Một số cặp cô dâu - chú rể chọn tính tiền vé tham dự đám cưới để tiết kiệm chi phí tổ chức. Ảnh minh họa: @w.yeowoon/IG. |
Bởi đã chi hơn 100.000 USD cho đám cưới, bao gồm cả tiền đặt cọc cho địa điểm tổ chức, DJ và nhiếp ảnh gia, Hassan Ahmed (23 tuổi) quyết định thu 450 USD cho một vé dự đám cưới của anh vào năm sau tại Houston (Mỹ), nơi anh sinh sống.
Tuy nhiên, nhiều người trong số 125 khách mời vẫn chưa phản hồi lại. Trong một video trên TikTok, Ahmed tỏ ra bối rối trước phản ứng của các khách mời trước việc thu phí tham dự lễ cưới, trong khi nhiều trong số họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho vé xem ca sĩ Beyoncé hoặc Chris Brown, theo The New York Times.
Gánh nặng tài chính
The Knot, trang web lập kế hoạch đám cưới, thực hiện khảo sát khoảng 10.000 cặp đã kết hôn tại Mỹ vào năm 2023. Kết quả cho thấy chi phí trung bình cho một buổi lễ cưới và tiệc cưới vào năm 2023 là 35.000 USD, tăng 5.000 USD so với năm trước.
Dù vậy, việc bán vé dự đám cưới thực chất khiến nhiều khách mời khó chịu. Không ít người cho rằng các cô dâu, chú rể thiếu tế nhị khi đẩy gánh nặng tài chính cho khách mời, trong khi họ có thể tìm nhiều cách khác để tiết kiệm chi phí kết hôn.
Matthew Shaw, người sáng lập Sauveur, công ty tổ chức đám cưới ở London (Vương quốc Anh), cho biết việc bán vé sẽ tạo nên mối quan hệ kỳ quặc giữa cặp vợ chồng và khách mời. Lúc này, khách mời đã trở thành khách hàng. Cô dâu và chú rể không còn là chủ tiệc nữa, mà là người cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm trả phí.
Thu phí tham dự đám cưới vẫn được xem là thiếu tế nhị với nhiều người. Ảnh minh họa: Jonathan Borba/Pexels. |
Thêm vào đó, dù chi phí đám cưới tăng cao, Shaw nhấn mạnh rằng vẫn có thể tổ chức đám cưới có ý nghĩa, với quy mô nhỏ hơn và ít khách mời hơn. Thực tế, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, bất chấp những khó khăn và hạn chế, nhiều người vẫn tìm ra những phương án thay thế để kỷ niệm những dịp đặc biệt, bao gồm cả đám cưới.
Ngoài ra, chi phí khách mời bỏ ra để tham gia một đám cưới cũng đang trở nên đắt đỏ hơn. Theo một khảo sát của Knot dựa trên 1.000 khách mời đã tham dự đám cưới trong năm 2022, chi phí trung bình để dự một đám cưới là 580 USD. Con số này tăng 120 USD so với năm 2021.
Mỗi nhà mỗi cảnh
Nova Styles và Reemo Styles, cặp vợ chồng đã kết hôn tại New York (Mỹ) vào tháng 6/2023, đã bán hết vé tham dự đám cưới của mình. Giá của mỗi vé là 333 USD/người. Họ làm rõ rằng khoản phí này không phải để trang trải chi phí đám cưới trị giá 70.000 USD, mà nhằm mục đích thu hẹp danh sách khách mời.
Cả hai đã tổ chức một chuyến tham quan bằng xe buýt hai tầng đến các địa điểm quan trọng ở New York, nơi diễn ra câu chuyện tình yêu của họ. Điểm đến đầu tiên là buổi lễ cưới chính thức tại nhà thờ lớn.
Các địa điểm khác bao gồm Hudson Yards, nơi Reemo cầu hôn vợ, và rạp chiếu phim AMC 42nd Street, nơi họ chia sẻ một đoạn video về hành trình yêu đương của mình. Điểm dừng chân cuối cùng là tiệc chiêu đãi tại tầng 102 của Đài quan sát One World.
Ban đầu, họ dự định mời 350 người, nhưng xe buýt chỉ có thể chứa 60 người. Reemo giải thích rằng việc thu tiền vé là cách để khách mời quyết định. Nova nói thêm rằng họ muốn những người tham dự thực sự mong muốn có mặt ở lễ cưới của mình.
Nova Styles và Reemo Styles cùng đoàn tham quan trên xe buýt hai tầng thuộc đám cưới của mình. Ảnh: REEM Photography. |
Lola Marie (41 tuổi), người bạn thân đã trả tiền vé tham dự đám cưới của vợ chồng Nova và Reemo Styles, ban đầu đã do dự trước ý tưởng khác thường này. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với đôi vợ chồng và hiểu được lý do đằng sau, cô quyết định chi tiền.
Cô thực sự thích sự kiện này, bao gồm cả bữa tối sang trọng và màn trình diễn bất ngờ của rapper Fabolous. Cô cảm thấy đám cưới đáng giá hơn số tiền 333 USD mà mình đã trả.
Jamie Wolfer, người sáng lập Wolfer & Co., công ty lập kế hoạch đám cưới tại Waco (Texas, Mỹ) cho biết dù bà hiểu rằng mỗi đôi sẽ có một hoàn cảnh riêng, việc tính tiền vé cho khách nhìn chung giống như một hành vi xã giao thiếu chuẩn mực. Điều này có thể gây căng thẳng giữa cô dâu, chú rể và khách mời.
Ông Shaw nói thêm rằng nếu việc yêu cầu đóng góp nhỏ như 50 USD hoặc tiền mặt có thể thông cảm được trong thời buổi kinh tế khó khăn, thì tính vé tham dự 333 USD cho mỗi khách là một số tiền đáng kể và có thể gây ra vấn đề.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.