Nhà ông Trần ở huyện An Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) có 4 người con, 3 cô con gái lớn của ông đều đã đi lấy chồng, anh Trần Băng Đào (27 tuổi, tên đã được thay đổi) là cậu con trai út của gia đình.
Nhờ sự nỗ lực giúp đỡ của người thân và bạn bè, cuối cùng anh Đào cũng cưới được vợ. Trong nhà ngoài ngõ ai nấy đều vui mừng thay anh. Nhưng nào ngờ, vào đêm tân hôn đã xảy ra một chuyện lớn.
"Nhà tôi tận số rồi", ông Trần buồn bã nói. Con trai duy nhất của hai vợ chồng ông cưới vợ ngày 11/1/2017 và ngay trong "đêm động phòng", án mạng đã xảy ra. Nạn nhân là cô dâu, còn thủ phạm chính là chú rể.
Thảm án đêm tân hôn
Ngày xảy ra chuyện, sau khi đám cưới diễn ra, chú rể còn ngồi uống rượu với mấy người bạn thân đến 21h. Sau đó, ai về nhà nấy nghỉ ngơi. 1h30 sáng hôm sau, án mạng xảy ra.
Phòng cưới của vợ chồng anh Đào có 2 gian, bên trong là phòng ngủ, gian ngoài là phòng khách. Không rõ tại sao, đôi vợ chồng mới cưới đã phát sinh mâu thuẫn, cãi vã ngay trong đêm tân hôn, cô dâu bắt anh phải ra ngủ trên salon ngoài phòng khách.
Không may, trong phòng lúc đó có một chiếc búa dùng để đóng khung ảnh. Đào đã dùng chiếc búa này tấn công vợ ngay tại phòng tân hôn khiến cô tử vong.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Đào đã gọi cho số 110 và 120 để báo án và cấp cứu. Trước khi bị công an bắt đi, Đào còn hỏi thăm vết thương của vợ thế nào.
"Thách cưới giá cao" là một vấn nạn nhức nhối ở Trung Quốc. Ảnh: eastlady.cn. |
Khổ sở vì số tiền thách cưới quá lớn
Nạn nhân là chị Lý Hiểu Hiểu (tên đã được thay đổi), từng nhiều lần kết hôn nhưng gia đình anh Đào chỉ thông qua bà mối giới thiệu, sốt ruột chuyện cưới xin nên đã không tìm hiểu kỹ.
Theo điều tra, nguyên nhân của thảm án trong đêm tân hôn chính là vì số tiền sính lễ 110.000 nhân dân tệ (khoảng 372 triệu đồng).
Gia cảnh vốn khó khăn, Đào phải ra ngoài đi làm kiếm tiền từ rất sớm. Sau này, anh phải đi làm công xa nhà. Mỗi lần đi làm xa về nhà, anh đều đóng cửa nhốt mình trong phòng không đi đâu cả.
Tuy ngoại hình Đào cao lớn, tướng mạo nam nhi nhưng thu nhập của anh rất thấp. Tính cách anh lại hướng nội, ít nói, khi tuổi tác đã không còn trẻ mà vẫn chưa có mối nào thành, vợ chồng ông Trần rất sốt ruột.
Để anh Đào cưới được vợ, gia đình đã phải đi vay tiền khắp nơi để mua xe, mua nhà cho anh. Số tiền nợ lên đến gần 200.000 tệ (khoảng 676 triệu đồng), anh Đào đi đâu ra ngoài cũng gặp phải chủ nợ.
Sau khi có nhà có xe, anh Đào cũng có nhiều mối để ý hơn. Trong số đó có Lý Hiểu Hiểu, người ở huyện bên, là có vẻ hợp ý nhau hơn cả.
Tuy nhiên, nhà gái đề xuất tiền sính lễ lên đến 110.000 tệ, đây là số tiền không nhỏ với gia đình anh Đào. Vợ chồng ông Trần vì quá muốn con mình thành thân nên đã chấp nhận số tiền thách cưới lớn đó.
Để hôn sự thành công, ngoài số tiền thách cưới, gia đình nhà trai lại phải chi thêm 70.000 tệ nữa để tổ chức đám cưới. Tổng cộng, vợ chồng ông Trần đã tiêu 180.000 tệ (hơn 600 triệu đồng) cho đám cưới của con trai. Ai cũng nói nhà ông Trần vì muốn cưới được cô con dâu này đã bị "lột sạch".
Sau khi Đào bị công an địa phương bắt, nhà anh Đào tiếp tục bị bên ngân hàng đến giục trả nợ nên buộc phải bán xe. Vụ án đang chờ xử lý.
Vấn nạn "thách cưới giá cao"
Vụ việc trên đây được coi như một “giọt nước tràn ly” của vấn nạn thách cưới ở xã hội Trung Quốc. Vấn nạn đặc biệt nghiêm trọng ở nông thôn, các vùng có nhiều hộ nghèo và lạc hậu lại càng dễ xảy ra. Nhiều gia đình kinh tế khó khăn vì muốn cho con "thành gia lập nghiệp" mà lại càng rơi vào tình cảnh khốn đốn hơn.
Nạn “thách cưới giá cao” còn gây ra những ảnh hưởng xấu cho xã hội. Ngoài việc lo tiền sính lễ cho nhà gái, nhà trai còn phải phát phong bì cho các khách đến dự cưới, có lúc lên đến 4.000 tệ/1 phong bì (khoảng hơn 13 triệu đồng) cho một vị khách. Tiền sính lễ giá cao có thể lên đến 250.000-300.000 tệ (850 triệu-1 tỷ đồng). Thêm vào tiền mua nhà, mua xe, để có một đám cưới “xứng tầm” có gia đình phải chi đến 500.000 tệ (khoảng 1,7 tỷ đồng).