.
Zeng Wei, một người đàn ông 30 tuổi ở Giang Tây, cho biết sẽ chuyển tiền mặt cho vợ vào ngày 20/5.
“Tôi mua quà hoặc gửi lì xì đỏ chứa tiền cho vợ vào ngày 14/2, kỷ niệm ngày cưới của chúng tôi, ngày của Mẹ hay sinh nhật của cô ấy. Cô ấy hài lòng còn tôi hạnh phúc”, Wei kể.
Trong dịp lễ tình yêu này, các đôi thường mua tặng nhau những món quà đắt tiền để thể hiện tình yêu. Ảnh: Getty. |
Theo SCMP, trong lịch sử Trung Quốc, việc bày tỏ tình yêu từng rất tế nhị, tránh thể hiện trực tiếp. Theo Yun Zhou, trợ lý giáo sư của khoa Xã hội học tại Đại học Michigan (Mỹ), những cách bày tỏ tình yêu công khai mãi về sau mới dần quen thuộc và phổ biến hơn.
“Trong 2 thập kỷ qua, tình yêu lãng mạn đã trở thành điều hiển nhiên được mọi người chấp thuận”, Yun Zhou cho hay.
Zhang Weilin, một nhà nghiên cứu từ Viện tư vấn thị trường LeadLeo có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết các dịp lễ tình nhân khác nhau của thế hệ người trẻ Trung Quốc đem lại nguồn lợi nhuận lớn.
“Doanh số bán hoa hồng, chocolate và đồ trang sức vào những ngày lễ tình nhân đó thường sẽ tăng ít nhất 2-3 lần”, Zhang nói.
Zhang cho hay văn hóa tiêu dùng xung quanh ngày lễ tình nhân được hỗ trợ bởi nền kinh tế phát triển nhanh của Trung Quốc và mức sống được cải thiện trong những thập kỷ gần đây.
Guo Jicheng, phó giáo sư Triết học tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết dưới tác động của toàn cầu hóa và thương mại hóa, việc thể hiện tình yêu một cách "dễ dàng và trực tiếp" trở thành điều bình thường.
"Trước đây dù ít nói lời yêu trực tiếp không có nghĩa là thế hệ trước không yêu nhau. Ngày nay, thế hệ trẻ dễ dàng biểu đạt tình yêu bằng lời nói hay quà tặng nhưng tỷ lệ ly hôn lại cao hơn rất nhiều", ông Guo nói.