Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ nhân giải Nobel toán từng bỏ học, rớt nhiều môn

Tiến sĩ June Huh chưa từng thích môn toán cho đến khi 23 tuổi. 16 năm sau, ông nhận Huy chương Fields, giải thưởng toán học danh giá hàng đầu thế giới.

Hầu hết nhà toán học hàng đầu khám phá môn học này từ khi còn trẻ và thường giành giải cao trong các cuộc thi quốc tế.

Nhưng June Huh là trường hợp ngoại lệ, theo New York Times. Toán học từng là điểm yếu của ông.

“Tôi học khá giỏi ở hầu hết môn, ngoại trừ toán. Năng lực giải toán của tôi chỉ ở mức trung bình, tức một số bài tôi làm ổn, một số khác tôi chỉ đủ điểm qua môn”, ông kể lại.

Nobel toan hoc anh 1

June Huh trong văn phòng của mình tại Đại học Princeton.

Ghét môn toán

Tiến sĩ Huh sinh năm 1983 ở bang California (Mỹ), nơi cha mẹ ông cùng học cao học. Khoảng 2 tuổi, ông cùng gia đình chuyển tới Hàn Quốc. Tại đây, cha của ông dạy môn thống kê, còn mẹ dạy môn ngoại ngữ và văn học Nga.

Ông né tránh môn toán bất cứ khi nào có thể. Cha từng cố gắng dạy ông. Nhưng thay vì tự giải, ông chép đáp án in sẵn ở cuối sách bài tập, Quanta Magazine đưa tin.

Khi phát hiện điều con trai làm, cha của ông đã xé các trang đáp án. Nhưng ông Huh không từ bỏ. Ông tiếp tục đến một hiệu sách địa phương và chép đáp án từ cuốn sách khác bày bán ở đó.

"Lúc này, cha tôi chấp nhận từ bỏ việc kèm học", ông kể.

Nobel toan hoc anh 2

Tiến sĩ Huh từng không thích môn toán.

Thời niên thiếu, ông Huh từng muốn trở thành một nhà thơ. Năm 16 tuổi, ông quyết định bỏ học lớp 10 để theo đuổi sở thích sáng tạo này.

Ông dự định hoàn thành kiệt tác trong vòng 2 năm, sáng tác thơ về thiên nhiên và trải nghiệm cá nhân trước khi vào đại học. Thế nhưng, kế hoạch đó sớm thất bại.

Năm 2002, ông trúng tuyển ngành vật lý và thiên văn học ở Đại học Quốc gia Seoul, đồng thời cân nhắc theo đuổi nghề nhà báo khoa học. Tuy nhiên, nam sinh viên Huh khi ấy thường xuyên trốn học, dẫn đến việc phải học lại vài môn.

“Nói chung, tôi cảm thấy lạc lối. Tôi không biết mình muốn làm gì và giỏi cái gì”, ông nói. Cuối cùng, ông mất tới 6 năm để lấy được bằng cử nhân.

Vô tình đi sâu nghiên cứu

Mãi tới năm cuối đại học, khi đã 23 tuổi, ông mới bắt đầu đi sâu nghiên cứu môn toán. Năm đó, Heisuke Hironaka, nhà toán học Nhật Bản giành được Huy chương Fields năm 1970, trở thành giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Seoul.

Tiến sĩ Hironaka phụ trách một lớp về hình học đại số. Ban đầu, lớp thu hút hơn 100 học viên, nhưng họ nhanh chóng từ bỏ vì cảm thấy khó hiểu. Cuối cùng, chỉ còn lại 5 người, bao gồm ông Huh.

Nobel toan hoc anh 3

Các công trình của ông Huh liên quan đến lĩnh vực toán học tổ hợp.

Môn toán qua lối giảng dạy của Tiến sĩ Hironaka trở nên thật hấp dẫn với sinh viên Huh. Các bài giảng của tiến sĩ người Nhật Bản không trau chuốt như trong giáo án - nơi các đáp án đã có sẵn và mọi thứ sắp xếp hợp lý sẵn.

“Về cơ bản, ông ấy quyết định giảng về những gì ông vừa nghĩ đến ngày hôm trước”, ông Huh kể về người thầy của mình.

Sau khi tốt nghiệp, ông Huh tiếp tục lấy bằng thạc sĩ với sự hỗ trợ của Tiến sĩ Hironaka. Năm 2009, ông nộp đơn vào khoảng 10 trường cao học ở Mỹ để theo đuổi bằng tiến sĩ.

“Lúc ấy, tôi tự tin rằng dù các lớp liên quan đến toán trong bảng điểm đại học khá thất bại, tôi có lá thư giới thiệu từ tiến sĩ từng đạt Huy chương Fields, nên sẽ nhiều trường chấp nhận tôi”, ông nói.

Thế nhưng, chỉ duy nhất Đại học Illinois Urbana-Champaign (bang Illinois) đưa ông Huh vào danh sách chờ trước khi chính thức nhận ông.

Tại Illinois, ông bắt đầu nghiên cứu về toán tổ hợp - lĩnh vực toán học tìm ra số cách có thể bố trí vật thể.

Ví dụ, cho một hình tam giác với một số màu nhất định, có bao nhiêu cách để tô các đỉnh sao cho 2 đỉnh của mỗi cạnh không cùng màu? Biểu thức giúp đưa ra đáp án cho những câu hỏi như thế này còn được gọi là đa thức màu. Hình càng khó, độ phức tạp của đa thức càng cao.

Nobel toan hoc anh 4

Bản ghi chép của tiến sĩ trong một bài giảng gần đây.

Nhờ dùng những công cụ có từ ngày làm việc cùng Tiến sĩ Hironaka, ông Huh đã chứng minh được giả thuyết của Read - giả thuyết mô tả tính chất toán học của các đa thức màu này.

Năm 2014, ông kết hôn với bạn gái lâu năm Kim Nayoung, cũng là tiến sĩ toán học, và chuyển đến Princeton, nơi cả hai cùng làm việc tại viện Nghiên cứu Cao cấp. Cùng năm, họ đón con trai đầu lòng.

Năm 2015, Tiến sĩ Huh, cùng với Eric Katz của Đại học Bang Ohio và Karim Adiprasito của Đại học Hebrew Jerusalem, đã chứng minh Giả thuyết Rota, liên quan đến các tổ hợp trừu tượng hơn, hay còn được gọi là ma trận, thay vì tam giác hay hình học khác.

Tháng 7, ở tuổi 39, nhà toán học June Huh được trao tặng Huy chương Fields 2022 nhằm tôn vinh đóng góp của ông trong lĩnh vực toán tổ hợp.

Được trao 4 năm một lần vào các dịp Đại hội Toán học Thế giới, Huy chương Fields được coi là giải thưởng toán học danh giá hàng đầu. Khác với giải Nobel, giải thưởng này chỉ được trao cho những người chưa quá 40 tuổi.

Học sinh Mỹ được dạy cách tiêu tiền

Môn quản lý tài chính cá nhân được đưa vào chương trình đào tạo giúp nhiều học sinh biết cách tiết kiệm và đầu tư, giảm nợ nần.

Ánh Dương

Ảnh: Caroline Gutman/Quanta Magazine

Bạn có thể quan tâm