Chủ quyền dân tộc vào đề thi Văn lớp 10 Hà Nội
Đề môn Văn sáng nay tại Hà Nội đã khiến thí sinh thích thú với việc phân tích câu nói về chủ quyền và nghị luận về người chiến sĩ bảo vệ biển đảo.
Sáng nay (18/6), các sĩ tử Hà Nội đã hoàn thành môn thi đầu tiên trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Tại Hội đồng thi trường THPT chuyên Hà Nội – Amserdam, thí sinh dự thi đa phần là học sinh khá, giỏi của các trường THCS nên đều cho rằng đề thi môn Văn sát với chương trình ôn tập và tỏ ra tự tin sẽ đạt điểm cao.
Các bạn học sinh trao đổi với nhau sau khi kết thúc môn thi đầu tiên - Ngữ văn. |
Đặc biệt, câu hỏi nghị luận trong đề thi năm nay yêu cầu trình bày suy nghĩ về hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc, khiến các bạn rất thích thú bởi đó là vấn đề thời sự đang được quan tâm.
Bên cạnh đó, đề Văn năm nay cũng đề cao chủ quyền dân tộc, với việc phân tích câu nói của vua Quang Trung: "đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị". Ở phần này, đề cũng yêu cầu chép hai câu thơ có ý nghĩa tương tự trong bài Sông núi nước Nam.
Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn. |
Nguyễn Thùy Dung (THCS Tây Sơn) nhận xét: “Đề thi không quá khó vì vậy em làm bài khá tốt và dự kiến được 8-8,5 điểm. Trong bài thi em thích nhất là câu nghị luận về hình ảnh người lính đảo bởi đó chính là những người anh hùng, quả cảm bỏ lại sau lưng gia đình, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì an ninh tổ quốc ngay trong thời bình”.
Nguyễn Hoàng Anh (THCS Thành Công) chia sẻ: “Theo em đề Văn năm nay sát với chương trình ôn tập, tuy nhiên cũng có kiến thức học từ lớp 8 đó là yêu cầu chép lại hai câu thơ trong bài Sông núi nước Nam. Mặc dù vậy đây là bài thơ quen thuộc nên em vẫn làm tốt. Đây là năm đầu tiên xuất hiện câu hỏi nghị luận trong đề thi nhưng em lại cảm thấy rất thích thú và hoàn thành khá tốt”.
Bên cạnh đó, câu hỏi chép thơ tưởng chừng đơn giản lại khiến một số thí sinh mất điểm bởi nhớ nhầm một vài từ.
Chàng trai chuyên Sinh Lương Thế Đức (THCS Nguyễn Du) lại cho rằng: “Câu hỏi khó nhất trong đề thi đó là trình bày suy nghĩ về hình ảnh người chiến sĩ bảo vệ biển đảo, bởi chúng em chưa được ôn tập nhiều về dạng bài này. Đối với câu hỏi này, em chia thành nhiều ý, trước tiên đó là khẳng định những người chiến sĩ này rất gan dạ, dũng cảm; không những thế họ còn là những người có trách nhiệm với tổ quốc”.
Chiều nay các sĩ tử sẽ phải có mặt tại trường thi từ lúc 13h và tiếp tục làm bài thi môn Toán trong thời gian 120 phút. Đây là hai môn thi quan trọng nhất đối với các học sinh Hà Nội, vì sẽ được nhân hệ số hai trong điểm xét tuyển vào lớp 10 các trường không chuyên.
BÀI GIẢI GỢI Ý Phần I : 1. Nhan đề Mùa xuân nho nhỏ được cấu tạo bởi hai từ loại: “mùa xuân” là danh từ và “nho nhỏ” là tính từ. Việc kết hợp các từ loại ấy có tác dụng miêu tả rõ đặc điểm của danh từ (mùa xuân). 2. Nốt nhạc trầm theo nghĩa hiện thực là nốt nhạc có cao độ thấp. Trong bài thơ nó là một hình ảnh ẩn dụ được nhà thơ sử dụng để nói lên cái khát vọng muốn được khiêm tốn cống hiến cho cuộc đời. Đó là một khát vọng cao thượng và chân thành. 3. Câu hỏi yêu cầu thí sinh phải viết một đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp làm rõ tâm niệm của nhà thơ, trong đó có sử dụng câu bị động và phép thế (gạch dưới câu bị động và những từ ngữ dùng làm phép thế). Thí sinh phải đáp ứng những yêu cầu căn bản nói trên: viết một đoạn văn nghị luận; khoảng 12 câu; theo cách lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp; nội dung làm rõ tâm niệm của nhà thơ Thanh Hải trong bốn câu thơ; câu văn phải có loại câu bị động và phép thế (chú ý phải gạch dưới câu bị động và những từ ngữ dùng làm phép thế). Mỗi thí sinh sẽ có nội dung cụ thể khác nhau, tuy nhiên đoạn văn phải đáp ứng những yêu cầu căn bản nói trên. Đây chỉ là một đoạn văn mang tính chất gợi ý tham khảo: (Sau khi đã chép bốn câu thơ trên) Câu một: Khổ thơ thể hiện tâm nguyện của nhà thơ muốn được cống hiến cho cuộc đời. Câu hai: Khát vọng đó được thể hiện qua hình ảnh mùa xuân nho nhỏ. Câu ba: Đó là một hình ảnh khái quát xuyên suốt bài thơ có ý nghĩa biểu hiện cái đẹp của thiên nhiên, đất nước và cuộc sống. Câu bốn: Trong khổ thơ này, mùa xuân được xây dựng thành hình ảnh ẩn dụ nói lên khát vọng cống hiến của nhà thơ cho cuộc đời. Câu năm: Ý thức rằng cá nhân chỉ là một phần tử nhỏ bé, nhà thơ mong ước mình là một mùa xuân nho nhỏ. Câu sáu: Hơn nữa, lại lặng lẽ dâng cho đời. Câu bảy: Khiêm tốn biết bao là ước nguyện cống hiến của nhà thơ Thanh Hải. Câu tám: Bởi lẽ, con người ta rất dễ trở nên tự đắc, tự kiêu trước những đóng góp của mình. Câu chín: Thông thường, người ta quan niệm còn trẻ còn làm việc, già thì nghỉ ngơi an hưởng. Câu mười: Thậm chí có khi còn đòi hỏi người khác phải phục vụ, phải tưởng nhớ cho những cống hiến của mình. Câu mười một : Nhưng nhà thơ Thanh Hải lại quan niệm hoàn toàn khác: Nhà thơ khao khát cống hiến không chỉ là lúc tuổi hai mươi mà cả khi tóc bạc. Câu mười hai: Cả khổ thơ là tâm nguyện chân thành cao đẹp của nhà thơ, là một lời nhắc nhở sâu sắc với mọi người về lẽ sống đáng để ghi nhớ và học tập. Phần II: 1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Tác giả là nhóm Ngô Gia Văn Phái, gồm có Ngô Thì Chí (1758-1788) và Ngô Thì Du (1772-1840). 2. Lời nói của nhà vua “Đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định chủ quyền của đất nước và kín đáo bày tỏ niềm tự hào về chủ quyền đất nước và sự bình đẳng giữa phương Bắc với phương Nam. Trong bài thơ Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt có hai câu mang nội dung tương tự: Sông núi nước Nam vua Nam ở Rành rành đã định tại sách trời (Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư) 3. Câu hỏi yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về hình ảnh người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc. Thí sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau. Sau đây chỉ là một số gợi ý để tham khảo : - Việt Nam là một quốc gia nằm ven biển. Lãnh thổ bao gồm đất liền và rất nhiều hải đảo. Bên cạnh những người chiến sĩ bảo vệ chủ quyền của đất nước trên đất liền, trên không, chúng ta không thể không nghĩ tới những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc. - Các anh là những người sống trong một khung cảnh có nhiều khó khăn gian khổ: sống giữa biển khơi, đầy nắng gió, thường xuyên gặp phải bão tố, … - Cuộc sống của các anh thiếu thốn phương tiện so với người dân ở đất liền: thiếu nước ngọt, thiếu sách báo,… - Xa gia đình, xa người thân nên nhiều khi phải trải qua những nỗi buồn da diết vì nhớ nhà,… - Tuy đầy gian khổ và khó khăn nhưng những điều này không làm mềm đi ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, nhất là những ngư dân trên biển cả. - Đất nước được toàn vẹn, cuộc sống vẫn phát triển bình thường, hàng ngày các em được bình yên đến trường, bữa cơm mỗi ngày không thiếu những sản phẩm của biển cả,… nhờ có một phần không nhỏ công sức và sự hy sinh thầm lặng của các anh. - Hình ảnh của các anh chiến sĩ ngoài biển đảo là những hình ảnh hào hùng ẩn chứa vẻ đẹp của sự hy sinh vì nghĩa lớn. (Theo Thanh Niên) |
An Hoàng
Theo Infonet