Bình luận
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, không ít quán cà phê tại TP.HCM rơi vào tình trạng khó khăn và vòng xoáy thua lỗ. Sau thời gian dài đuối sức, không ít chủ quán đành phải đóng cửa, cho nhân viên tạm nghỉ.
Trước thách thức lớn, nhiều người xem đây là một phép thử với các doanh nghiệp F&B.
Trò chuyện với Zing, 6 chủ quán cà phê đã chia sẻ câu chuyện và những khó khăn của họ với các hoạt động kinh doanh trong mùa dịch.
Nguyễn Hữu Tuấn Thanh (31 tuổi), chủ quán cà phê Caztus Ice Blended (quận 3)
Tôi bắt đầu mở quán từ năm 2010, đến nay quán đã có 4 chi nhánh. Kể từ khi virus SARS-CoV-2 hoành hành tại TP.HCM, tôi phải ngừng kinh doanh 2 lần, thời gian tạm đóng lâu nhất là một tháng.
Gần 11 năm thành lập, quán đã trải qua nhiều thăng trầm khác nhau song dịch Covid-19 là khó khăn lớn nhất.
Rút kinh nghiệm từ những đợt trước, ngay khi có quyết định giới hạn 20 khách, tôi quyết định đẩy mạnh hoạt động giao hàng cũng như những chương trình khuyến khích mua mang về.
Ngày 12/6, tôi tiếp tục nhận được thông tin kéo dài giãn cách thêm 2 tuần. Đây là một sự kiện khó khăn cho toàn thành phố cũng như những mô hình kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, nếu xét theo tình hình hiện tại, tôi cũng không còn sự lựa chọn nào khác.
Tuấn Thanh vẫn cố gắng duy trì hoạt động của quán trong mùa dịch. |
Bên cạnh doanh thu giảm sút, điểm khác biệt lớn nhất so với trước đây là lượng đơn đổ về. Lúc trước, khách thường đặt nước cuối tuần, các ngày thường thì ít hơn. Nhưng khi ai cũng nghỉ ở nhà để tránh dịch, phần lớn đơn hàng đều tập trung trong tuần, đến thứ 7, chủ nhật thì giảm dần.
Hương Nguyễn (32 tuổi), chủ quán cà phê Coffee Hut (quận 3)
Trải qua 4 đợt dịch, tôi không còn quá bỡ ngỡ khi nhận được thông báo giãn cách xã hội của UBND TP.HCM. Vì thế, ngay khi dịch bùng phát, tôi và đội ngũ của mình đã chuẩn bị các phương án cho trường hợp xấu nhất.
Từ một quán cà phê phục vụ tại chỗ, quán tôi chuyển sang hình thức bán mang về và giao hàng. Phương châm của tôi là không bao giờ đóng cửa dù khó khăn đến đâu.
Theo kinh nghiệm từ các đợt trước, tôi quyết định thu gọn quy mô vận hành, tiết kiệm chi phí và đẩy giá bán xuống mức thấp nhất để khách hàng được thưởng thức sản phẩm với giá tốt.
Ngoài ra, tôi cũng ra mắt dòng cà phê đóng chai pha sẵn mang đi, dùng cả ngày dành cho dân văn phòng và người làm việc tại nhà.
Coffee Hut đẩy mạnh bán mang về và giao hàng. |
Thay vì mở cửa từ 7h30-22h30 như lúc trước, tôi rút ngắn thời gian phục vụ chỉ còn 8 tiếng mỗi ngày (8h-5h). Ngoài ra, tôi còn dời kế hoạch khai trương cửa hàng mới qua sau dịch.
Thú thật, khi nghe tin TP.HCM giãn cách thêm 2 tuần nữa, tôi cũng có chút hụt hẫng. Song vì đã có sự chuẩn bị kỹ nên mức độ ảnh hưởng cũng không quá nghiêm trọng.
Tôi nhận thấy bán online đang trở thành xu thế tất yếu của ngành F&B (thực phẩm và đồ uống). Đặc biệt là thời điểm hậu Covid-19, chắc chắn đơn vị nào cũng phải thay đổi để thích nghi với thời thế. Hy vọng chiến dịch tiêm vaccine của chính phủ thành công để mọi thứ sớm hoạt động trở lại.
Nguyễn Anh Phương (37 tuổi), chủ quán cà phê Slow Cafe (quận 3)
Mở quán cà phê từ tháng 7/2020, đây là lần đầu tiên tôi phải ngừng bán tại quán vì dịch. Trước khi có chỉ thị giãn cách xã hội, tôi đã chủ động liên lạc với công an khu vực để được tư vấn, hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh và tính toán phương án tốt nhất cho quán của mình.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi quyết định chuyển sang hình thức bán mang đi. Do mới mở chưa đến một năm nên trước đó, chúng tôi chưa có dịch vụ giao hàng. Vì thế, tôi biết sự thay đổi này cũng có rủi ro và những khó khăn nhất định.
Doanh thu giảm khoảng 50%, song tôi vẫn cố gắng đảm bảo công việc của các nhân viên để giữ động lực cho mọi người.
Anh Phương và các nhân viên giao hàng cho khách từ sáng sớm. |
Ngoài giao hàng miễn phí, tôi cũng chọn ra các món được khách hàng yêu thích như Latte, Americano, Cold Drip để đẩy mạnh. Mỗi ngày quán nhận được đều đặn khoảng 30-50 đơn.
Để đảm bảo chất lượng cà phê tốt nhất đến tay khách hàng, các thành viên trong quán trực tiếp đi giao, không sử dụng dịch vụ của bên thứ 3. Tôi thấy việc giao hàng cũng khá thú vị, vừa hạn chế tiếp xúc với người lạ, vừa giúp mọi người học thêm kỹ năng, giữ được tinh thần lạc quan trong thời điểm này.
Nguyễn Thùy Ngân (35 tuổi), chủ quán cà phê ArtViet Cafe (quận 1)
Giống như nhiều quán khác trong khu vực, ban đầu tôi dự định chuyển qua hình thức bán mang đi khi bắt đầu giãn cách xã hội. Tuy nhiên, sau một vài ngày thử nghiệm, tôi thấy mô hình này không phù hợp với quán nên đóng cửa hẳn.
Tôi bắt đầu kinh doanh quán cà phê từ cuối tháng 10/2020. Quán đón đợt dịch đầu tiên vào Tết Nguyên đán năm nay. Lúc đó, tình hình không căng thẳng như bây giờ nên cũng không gây ra tổn thất lớn. Nhưng ở “làn sóng thứ 4” thì khác, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh khiến doanh thu, lợi nhuận của quán cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.
Không có nguồn thu song tôi vẫn phải trả tiền mặt bằng, điện nước và các chi phí cố định. Số tiền đó không hề nhỏ.
Tuấn Anh (sinh năm 1997), quản lý của ArtViet Cafe, dọn dẹp quán khi nhận tin đóng cửa. |
Trong bối cảnh hiện tại, ai cũng phải chịu thiệt ít nhiều. Việc cần làm bây giờ là giữ bình tĩnh, theo sát thông tin từ chính phủ và giữ tinh thần lạc quan.
Dù đã cho các nhân viên tạm nghỉ, tôi vẫn gửi mọi người một khoản tiền nhỏ để hỗ trợ họ phần nào trong mùa dịch.
Dương Ngọc Quỳnh Như (29 tuổi), chủ quán cà phê KJ Project (quận Tân Bình)
Từ lúc mở quán cà phê vào năm 2018, đây là lần thứ 2 tôi phải tạm ngừng kinh doanh. Thời gian đầu, quán hoạt động rất ổn định, mọi thứ bắt đầu bị xáo trộn từ đợt dịch năm ngoái. Đó là thời điểm quán phải chuyển địa điểm, thu hẹp quy mô để duy trì hoạt động trong giai đoạn đó.
Khi dịch bắt đầu bùng phát tại Sài Gòn từ đầu tháng 5/2021, tôi buộc phải đóng cửa thêm lần nữa. Có thể nói “làn sóng thứ 4” mang lại ảnh hưởng nặng nề nhất từ trước đến nay. Việc không có doanh thu, lợi nhuận, đồng nghĩa với việc tiền thuê nhà, điện nước, tôi phải bỏ tiền túi để chi trả.
Lý do tôi quyết định đóng hẳn mà không bán mang đi là vì mô hình ban đầu của quán được định hướng như một nơi để ngồi đọc sách, làm việc và thư giãn.
Vì thế, tất cả món trong menu đều phù hợp để dùng tại chỗ. Tôi và người bạn cùng mở quán cũng thống nhất với nhau trước khi đưa ra lựa chọn này.
Quán cà phê của Quỳnh Như từng phải dời địa điểm vì ảnh hưởng của dịch. |
Dù khá bật lực song tôi nghĩ không có cách nào tốt hơn trong bối cảnh hiện tại. Tôi và nhân viên bắt đầu dọn dẹp vào cuối ngày 30/5.
Hiện tôi vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để khắc phục khó khăn sắp tới. Nhưng tôi sẽ cố gắng để vực dậy tình hình của quán.
Trần Thanh Tùng (33 tuổi), chủ quán cà phê Monkey in Black (quận 10)
15h ngày 27/5, sau khi nhận tin về ổ dịch mới tại quận Gò Vấp, tôi quyết định tạm ngừng kinh doanh.
Trong chiều hôm đó, tôi và các nhân viên phải gửi lời xin lỗi, mời khách rời khỏi để dọn dẹp quán, chuẩn bị đóng cửa dài ngày. Đa số khách hàng đều bất ngờ vì quán đột ngột “đuổi khách” giữa chừng. Nhưng sau khi biết lý do, ai cũng cảm thông và ủng hộ lựa chọn này.
Là dân kinh doanh, không ai muốn doanh nghiệp mình tâm huyết phải tạm dừng hoạt động, dù chỉ trong một ngày. Tôi cũng buồn lắm, nhưng cũng tự động viên bản thân đây là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho nhân viên, khách hàng và cộng đồng giữa dịch Covid-19.
Monkey in Black đóng cửa để đảm bảo an toàn. Ảnh: NVCC, Gia Bảo. |
Kể từ khi dịch bệnh hoành hành, quán cà phê của tôi từng phải đóng cửa 3 lần. Thời gian quán ngưng hoạt động lâu nhất là 14 ngày, trùng với đợt giãn cách xã hội vào tháng 3/2020. Những lần đóng cửa dài hạn gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho tôi nhưng tôi vẫn quyết không bán mang về.
Vì Monkey in Black khá nổi tiếng với giới trẻ nên lượng khách không hề ít. Nếu nhận các đơn hàng online, sẽ có nhiều shipper tụ tập trước quán. Tôi nghĩ việc đó không đảm bảo an toàn, nên tốt nhất là dừng mọi hoạt động cho tới khi làn sóng thứ 4 “giảm nhiệt” hay có thông báo mới từ UBND thành phố.