Điều 136 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) được áp dụng từ 1/1/2018 có quy định về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc công ty luật ICC (Đoàn luật sư Hà Nội), Điều 136 Bộ luật hình sự 2015 có nhiều điểm mới so với Điều 106 Bộ luật hình sự 1999.
Luật sư phân tích, ngoài hành vi gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, Điều 136 bổ sung thêm hành vi gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
Trộm thường lợi dụng cây, cột điện, tường nhà để leo trèo, đột nhập. Đồ họa: Hà Ninh. |
Về hậu quả của hành vi, Khoản 1 Điều 136 đặt ra giới hạn tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 31% đến 60% cấu thành tội phạm cơ bản.
Trong khi đó, theo Khoản 2 và Khoản 3, nếu hậu quả từ 61% trở lên, gây ra với nhiều người và dẫn đến chết người thì tội phạm sẽ bị áp khung tăng nặng, mức phạt tù lên đến 3 năm.
Nói về hình phạt của tội danh theo Điều 136, luật sư dẫn giải đối với người phạm tội tại cấu thành cơ bản, khung hình phạt gồm phạt tiền từ 5 đến 20 triệu hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
"Về cơ bản, Điều 136 quy định hình phạt nhẹ hơn so với Điều 106 (có phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm) trước đây", luật sư Tùng nói.
Theo Giám đốc công ty luật ICC, Điều 136 thường được áp dụng trong các vụ án người dân phát hiện, bắt giữ hay đánh lại kẻ trộm khi phòng vệ.
Bộ luật mới quy định, tình huống chủ nhà phát hiện tên trộm nên truy đuổi và bắt giữ hoặc chống trả lại hành vi tấn công của tên trộm.
Nếu hành vi của chủ nhà gây tổn thương cơ thể cho tên trộm từ 31% đến 60% thì chỉ có thể bị phạt tiền từ 5 đến 20 triệu hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm theo điều luật trên.