Ngày 24/2, đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng hướng dẫn và điều tra án tham nhũng, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an, đã trao đổi với báo chí về vụ án lừa đảo đa cấp xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Liên kết Việt).
Theo đại tá Huy, đến nay, cơ quan điều tra đã xác định có hơn 60.000 nạn nhân tại 27 tỉnh, thành bị lừa đảo số tiền trên 1.900 tỷ đồng và con số này vẫn còn tăng lên.
Thợ may, gội đầu trở thành phó tổng giám đốc
Theo kết quả điều tra xác minh của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, bị can Nguyễn Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên kết Việt không có bằng cấp chuyên môn gì về lĩnh vực kinh doanh. Bị can Thủy, 46 tuổi, sinh tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, trước khi bị bắt sinh sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Bị can Nguyễn Thị Thủy - Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp |
Trong hồ sơ lý lịch, Nguyễn Thị Thủy đã học hết phổ thông tại quê nhà, sau đó làm lao động tự do để kiếm sống. Suốt từ năm 16 đến 40 tuổi, bị can này đã kinh qua nhiều nghề nghiệp như thợ may, mở tiệm gội đầu cắt tóc, làm móng nhưng đều không ổn định. Vài năm trước đây, Thủy tham gia vào một số công ty kinh doanh đa cấp, trở thành thành viên và học hỏi được ngón nghề kinh doanh.
Từ đó, Thủy bắt đầu tính chuyện làm lớn để có được thu nhập cao. Chuẩn bị hành trang cho quá trình này, Thủy đăng ký học một lớp đào tạo về đa cấp do Bộ Công thương mở ra. Lớp học cấp chứng chỉ này chỉ diễn ra trong 3 ngày, trang bị những kiến thức đơn giản cho học viên. Tuy nhiên, khai nhận tại cơ quan điều tra, Thủy cho biết chỉ học có 1 ngày để có được Chứng chỉ nhằm hợp thức hóa khi đi xin việc.
Khi có tất cả những kinh nghiệm và giấy tờ cần thiết, Thủy tìm đến Lê Xuân Giang để thỏa thuận phương thức làm việc, hợp tác, cùng có lợi.
Chuẩn úy xuất ngũ tự đeo lon đại tá
Trong khi đó, cơ quan điều tra cũng dựng lên chân dung của Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Liên kết Việt, qua những trang lý lịch. Lê Xuân Giang, 46 tuổi, sinh tại Hưng Yên. Năm 1991, vị Chủ tịch HĐQT này nhập ngũ rồi được đi học tại Trường quân chính Quân đoàn 2, Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật và dạy nghề Bộ Quốc phòng, sau đó công tác tại Ban Tài chính Quân đoàn 2. Đến năm 2001, Lê Xuân Giang xuất ngũ với quân hàm Chuẩn úy và từ đó bắt đầu sự nghiệp lập các công ty để làm ăn.
Bị can Lê Xuân Giang, từ Chuẩn úy xuất ngũ đã mạo danh thành Đại tá quân đội. |
Đầu tiên, Giang làm Giám đốc điều hành cho công ty Tân Thành Phát. Được một thời gian, anh này lập nên công ty Đức Giang Vina và làm giám đốc. Tuy nhiên do kinh doanh không phát triển nên Giang đã tính toán chuyện mượn danh nghĩa Bộ Quốc phòng để làm ăn và đã chuyển đổi doanh nghiệp này thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP vào năm 2005.
Sau đó, Giang tiếp tục thành lập công ty Quốc tế Hưng Việt. Các công ty này đều hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường với những sản phẩm như bóng đèn, thiết bị điện cơ bản. Dần dần, qua các mối quan hệ và hướng dẫn làm ăn, Lê Xuân Giang chuyển sang sản xuất thực phẩm chức năng, máy khử độc Ozone, vật lý trị liệu...
Đến năm 2014, Lê Xuân Giang nhìn thấy món ngon khi kinh doanh đa cấp nên đã làm thủ tục xin Bộ Công thương cấp phép kinh doanh lĩnh vực này, ký quỹ 10 tỷ đồng và đổi tên công ty Quốc tế Hưng Việt thành Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam. Từ đây, công cuộc lừa đảo của Lê Xuân Giang bắt đầu được thực hiện khi kết hợp với Nguyễn Thị Thủy.
Đã trả hoa hồng 1.100 tỷ đồng
Sau khi khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can tại Liên kết Việt, cơ quan điều tra đã dựng lên toàn bộ quá trình lừa đảo của các bị can này. Theo đó, thời điểm ban đầu, Nguyễn Thị Thủy đã mặc cả với Lê Xuân Giang và yêu cầu mình phải là người đứng đầu hệ thống. Ngoài các khoản được chi trả định kỳ, với mỗi mã hàng Giang phải chi cho nhóm của Thủy 290.000 đồng.
Thỏa thuận được chấp nhận và nhóm của Thủy nhanh chóng phát triển hệ thống đến nhiều địa phương với số thành viên tăng chóng mặt. Trước thực trạng đó, Giang đã phải thỏa thuận lại chỉ chi cho nhóm của Thủy 210.000 đồng/mã hàng; số tiền 80.000 đồng còn lại Giang sử dụng để tiếp tục phát triển hệ thống. Tuy nhiên, khoản tiền này có được chi hay không chỉ có Giang biết. Chính bản thân bị can Lê Xuân Giang cũng bất ngờ về việc kinh doanh của Thủy “thành công” như vậy.
Khai nhận tại cơ quan điều tra, Giang cho biết vô cùng ngỡ ngàng vì số tiền thu về quá lớn. Bản thân bị can này chưa bao giờ sở hữu một khoản tiền khổng lồ như vậy. Cơ quan điều tra ước tính Lê Xuân Giang có thể thu lợi đến 500 tỷ đồng nhưng chính bản thân bị can cũng không thể tính chính xác được vì có quá nhiều tiền.
Đó là chưa kể Lê Xuân Giang còn bị nhóm của Thủy lừa khi nhập vào một số mã ảo để tính gian lận tiền hoa hồng được ăn chia.
Những chiếc xe máy được dùng làm phần thưởng cho các nhà phân phối - Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp |
Số tiền còn lại, cơ quan điều tra xác định có 1.100 tỷ đã được trả hoa hồng cho các đầu chi nhánh, đại lý cấp dưới và người tham gia.
Đại tá Huy cho biết, vào thời điểm thực hiện các quyết định tố tụng với nhóm bị can này, cơ quan điều tra đã chia làm 7 mũi, thực hiện khám xét từ tối đến đêm. Thậm chí, lúc thực hiện lệnh khám xét, trong nhà bị can có két nhưng không có chìa khóa, lúc 1h sáng, cơ quan công an đã phải thuê người đến để phá két nhằm thu giữ tất cả các tài liệu liên quan.
Quá trình khám xét cũng thu giữ được 16 máy tính, toàn bộ hồ sơ tài liệu còn lại của các bị can, phong tỏa tài khoản, thu giữ tổng cộng số tiền trên 134 tỷ đồng. Ông Huy cũng cho biết khi công ty này bị phát giác làm giả bằng khen của Thủ tướng, các bị can đã tiêu hủy một số tài liệu, tẩu tán tài sản nên hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục thực hiện các biện pháp để thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả.