![]() |
Sở hữu nhà trước tuổi 30 là mục tiêu của nhiều người trẻ. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Tháng 10/2024, Tuyết Hân (26 tuổi, quận 7, TP.HCM) quyết định “xuống tiền” mua căn hộ đầu tiên trong đời chỉ sau một ngày cân nhắc. Giá mua chung cư thuộc dự án bất động sản quận 7 lúc đó là 3,3 tỷ đồng. Cô sợ chần chừ sẽ lỡ cơ hội.
“Chỉ vài tuần sau, nhiều căn tương tự trong dự án đã được rao bán 3,6 tỷ đồng”, cô kể.
Theo dữ liệu lớn được công bố vào năm 2024 của Batdongsan.com.vn, 64% người muốn mua bất động sản trong vòng một năm kể từ thời điểm thực hiện khảo sát ở dưới 40 tuổi. Đáng chú ý, khoảng 60% người trẻ từ 22-29 tuổi tự tin có thể mua nhà trong tương lai.
Mua nhà trước khi bước sang tuổi 30 là mục tiêu đối với nhiều người trẻ tại TP.HCM và Hà Nội. Trong khi một số “tự thân vận động”, nhiều người lại nhờ đến sự trợ giúp từ gia đình. Đối với những trường hợp chọn phương án mua nhà trả góp, khoản nợ hàng tháng vừa là động lực vừa là áp lực lớn.
|
Mua bất động sản sớm là một cột mốc, song cũng mang đến áp lực cho nhiều người trẻ. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Người tự mua, người nhờ gia đình
Quyết định mua nhà của Tuyết Hân đến sau thời gian dài đi thuê và tích lũy. Khi còn là sinh viên, cô từng sống trong những căn phòng có diện tích chỉ từ 5–20 m2 với chi phí thuê dưới 2 triệu đồng/tháng. Thói quen tiết kiệm được hình thành từ sớm. Từ năm thứ hai đại học, cô bắt đầu làm freelancer với thu nhập 15–20 triệu đồng/tháng, và duy trì thói quen tiết kiệm có thể tới 70% thu nhập.
Sau khi tốt nghiệp, nhận thấy cần thu nhập cao hơn để đạt mục tiêu tài chính, Hân chuyển hướng sang ngành UX/UI và làm việc từ xa cho công ty nước ngoài. Thu nhập cao nhất của cô đạt 75 triệu đồng.
Nhờ duy trì mức tiết kiệm cao trong nhiều năm, đến năm 2024, cô và bạn trai quyết định dùng toàn bộ khoản tích lũy để mua nhà, bước đầu hoàn thành mục tiêu sở hữu bất động sản đầu tiên trước tuổi 30.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, nhân sự thiết kế 26 tuổi cho biết yêu thích không gian phía Nam thành phố nên chọn định cư tại quận 7. Bên cạnh đó, cô cũng mua chung cư này vì nhiều tiện ích như sân tennis, phòng gym, khu chợ nội khu, đối diện là siêu thị, gần bệnh viện và các trường học, đại học.
Theo Tuyết Hân, mua nhà là một khoản đầu tư lâu dài. Cô tính đến phương án cho thuê nếu sau này đi học nước ngoài hoặc làm việc tự do tại nước khác. So với các dự án ở xa trung tâm, cô cho rằng những căn hộ như hiện tại có tiềm năng cho thuê với giá tốt hơn.
Giống với nhiều người mua nhà khác, cô cũng gặp khó khăn trong hành trình tìm kiếm căn hộ ưng ý. Cô từng phải hủy hợp đồng vì vấn đề pháp lý, hoặc chậm cọc do căn hộ vừa xem đã có người khác “xuống tiền” trước.
![]() |
Tuyết Hân hoàn thiện mục tiêu sở hữu căn hộ đầu tiên ở tuổi 26. |
Khác với Tuyết Hân, Hoàng Chiến (26 tuổi, quận 12, TP.HCM) sở hữu căn hộ từ năm 2019 nhờ sự hỗ trợ từ gia đình. Căn chung cư 72 m2, 2 phòng ngủ được mua khi Chiến còn là sinh viên ở thời điểm dự án đang hoàn thiện, với mức giá 1,4 tỷ đồng. Vì biết đến dự án muộn, gia đình anh không kịp chọn căn có ban công.
“Tôi chưa từng ở trọ. Trước đây, tôi sống cùng người thân, rồi được bố mẹ mua nhà cho. Đó là điều tôi luôn thấy biết ơn”, chuyên viên thiết kế nói.
Anh cho biết nhờ có nhà, mỗi tháng tiết kiệm được ít nhất 7 triệu đồng tiền thuê nơi ở, chưa kể các chi phí dịch vụ. Khoản thu nhập cá nhân hiện dùng để chi trả sinh hoạt phí, mua sắm và các nhu cầu khác.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Hoàng Chiến cho biết chung cư của anh nằm ở quận 12, xa trung tâm và thường kẹt xe vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, do làm việc từ xa nên Chiến không bị ảnh hưởng nhiều. Anh đánh giá cao khu vực này vì gần chợ và có đầy đủ tiện ích cho sinh hoạt dài hạn.
Hoàng Chiến cho biết nhiều bạn bè đồng trang lứa cũng tự mua nhà nhờ hình thức trả góp, đóng trước một phần và trả dần trong vài năm. Dù đã có nhà, anh vẫn đang tích lũy để chuyển đến nơi gần trung tâm hơn trong tương lai.
‘Mua nhà là cõng nợ’
Cuối năm ngoái, Huỳnh Phương (29 tuổi, quận 4, TP.HCM) quyết định đặt cọc căn hộ đầu tiên trước khi bước sang tuổi 30. Anh đã lên kế hoạch mua nhà theo hình thức trả góp, lo ngại giá bất động sản tiếp tục leo thang, rơi vào cảnh “trâu chậm uống nước đục”.
Trưởng phòng marketing này vét toàn bộ tiền tiết kiệm, vay mượn thêm từ gia đình, gom được hơn 1 tỷ đồng để trả trước 30% giá trị căn chung cư 2 phòng ngủ. Anh thừa nhận khó đặt bút ký hợp đồng mua bán nếu không có sự hỗ trợ từ bố mẹ.
“Mua nhà là ‘cõng’ thêm nợ. Tôi thấy lo nhiều hơn vui”, Phương nói.
Để chi trả số tiền còn lại, Huỳnh Phương dự định gia tăng nguồn thu nhập bằng cách nhận thêm các dự án cá nhân, chuẩn bị tinh thần làm đồng thời 2-3 công việc. Anh cũng lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm từ bây giờ, quản lý tài chính cá nhân một cách nghiêm khắc hơn.
Trước đây, anh sẵn sàng chi trả đến 5 triệu đồng cho một buổi đi chơi cùng bạn bè ở các quán bar. Song, thói quen này sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khi Phương gánh áp lực trả góp nhà trên vai.
Theo tính toán của trưởng phòng 29 tuổi, anh phải trả nợ gần 50 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này chiếm một khoản lớn trong thu nhập của Huỳnh Phương.
Tuy nhiên, nhờ quyết định mua nhà, anh không còn phải chi trả 10 triệu đồng hàng tháng để thuê căn hộ chung cư, tiết kiệm được một khoản. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ lãi suất 0% trong năm đầu tiên của chủ đầu tư phần nào giảm bớt áp lực trên vai anh.
|
Khoản trả góp mua nhà hàng tháng trở thành áp lực, khiến nhiều người trẻ phải kiêm nhiệm 2-3 công việc một lúc. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Tài chính cũng là vấn đề khiến Thanh Hà (28 tuổi, quận Hai Bà Trưng), chủ sở hữu một shop thời trang tại Hà Nội, trăn trở, lo lắng khi ở trong quá trình trả góp căn chung cư trị giá 2,5 tỷ đồng.
Cô quyết định mua nhà từ 2 năm trước, dự định trả góp trong 3 năm. Đây là năm cuối trong hành trình trả nợ cho bất động sản đầu tiên đứng tên mình của Hà.
Tuy nhiên, cô không ngờ rằng hoạt động kinh doanh của cửa hàng quần áo ngày càng khó khăn. Giá thuê mặt bằng gia tăng và thói quen mua sắm online của người tiêu dùng trẻ khiến số lượng khách hàng đến shop ngày càng giảm sút.
Cô vừa phải gồng lỗ cho cơ sở kinh doanh vừa chịu áp lực trả nợ mua nhà hàng tháng. Khó khăn tài chính khiến Hà phải đi vay mượn nhiều nơi, xoay dòng tiền để vượt qua giai đoạn này.
“Khi quyết định mua nhà, tôi không nghĩ rằng mình có khả năng rơi vào thế khó như vậy. Doanh thu 2 năm trước của cửa hàng đủ cho tôi trả góp nhà hàng tháng mà không phải nghĩ ngợi nhiều”, Thanh Hà chia sẻ.
Chủ shop 28 tuổi này hối hận vì không lên kế hoạch tài chính cụ thể, cẩn trọng hơn, tính đến những biến số, rủi ro khi quyết định mua chung cư trả góp.
Lầm tưởng của người mới đầu tư chứng khoán
Cuốn sách Tôi thích tiền nhưng ngại đầu tư của tác giả Bbyonggeul cung cấp những kiến thức dễ hiểu về quản lý tài chính cá nhân, giúp người đọc tiêu tiền một cách khôn ngoan. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chi tiêu và thiết lập tư duy đầu tư đúng đắn trước khi tham gia thị trường chứng khoán, đồng thời cảnh báo về những lầm tưởng và rủi ro khi đầu tư mà không có kiến thức đầy đủ.