Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

QUIZZ

Chùa nào tại Bình Dương là tâm điểm lễ hội rằm tháng Giêng?

Bình Dương được biết đến là vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đồng thời sở hữu nền văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều lễ hội truyền thống đậm bản sắc.

Binh Duong anh 1

Chùa nào tại Bình Dương là tâm điểm lễ hội rằm tháng Giêng?

  • Chùa Tây Tạng
  • Chùa Bà
  • Chùa Hội Khánh

Lễ hội rằm tháng Giêng là một trong những lễ hội văn hóa lớn nhất của tỉnh Bình Dương và được tổ chức hàng năm vào đúng ngày rằm tháng Giêng (15/1 Âm lịch) với nhiều chương trình đặc sắc, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch và hành hương. Trong đó, địa điểm tập trung nhiều du khách nhất là lễ rước kiệu tại chùa Bà (còn gọi là miếu Bà Thiên Hậu) tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây được coi là lễ hội lớn nhất khu vực Nam Bộ dịp rằm tháng Giêng. Ý nghĩa lễ rước là để “Bà thăm viếng dân tình” và người tham gia chiêm bái, cầu phúc.

Binh Duong anh 2

Lễ hội chùa Bà dịp rằm tháng Giêng còn có tên gọi dân gian là gì?

  • Lễ hội miễn phí
  • Lễ hội cầu may
  • Lễ hội thờ bà

Những năm gần đây, lễ hội chùa Bà ở Bình Dương được gọi tên là “lễ hội miễn phí”, bởi người tham gia có thể trải nghiệm các dịch vụ không mất tiền: Vá xe, xe ôm, Wi-Fi, đồ ăn thức uống, khăn lạnh, nhang (hương), cây phát tài… Hầu hết hoạt động miễn phí trên đều được người dân, các đoàn viên, thanh niên địa phương tự nguyện thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là khách thập phương đến với lễ hội chùa Bà. Hoạt động này không chỉ thể hiện nét đẹp văn hoá, còn cho thấy sự mến khách của người Bình Dương.

Binh Duong anh 3

Lễ hội miếu Ông Bổn tại Bình Dương một năm diễn ra mấy lần?

  • 1 lần
  • 2 lần
  • 3 lần

Lễ hội miếu Ông Bổn diễn ra 2 kỳ cúng lễ mỗi năm, vào dịp mùa xuân (ngày 2/1 Âm lịch) và mùa thu (ngày 4/7 Âm lịch). Lễ hội bao gồm các nghi thức cúng tế theo Đạo giáo do các thầy pháp chuyên nghiệp đảm trách. Kế đó là lễ rước kiệu các vị thần, kéo dài suốt đêm, đi qua hàng chục cây số bao quanh khu vực dân cư với không khí náo nhiệt và sôi động. Lễ hội còn có hát Hồ Quảng, múa cù, múa lân sư rồng, đặc biệt là múa hẩu thu hút đông đảo người xem.

Binh Duong anh 4

Lễ hội miếu Ông Bổn gắn liền với nghề nghiệp nào?

  • Nghề dệt vải
  • Nghề mỹ nghệ
  • Nghề gốm sứ

Lễ hội miếu Ông Bổn là đặc trưng của văn hóa người Hoa ở Bình Dương. Người Hoa xưa lập chùa lấy tên vị thần đất (Ông Bổn) nói chung để thờ các vị thánh nhân phù hộ nghề làm gốm sứ của họ. Ông Bổn chỉ là một biểu tượng, không phải một nhân vật cụ thể. Ông Bổn còn được hiểu là ông tổ, trong đó “Bổn” nghĩa là gốc. Lễ hội thể hiện sự tri ân, biết ơn thánh nhân, nhớ về cội nguồn và cầu mong tiền nhân phù hộ nghề nghiệp.

Binh Duong anh 5

Lễ hội cầu an nổi tiếng tại Bình Dương có tên gọi là gì?

  • Lễ hội Kỳ Yên
  • Lễ hội Cầu Ngư
  • Lễ hội Căm Mường

Theo tên gọi, “Kỳ Yên” tức là “cầu an”. Diễn ra trong 2 ngày 15-16/11 Âm lịch, lễ hội Kỳ Yên mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt người tham gia với nhiều nghi thức đặc trưng, đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ. Cụ thể gồm: Cúng Ngũ hành Nương Nương, biểu diễn nghệ thuật hát Địa Nàng, lễ tế anh linh các mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh… Lễ hội Kỳ Yên là hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống, đánh dấu một năm yên ổn mưa thuận gió hòa, để mọi người cùng cầu phúc cho một năm mới bình an, mùa màng thắng lợi, bội thu.

Binh Duong anh 6

Vườn trái cây nào được tổ chức lễ hội tại Bình Dương?

  • Vườn trái cây Vĩnh Kim
  • Vườn trái cây Cái Mơn
  • Vườn trái cây Lái Thiêu

Từ lâu, vườn cây ăn trái Lái Thiêu đã nổi tiếng là vùng du lịch sinh thái nông nghiệp đặc sắc của Bình Dương nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Nơi đây được xem như “thánh địa” của các loại cây trái ngọt cả nước. Để xây dựng lại thương hiệu vườn cây ăn trái Lái Thiêu thành địa danh nổi tiếng với du khách, đồng thời giữ gìn vùng sinh thái cho đô thị Thuận An, lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” đã được tổ chức từ năm 2013.

Binh Duong anh 7

Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” được tổ chức vào khoảng thời gian nào hàng năm?

  • Tháng 4-5 Dương lịch
  • Tháng 5-6 Dương lịch
  • Tháng 6-7 Dương lịch

“Lái Thiêu mùa trái chín” là lễ hội được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương phối hợp UBND TP Thuận An tổ chức thường niên vào khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 Dương lịch hàng năm. Đây cũng là thời gian trái cây chín. Lễ hội thường diễn ra trong 5 ngày với sự góp mặt của rất nhiều loại trái cây được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận, đến từ các tỉnh như măng cụt Lái Thiêu, bưởi Biên Hòa, mãng cầu Bà Đen, nhãn xuồng cơm vàng Vũng Tàu…Thông qua chuỗi hoạt động đa dạng, lễ hội sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, vui chơi, thưởng thức các loại trái ngon quả ngọt và những món ăn đặc sản của vùng đất Bình Dương.

Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, do ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới) bình chọn.

Với mục tiêu trở thành đô thị loại I, thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ, gắn với chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo lộ trình.

Giang Tiểu San

Bình luận

Bạn có thể quan tâm