Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, ngày 14/7, điểm thi THPT quốc gia 2019 được công bố trên cả nước. Thí sinh dùng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào các trường đại học.
Tuy nhiên, trước đó, nhiều trường tại Hà Nội và TP.HCM đã công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ 3 năm THPT. Không ít trường kết hợp nhiều phương pháp tuyển sinh khác nhau để thu hút thí sinh.
6 điểm học bạ một môn trúng tuyển nhiều đại học
Theo thông báo của ĐH Kinh tế TP.HCM, hơn 2.000 thí sinh đã đỗ theo diện tuyển thẳng hệ chính quy năm 2019. Một trong những điều kiện trúng tuyển là thí sinh học giỏi 3 năm, đến từ tất cả trường THPT trên toàn quốc, không phân biệt trường chuyên, năng khiếu. Yêu cầu bắt buộc là điểm trung bình môn Tiếng Anh lớp 12 từ 8 trở lên và tốt nghiệp THPT năm 2019.
Ngoài ra, thí sinh phải thỏa mãn các điều kiện của trường theo thứ tự ưu tiên là điểm trung bình lớp 12, trung bình lớp 11, trung bình lớp 10, trung bình môn Toán lớp 12 và trung bình môn Tiếng Anh lớp 12.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: V.L. |
Theo thông tin từ ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, trường xét tuyển học bạ lớp 12 cho 44 ngành. Ngành Y có điểm trung bình cao nhất là 8,5; Dược học 8. Các ngành Y học Dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học lấy 6,5. Gần 40 ngành còn lại lấy điểm trung bình là 6 cho mỗi môn xét tuyển.
ĐH Văn Hiến cũng mới công bố điểm xét kết quả học bạ THPT. Theo đó, tổng điểm trung bình của 3 môn xét tuyển trong 3 học kỳ (hai học kỳ lớp 11 và học kỳ một lớp 12), hoặc tổng điểm 3 môn xét tuyển trong hai học kỳ lớp 12, cùng điểm ưu tiên, phải đạt từ 18 trở lên. Trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển từ 6 trở lên là thí sinh trúng tuyển.
Tương tự, ĐH Văn Lang đã công bố điểm trúng tuyển học bạ THPT đợt một với 14 trong 31 ngành có mức 18.
Theo thống kê của ĐH Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, gần 500 thí sinh trúng tuyển với điểm xét học bạ là 18.
Nới rộng đầu vào - lạc hậu hay theo xu hướng?
Việc các trường lấy điểm đầu vào khá thấp theo hình thức xét học bạ gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Không ít ý kiến nghi ngại rằng phương thức xét tuyển này dễ xảy ra tiêu cực, bởi phụ huynh có thể "làm đẹp" học bạ cho con.
Thành viên Thương Nguyễn nêu năm 2018, kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương còn “đổi trắng thay đen” được, thì không ai dám chắc điểm học bạ không thể thay đổi.
"Đi thi có người tổ chức, giám sát còn xảy ra tiêu cực như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, huống hồ là xét học bạ", tài khoản Hoa Thủy bình luận.
Nhiều người cho rằng tuyển thẳng vào đại học nên có tiêu chí IELTS 6.5 trở lên, kèm bài viết tự luận của thí sinh. Các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL hay SAT khó có thể "thích nâng lên hạ xuống cũng được" như điểm số ở trường phổ thông.
Trên trang fanpage Ăn trưa cùng Tony, nhiều dân mạng bình luận phải dùng chứng chỉ quốc tế thì đầu vào đại học của Việt Nam sẽ giống các trường trên thế giới. Ngoài ra, luyện IELTS cũng tốt cho mọi học sinh. Nếu không đỗ đại học, các em vẫn có ngoại ngữ đi làm cho công ty nước ngoài, khách sạn, du lịch...
Những bạn không có IELTS 6.5, viết luận không sâu sắc, điểm thi tú tài thấp, nên học nghề hay cao đẳng thực hành, chứ không theo hàn lâm, nghiên cứu hệ đại học.
“Đầu vào phải đủ trình độ IELTS 6.5 trở lên để có thể đọc tài liệu giáo trình nước ngoài, thay vì dịch ra tiếng Việt, cũng như tham gia học online với giáo sư nước ngoài. IELTS 6.5 cũng là điều kiện để các đại học Việt Nam phải dạy song ngữ, tiến tới dạy 100% tiếng Anh, thu hút sinh viên quốc tế. Đào tạo nhưng không thể ra nước ngoài làm việc vì thiếu ngoại ngữ thì làm sao được? Tiếng Anh, với bậc đại học hàn lâm, cần phải xem là ngôn ngữ thứ hai thay vì ngoại ngữ”, trích bài viết trên fanpage Ăn trưa cùng Tony.
Đồng tình với ý kiến trên, bạn Ngọc Tú cho rằng vào đại học không chỉ cần điểm thi tốt nghiệp, mà làm cả luận văn để xét trình độ nhận thức, suy nghĩ của mỗi học sinh; có nơi còn nên thêm cả phỏng vấn.
Nhiều người lo ngại đỗ đại học bây giờ quá dễ, "góp phần" tạo ra nguồn nhân lực kém chất lượng, sau này không đáp ứng được công việc, thất nghiệp, tạo hệ lụy cho xã hội.
Nhưng cũng có ý kiến phản biện rằng việc mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra là xu hướng của thế giới. Khi các trường tự chủ về tài chính, họ sẽ dễ hơn trong khâu tuyển sinh. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng đầu ra để khẳng định danh tiếng của nhà trường.