Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chưa ai hỏi bọn trẻ muốn gì trong ngày khai giảng'

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng ngày khai giảng mất đi ý nghĩa vì không ai muốn tìm hiểu xem bọn trẻ muốn gì, thích gì.

Sắp đến ngày khai giảng 5/9, nhiều người đặt câu hỏi có cần nữa không ngày khai giảng khi hiện nay, ngày khai trường lại không phải là ngày đầu tiên học sinh tới trường. Nhà báo Trương Anh Ngọc đã có cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề này. 

- Sau khi nêu quan điểm “Nên dẹp ngày khai giảng vì không còn ý nghĩa như xưa”, ông đã nhận những ý kiến phản hồi như thế nào?             

- Tôi nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình và chia sẻ.

Một số ý kiến khẳng định rằng, đúng là cần phải xem xét lại việc học trước rồi mới khai giảng sau, bởi việc tổ chức ngày khai giảng theo kiểu hình thức như những năm qua không chỉ tạo ra sự mệt mỏi cho các cháu, mà còn có thể khiến các cháu mất đi sự hứng khởi và niềm vui đến trường.

khai giang truoc khi hoc chuong trinh moi anh 1
Ngày khai giảng không ít học sinh phải ngồi nắng. 

Một số ý kiến nói rằng cần phải giữ ngày khai giảng vì đó là truyền thống và thiêng liêng, nhưng không nên tổ chức theo kiểu hình thức như hiện tại nữa, mệt mỏi, tốn kém và không còn nhiều ý nghĩa thực sự nữa.  

Tôi nghĩ rằng ý kiến của mình được đặt ra theo hướng khá sốc, là nếu không còn đảm bảo được ý nghĩa thực tế của ngày khai giảng nữa, và ngày khai giảng không còn là ngày đầu tiên đi học nữa, thì nên dẹp nó đi.

Chữ “dẹp” nghe thật thô bạo và thậm chí ảnh hưởng lớn đến nhiều người, vốn cho rằng, ngày này không thể bỏ được, dù với bất cứ lý do gì.

Ý kiến này tác động khá mạnh lên nhiều người, và đương nhiên, có cả những ý kiến trái chiều. 

- Khi có nhiều ý kiến phản đối, ông có cảm thấy buồn không?               

- Tôi thấy thế là bình thường, bởi ngoài một số người không hiểu thực sự điều tôi muốn nói đến, là hãy trả lại cho ngày khai giảng ý nghĩa của nó và hãy để ngày hè của trẻ là những ngày bọn trẻ được nghỉ và được chơi, thay vì ta ăn cắp những ngày đó của chúng vì đủ mọi lý do khác nhau, thì có không ít người vẫn bảo vệ quan điểm là cho trẻ đến trường sớm cũng tốt.

Họ nói rằng trẻ con phải đến trường vào đầu tháng 8 để ôn bài, để tổ chức lớp và để tập khai giảng. Họ nói là cần cho trẻ đi học sớm, vì ở nhà không ai trông được.

Một số ý kiến khác lại nói, nếu không học trước thì làm sao theo được chương trình về sau.

Chưa kể, có một vài người mới chỉ đọc được chữ “dẹp khai giảng” là nhảy vào công kích tôi ngay, trong khi chưa hề đọc các lập luận của tôi về việc cần phải xem xét lại việc tổ chức ngày này như thế nào, và đừng “ăn cắp” những ngày hè của trẻ nữa…

Tóm lại, có khá nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. 

khai giang truoc khi hoc chuong trinh moi anh 2
Nhà báo Trương Anh Ngọc. 

- Có nhiều ý kiến cho rằng ông không hiểu về chương trình giáo dục, không hiểu về kế hoạch giảng dạy trong năm học nên mới phát biểu như thế?    

Tôi không phải là nhà giáo dục, nhưng tôi là một công dân, và là một công dân, thì tôi cũng có quyền đặt ra câu hỏi ngược lại cho ngành giáo dục.

Chúng ta đã tiến hành cải cách giáo dục trong rất nhiều năm, chi phí cho ngân sách giáo dục cũng không hề nhỏ, vậy tại sao ngành giáo dục không thể có một phương cách nào đó về kế hoạch và chương trình học tập để không chỉ giảm tải cho các em, tạo cho các em sự hăng say học tập và gắn bó với kiến thức, mà lại còn bắt các em đi học từ trong những ngày hè, khi mùa hè của các em còn chưa kết thúc?

Tại sao ngành không thể bớt đi những yếu tố mang tính hình thức trong các ngày khai giảng để tập trung vào điều cần thiết hơn, thực tế hơn, là kích thích trong trẻ sự ham mê đến trường?

Và ngành có hiểu được rằng, việc cho học trước cả tháng rồi mới khai giảng chính là ngành đang làm giảm ý nghĩa của ngày khai giảng không, trong khi đó phải là ngày mà bọn trẻ mong muốn đến trường nhất, vì là dịp để chúng gặp lại bạn bè, thầy cô sau ba tháng hè?  

- Nhận nhận định cho rằng rằng ngày khai giảng hiện nay không còn có ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa của ông liệu có cảm tính không?

- Nếu nói tôi cảm tính hay không thì chỉ cần hỏi các bậc phụ huynh xem họ có cùng chia sẻ điều đó với tôi không.

Tôi không tin rằng những người có con đang đi học và sắp đến ngày khai giảng lại không so sánh với chính ngày khai giảng của họ của thời họ còn cắp sách đến trường.

Thời chúng tôi khác bây giờ, ba tháng hè là đúng ba tháng hè và ngày khai giảng chính là ngày đầu tiên đến trường.

Những ngày trước khai giảng, tôi bồn chồn và hồi hộp lắm, chỉ mong đến trường. Và cảm giác của ngày đầu tiên của năm học mới từ bao năm đã qua rồi, tôi vẫn không thể quên, mừng lắm, sung sướng lắm, vui vẻ lắm và háo hức lắm.

Bây giờ, cảm xúc ấy liệu có còn với trẻ không? Chưa thấy ai đặt ra câu hỏi ấy. Chưa thấy ai tìm hiểu xem bọn trẻ muốn gì trong ngày khai giảng. Chưa có ai từng quan tâm đến chúng thích làm gì.

Chỉ có người lớn muốn làm gì đó, muốn tổ chức điều gì đó, nghĩ rằng họ làm thế là vì bọn trẻ, trong khi trên thực tế, họ chỉ quan tâm đến bản thân mình muốn gì.

Đừng tưởng tổ chức khai giảng hoành tráng, trống đánh tùng tùng và bóng bay thả khắp nơi cùng các màn biểu diễn văn nghệ là trẻ thích đến trường, thích học hành.

Việc đó không hẳn nằm ở ngày khai giảng, mà nằm trong cả năm học, trong chương trình học, trong cách giảng dạy của thầy cô giáo, trong các giờ ngoại khóa, trong những hoạt động chung với nhau ở sân trường…

Có ích gì nếu bọn trẻ có được một ngày khai giảng đầy hình thức, với những bức ảnh đẹp chụp bọn trẻ quần áo xúng xính, những bài diễn văn hay ho và xúc động, nhưng chúng phải tập đến khổ những ngày trước đó, và rồi cả năm học là những cuộc chạy đua theo chương trình học, chạy đua theo thành tích, rồi học thêm. Vậy thì đấy là học hay là khổ?

- Phải chăng thực tế đi học trước, khai giảng sau khiến ông cảm thấy ngày khai giảng đã không còn ý nghĩa với trẻ?

- Đúng vậy. Tôi chưa thấy nước nào giống Việt Nam mình, là đi học trước rồi mới khai giảng.

Làm thế là không chỉ khiến bọn trẻ không được hưởng hết kỳ nghỉ hè như lẽ ra chúng phải có, mà còn là một trong những cách dễ dàng nhất để giết chết sự hứng khởi và hào hứng đến trường của trẻ. Chúng đủ khôn để hiểu rằng, ngày khai giảng hóa ra cũng chỉ là hình thức.

- Nhưng bản thân phụ huynh cũng mong muốn con được trở lại trường sớm để có người “trông con” để đi làm, thưa ông?

- Nhà trường không phải là nơi giữ trẻ thay các gia đình được. Hè nào cũng đến sau các năm học, tức là đấy là chuyện luôn xảy ra theo quy luật.

Nếu các gia đình không biết cách nào để trông trẻ, để làm cho trẻ bận rộn thực sự trong ngày hè bằng các hoạt động về văn hóa và thể thao, giải trí, mà chỉ tìm cách ném cho chúng những cái smartphone và chờ ngày trở lại trường để đẩy chúng vào đó, coi như đó là nơi trông trẻ hộ họ, thì đấy là sự thất bại của giáo dục trong gia đình.

- Ký ức của ông về ngày khai giảng khi xưa như thế nào?

-  Đó là ngày khai giảng không có những bài diễn văn dài lê thê và hứa hẹn đủ điều về thành tích và báo công, không có bóng bay. Không có tập khai giảng, không có những đứa trẻ đứng dưới nắng. Chỉ có tiếng trống trường và nụ cười cùng sự háo hức của con trẻ.

- Là người từng sống nhiều năm ở Italy, ông thấy ngày khai giảng của học sinh bên đó như thế nào?

- Ở đó không có ngày khai giảng. Đấy đơn giản là ngày đầu tiên đi học. Ngoài ra, nó không còn ý nghĩa gì khác.

Hôm đó, mọi người đưa trẻ đến trường sớm hơn mọi khi và thường là tập trung ở sân trường để nghe hiệu trưởng nói chỉ 1,2 câu, đại loại là “chào đón các con vào năm học mới. Thầy/cô hy vọng hè vừa rồi các con đã đi chơi thật vui và có nhiều chuyện để kể cho các bạn nghe”.

Sau đó, thầy/cô sẽ giới thiệu các con với cô giáo chủ nhiệm của các lớp. Họ đọc tên của từng cháu, đến cháu nào thì bước đến các giáo viên chủ nhiệm, đến khi nào đủ lớp thì cô dắt các cháu vào lớp và hôm ấy học luôn.

Cứ thế cho đến hết các lớp (mỗi lớp chỉ chừng 20-24 cháu). Chỉ chừng nửa tiếng là xong mọi việc.

Thế mà ai cũng vui. Bọn trẻ thì thích thú, còn người lớn thì nói chuyện với nhau, rồi nếu ai chưa đi làm ngay thì rủ nhau đi uống cà phê.

- Ngày khai giảng đọng lại trong ký ức của con gái ông như  thế nào?

- Con gái tôi không có ngày khai giảng như trẻ con ở nước mình, vì từ bé, cháu đã học hoặc ở Italy, hoặc là trong trường quốc tế. Cháu chỉ có ngày đầu tiên của năm học mới và những ngày sắp sửa đến lớp, cháu rất hồi hộp, rất háo hức và bồn chồn vì chuẩn bị được gặp gỡ bạn bè và cô giáo.

Cháu không phải đến trường trước đó, và mọi điều cần thiết cho năm học mới thì phòng thư ký nhà trường đã gửi chi tiết đến email của phụ huynh.

Lịch học của năm học thì thực ra các phụ huynh đã có từ khi năm học trước hết thúc, với ngày nghỉ, ngày đi học rất rõ ràng.         

- Ông đánh giá như thế nào về ngày khai giảng của học sinh Việt Nam hiện nay?

- Theo ý kiến của tôi, nó quá rườm rà, hình thức, mất thời gian và không thể nói là không tốn kém.

- Vậy Ngày khai giảng ở Việt Nam cần phải được tổ chức thế nào, thưa ông? 

- Hãy để đó là ngày đầu tiên trẻ đến trường. Hãy giảm càng nhiều càng tốt phần lễ, hãy bỏ nốt phần diễn văn và làm thế nào đó để ngày này càng vui càng tốt.

Lễ khai giảng chỉ trong khoảng 45 phút là xong được rồi. Sau đó, trẻ vào học, và năm học mới bắt đầu. Vậy thôi.

Hàng trăm phụ huynh kéo đến ủy ban xã phản đối sáp nhập trường

Lo ngại con em phải đi học xa, hàng trăm phụ huynh ở xã Quảng Phúc (Thanh Hóa) kéo đến UBND xã để phản đối việc sáp nhập trường cấp hai với trường THCS Quảng Vọng.

http://vtc.van/hoc-truoc-khai-giang-sau-chua-ai-hoi-bon-tre-muon-gi-trong-ngay-khai-giang-d345806.html

Theo Phạm Thịnh / VTC News

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm